Siết chặt quản lý giá thuốc có hàm lượng lạ

10:51, 25/07/2013
|

Chỉ bằng cách thay đổi hàm lượng thuốc so với thuốc thông thường, nhiều công ty dược đã trúng thầu vào các bệnh viện với mức giá cao gấp nhiều lần. Hình thức này có thể xem là chiêu độc quyền về giá bởi hầu như không có loại thuốc tương đương nào để so sánh.

 

Theo kết quả đấu thầu thuốc của 9 tỉnh, thành phố đầu tiên thực hiện đấu thầu thuốc vào bệnh viện theo quy chế mới cho thấy, nhiều loại thuốc đã được doanh nghiệp phù phép bằng cách đưa hàm lượng lạ không giống thông thường để đẩy giá lên cao. Đơn cử như thuốc Cefalexin 350mg của Công ty cổ phần Tập đoàn Merap Việt Nam trúng thầu tại tỉnh Bình Dương có giá 1.400 đồng/viên, trong khi cùng thuốc này, hàm lượng 250mg (hàm lượng thông thường) được sản xuất trong nước chỉ có giá 470 đồng/viên.

 

Như vậy, tính ra giá thuốc Cefalexin 350mg trúng thầu cao gấp hơn 3 lần so với thuốc cùng loại thông thường. Điều bất hợp lý nữa là theo Dược thư quốc gia thì hàm lượng thuốc kháng sinh Cefalexin viên nén, viên nang gồm các loại 250mg, 500mg và 1.000mg. Vì thế, thuốc Cefalexin 350mg là thuốc có hàm lượng lạ, không rõ mục đích của nhà sản xuất khi đưa ra thị trường.

 

Thuốc có hàm lượng lạ vẫn trúng thầu vào danh mục thanh toán bảo hiểm y tế được cho là do Thông tư 01 và Thông tư 11 của liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính về hướng dẫn đấu thầu và lập hồ sơ mời thầu mua thuốc mới lấy tiêu chí giá trúng thầu rẻ nhất để chọn, chưa quy định cụ thể về nguồn gốc, nguyên liệu, công nghệ bào chế, tá dược... Do kẽ hở này một số nhà sản xuất đã đưa ra thuốc có hàm lượng không giống thông thường, nhằm tạo ra sự khác biệt, không thể so sánh giá với những nhà cung cấp khác. Từ đó tạo ra sự độc quyền về giá và thậm chí các cơ sở y tế có thể chỉ định trúng thầu mà không cần qua đấu thầu.

 

Ngoài ra, hàm lượng thuốc được quy định trong Dược thư quốc gia đều đã được kiểm định sẽ phù hợp với đại đa số bệnh nhân ở nước ta. Thuốc có hàm lượng lạ không thể sử dụng đại trà, phải đánh giá xem nhóm đối tượng bệnh nhân nào phù hợp. Do thuốc là yếu tố rất quan trọng, quyết định đến 70% chất lượng điều trị bệnh, nên người dân rất băn khoăn với việc thuốc hàm lượng lạ được cấp phép cung ứng ra thị trường và được thanh toán bảo hiểm y tế.

 

Cũng có ý kiến cho rằng, hiện nay nhiều bác sỹ thường xuyên tăng liều kháng sinh khi kê đơn cho bệnh nhân, nên việc thay đổi hàm lượng sẽ giúp quá trình điều trị có nhiều lựa chọn hơn. Nhưng quy định tại Dược thư quốc gia là những tiêu chuẩn đã được kiểm định, có căn cứ khoa học nên không thể không chấp hành những hàm lượng mẫu này. Hội đồng Thuốc quốc gia cũng như Cục Quản lý dược cần có thông tin rõ để người dân yên tâm sử dụng thuốc có hàm lượng lạ.

 

Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Minh Thảo cho biết, Bảo hiểm Xã hội sẽ phối hợp với Bộ Y tế khảo sát các thuốc có hàm lượng lạ. Thuốc đã trúng thầu sẽ phải điều chỉnh giá sát với thuốc có hàm lượng gần giống. Nếu các công ty không điều chỉnh về hàm lượng thông thường thì Bảo hiểm Xã hội sẽ từ chối thanh toán bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, Bảo hiểm Xã hội sẽ xây dựng đề án thí điểm đấu thầu thuốc quốc gia, tập trung vào khoảng 5-7 hoạt chất phổ biến (100-200 tên thuốc), là các loại thuốc phổ biến, chiếm từ 20-25% tổng chi phí thuốc của bệnh viện.

 

Việc xây dựng Đề án này nhằm kiểm soát giá thuốc chặt chẽ hơn, tăng cường việc bảo đảm lợi ích của người bệnh. Điều này cũng sẽ góp phần thu hút người dân tham gia bảo hiểm y tế mà còn siết chặt chuyển tuyến, giảm tải bệnh viện, cải cách thủ tục khám chữa bệnh...


Nguyễn Anh

Ý kiến bạn đọc