Báo động bữa ăn hàng ngày có thực phẩm độc

12:14, 28/07/2013
|

(VnMedia) - Mì sợi chứa hàn the, bún chứa hóa chất, thịt gà chứa kháng sinh, gạo bị phun hóa chất, nước uống đường phố nhiễm khuẩn….đang đe dọa sức khỏe của người dân. Do vậy, hiện nay người tiêu dùng hết sức lúng túng và lo lắng khi nguồn thực phẩm hàng ngày không được cơ quan nào đảm bảo chất lượng.


Mì sợi chứa hàn the cực độc

Gần đây nhất, ngày 26/7, Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Biên Hòa, Đồng Nai, đã kiểm tra một số mặt hàng được tiểu thương bán tại chợ Biên Hòa và đã phát hiện số lượng lớn mì sợi có chứa chất độc có thể gây hại cho sức khỏe người sử dụng.

Theo quy định của ngành y tế, hàn the là chất độc và cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm. Chất hàn the có thể làm thoái hóa các cơ quan sinh dục, gây vô sinh. Nếu trẻ em ăn phải thực phẩm có lượng hàn the cao có thể dẫn đến tử vong.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Bún chứa hóa chất

Vài ngày trở lại đây câu chuyện bún, bánh canh, bánh phở… chứa hóa chất độc hại một lần nữa khiến dư luận xã hội hoang mang, người tiêu dùng lo ngại về tình trạng sử dụng hóa chất trong thực phẩm một cách tùy tiện.

Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng (Hội Tiêu chuẩn Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) đã công bố kết quả khảo sát nhanh chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của các loại sản phẩm tươi chế biến từ gạo đều chứa chất làm trắng huỳnh quang (Tinopal).

Chất tẩy Tinopal được sử dụng trong công nghiệp dệt vải, cấm sử dụng trong sản xuất thực phẩm, nhưng dân mình coi thân xác như súc vải, cứ đổ Tinopal vào thực phẩm để tẩy. Mỗi ngày ăn một bát phở hay bún có chứa chất này, nếu không đi bệnh viện vì ngộ độc cấp, thì trước sau cũng vào bệnh viện vì ung thư hay một căn bệnh nan y nào đó.

Thịt gà chứa kháng sinh cấm

Gần đây, cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) công bố đã phát hiện 5 mẫu thịt gà lấy trên thị trường có tồn dư kháng sinh cloramphenicol.

Trước đó, Cục Thú y cũng đã lấy 5 mẫu gà ở chợ Hà Vỹ (Hà Nội) để kiểm tra và kết quả cho thấy hầu hết đều phát hiện tồn dư kháng sinh sulfadiazine. Đó là các loại kháng sinh độc hại, từ lâu đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi vì nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Hiện, các chợ ở Hà Nội vẫn bán nhiều loại gà thịt không rõ nguồn gốc, bằng mắt thường rất khó phân biệt được, nên nguy cơ người tiêu dùng ăn phải gà nhiễm kháng sinh cấm rất lớn.

Ông Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, gà nhập lậu thường là gà thải loại, nuôi từ 1-1,5 năm, vì vậy người nuôi thường tiêm vaccin, trộn kháng sinh vào thức ăn để ngừa bệnh cho gà. Sau thời gian dài, tồn dư kháng sinh trong thịt gà thải loại rất cao. Với cloramphenicol vừa phát hiện trong 5 mẫu là kháng sinh độc hại, từ lâu đã bị cấm sử dụng. Khi vào cơ thể, cloramphenicol gây ức chế hệ thống tủy xương, gây suy giảm bạch cầu, tiểu cầu và hồng cầu, gây thiếu máu, kích thích hệ thống tiêu hóa, suy giảm hệ miễn dịch và gây còi xương, chậm lớn ở trẻ.

Dấu hiệu thịt gà kháng sinh đó là gà có nhiều khối u xanh tím, phần mỏ bị cắt cụt không sắc nhọn như gà thường, dạ con và hậu môn to, buồng trứng teo lại (gà đẻ nhiều, bị thải loại). Khi chế biến, nếu thấy thịt có mùi lạ hoặc mùi kháng sinh thì không nên ăn.

Gạo nhiễm hóa chất

Hiện nay, tại các chợ trên địa bàn TP. Hà Nội, gạo có xuất xứ từ Thái Lan được bày bán với rất nhiều chủng loại, được khách hàng tin dùng với số lượng tiêu thụ ngày càng lớn. Trong khi đó, tổ chức “Vì người tiêu dùng Thái Lan” vừa phát hiện 74% số mẫu gạo xét nghiệm chứa methyl bromide, một loại chất hóa học bị phân hủy trong không khí thường được dùng để diệt mối mọt và thuốc diệt nấm.

Hóa chất Methyl bromide (CH3Br) ở thể khí không màu, không mùi vị, dễ tan trong nhiều dung môi hữu cơ. Methyl bromide khi chưa chuyển hóa đã có thể gây mê cơ thể sống, khi vào cơ thể chuyển hóa thành rượu Metylic sẽ gây độc, làm tê liệt hệ thần kinh. CH3Br rất độc, ở nồng độ thấp khó nhận biết, do vậy khi nhận biết thường phải cho thêm 2 - 3% Clopirin làm chất báo hiệu nguy hiểm vì chất này gây kích thích niêm mạc mắt.

Phát hiện khuẩn E.coli trong đồ uống vỉa hè

Tại hội thảo “Khỏe và an toàn để tận hưởng cuộc sống" diễn ra sáng 23/7, Hiệp hội thực phẩm chức năng (TPCN) đã công bố kết quả nghiên cứu phát hiện hầu hết các mẫu đồ uống trên địa bàn Hà Nội đều nhiễm khuẩn E.coli.

Kết quả cho thấy với 1 mẫu nước trà chanh lấy ở phố Nhà Thờ (quận Hoàn Kiếm) có vi khuẩn E.coli (vi khuẩn có thể tìm thấy trong phân thường gây bệnh đường ruột). Các mẫu nước mía, nhân trần, nước ngô (lấy ở phố Đê La Thành), mẫu trà Bát bảo ở phố Cát Linh (quận Ba Đình) đều phát hiện có sự tồn tại của vi khuẩn E.coli. Ngoài ra, các vi khuẩn hiếu khí, men mốc, thủy ngân, chì cũng được phát hiện trong một số mẫu nước này.

Đặc biệt, với 1 mẫu nhân trần khô được lấy tại phố Lãn Ông (quận Hoàn Kiếm), phát hiện có cả men mốc, E.coli, B.cereus (vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm), chì và cadimi.

Theo PGS-TS Hồ Bá Do, Phó Viện trưởng Viện TPCN Việt Nam, 90% số mẫu xét nghiệm có phát hiện nhiễm khuẩn E.coli, 100% mẫu nhiễm B.cereus, 33% vượt hàm lượng vi khuẩn hiếu khí; 45% vượt giới hạn nấm men, nấm mốc và hơn 30% số mẫu phát hiện hàm lượng kim loại nặng (chì, thủy ngân…). PGS Do cho biết men mốc có thể sinh ra độc tố Mycotoxin và Aflatoxin, sử dụng lâu dài dễ sinh ra nhiễm độc cấp tính và mạn tính, làm tăng nguy cơ gây bệnh ung thư.

Như vậy, hàng loạt thực phẩm nhiễm độc cho đến lạm dụng các chất tẩy trắng, chất bảo quản cấm, chất huỳnh quang… có trong bữa ăn hàng ngày của người dân. Vậy, cơ quan nào chịu tránh nhiệm khi thức ăn bẩn được bày bán tràn lan?


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc