Việt Nam: Cúm A/H7N9 có nguy cơ bùng phát dịch rất cao

06:51, 05/05/2013
|

(VnMedia)  - Chiều 4/5, Bộ Y tế tổ chức cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về công tác phòng chống cúm A/H7N9, H5N1 và H1N1.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.



PGS. TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm A /H7N9 ở trên người cũng như trên gia cầm. Tuy nhiên, dịch bệnh A /H7N9 có nguy cơ xâm nhập, lan truyền và gây bùng phát dịch rất cao ở nước ta nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng bệnh chủ động.

Cúm A /H7N9 là chủng virus mới chưa từng gây bệnh cho người, có nguồn gốc gen từ virus gia cầm. Hiện nay chưa phát hiện các đàn gia cầm ốm, chết do virus A /H7N9 cho nên rất khó khăn trong việc kiểm soát việc nhiễm virus trên các đàn gia cầm, thủy cầm.

PGS. TS Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, đặc tính của virus cúm A dễ biến đổi, tính thích nghi cao của chủng virus A /H7N9 ở động vật có vú, do đó nguy cơ lây từ người sang người là có thể xảy ra.

Hiện tại, cộng đồng chưa có miễn dịch, chưa có vắc-xin phòng bệnh, không có thuốc đặc trị nên khi môi trường bị nhiễm virus A /H7N9 thì dễ lây sang người và bùng phát thành dịch trong cộng đồng và khó khăn trong việc điều trị.

Theo ông Long, hiện nay hệ thống y tế của Việt Nam đã sẵn sàng, chủ động và đủ khả năng để phân lập gen virus trong thời gian sớm nhằm xác định loại virus cúm mà người bệnh mắc phải (trước đây phải mất từ 1-2 ngày mới phân lập xong).

Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã ban hành các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về giám sát và phòng chống, kỹ thuật lấy mẫu, bảo quản, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị cúm A /H7N9; tập huấn cho 63/63 cơ sở y tế tuyến tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế. Hiện, Bộ Y tế đã có đủ năng lực xét nghiệm chẩn đoán xác định virus cúmA /H7N9.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã phối hợp, tăng cường giám sát tại các cửa khẩu; tổ chức điều tra dịch tễ một trường hợp người Trung Quốc nhập cảnh ngày 24/4, có triệu chứng sốt cao, viêm họng và tử vong ngày 26/4 tại tỉnh Hà Tĩnh, kết quả xét nghiệm âm tính với cúm. Tăng cường giám sát hệ thống cúm trọng điểm quốc gia, giám sát các bệnh nhân cúm, bệnh nhân mắc viêm đường hô hấp cấp tính, các trường hợp viêm phổi nặng nghi do virus.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên giết mổ, chế biến, tiếp xúc với gia cầm bị bệnh. Đồng thời chú ý giữ gìn, vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng để ngăn ngừa lây truyền tại cộng đồng.

Không nên quá lo lắng về cúm mùa

Trong 3 tháng qua, cả nước có trên 300.000 người nhiễm bệnh cúm nói chung, trong đó có 3 trường hợp tử vong do cúm A/H1N1 tại Yên Bái và Thanh Hóa; 2 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1, trong đó 1 trường hợp tử vong tại Đồng Tháp.

Ông Nguyễn Thanh Long cho biết, với cúm A/H1N1 tuy có sự tăng cao về số lượng bệnh nhân song chưa có dấu hiệu bất thường, các diễn biến cho thấy không có đỉnh dịch.

Hiện nay, cúm A/H1N1 được coi là cúm mùa, lưu hành bình thường trong “đại gia đình cúm” ở Việt Nam, do đó người dân không nên quá lo ngại, tuy nhiên cũng không nên chủ quan bởi bất cứ virus cúm gây bệnh nào cũng có nguy cơ gây tử vong.

Theo khuyến cáo, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, chưa cần thiết đeo khẩu trang ở mọi nơi, nhưng hạn chế tiếp xúc với người ốm, nếu tiếp xúc gần nên đeo khẩu trang.

Tại nước ta, việc sản xuất vắc-xin phòng cúm A/H5N1 cho người sắp hoàn thành và dự kiến đưa vào tiêm cuối năm nay.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc