Siết tình trạng chuyển tuyến trong khám chữa bệnh

09:26, 01/01/2013
|

(VnMedia) - Bộ Y tế vừa công bố Dự thảo Hướng dẫn về Chuyển tuyến trong khám, chữa bệnh do Cục Quản lý Khám chữa bệnh đưa ra nhằm siết tình trạng chuyển tuyến dễ dãi. 

Theo đó, chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên, khi có ít nhất một trong các điều kiện sau: Bệnh vượt quá khả năng điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; bệnh không phù hợp với phân tuyến chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế; cơ sở không có chuyên khoa điều trị bệnh mà người bệnh đến khám; người bệnh khi được khám và điều trị nhưng không có chuyển biến hoặc chưa chẩn đoán xác định thì chuyển tuyến…

Theo Bộ Y tế, chuyển tuyến dễ dãi và bệnh nhân thiếu tin cậy bệnh viện tuyến dưới, tập trung dồn lên tuyến T.Ư và tuyến tỉnh là căn nguyên quan trọng dẫn đến quá tải bệnh viện ở VN. Quy định này ra đời nhằm siết tình trạng chuyển tuyến dễ dãi. Nhưng khi chuyển bệnh nhân bệnh nặng lên tuyến trên, cơ sở y tế tuyến dưới phải liên lạc với cơ sở tuyến trên để sẵn sàng cấp cứu, đồng thời đề xuất hỗ trợ về phương tiện, nhân viên y tế... trong quá trình chuyển tuyến.

Theo Dự thảo mới của Bộ Y tế thì phần nào đã giải tỏa nỗi lo cho người bệnh, nhưng lại gây băn khoăn cho lãnh đạo một số bệnh viện.

Một lãnh đạo Bệnh viện tuyến tỉnh cho biết, cho biết: Đối với bệnh viện, việc chuyển viện cho bệnh nhân được tiến hành đúng theo quy trình, quy định. Với những trường hợp bắt buộc phải chuyển bệnh viện sẽ đồng ý, với những trường hợp bệnh nhân muốn chuyển mà chưa phù hợp với quy định, bệnh viện sẽ giải thích rõ nguyên nhân.

Còn trường hợp nếu bệnh nhân cố tình chuyển viện thì với lý do như quy định "người bệnh khi được khám và điều trị nhưng không có chuyển biến" được phép chuyển đi" vì quy định này không có sự rõ ràng. Nếu cứ theo quy định này, có thể  bệnh nhân chỉ sau một, hai ngày điều trị thấy chưa chuyển biến, nhất loạt xin chuyển viện...

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý KCB cho rằng, thực tế có tới 60% bệnh nhân ở tuyến Trung ương có thể điều trị ở tuyến dưới. Việc chuyển viện lên tuyến trên phải căn cứ theo Quy chế bệnh viện về chuyển tuyến, đó là người bệnh chuyển lên tuyến trên phải là những trường hợp nặng, vượt quá khả năng chuyên môn của bệnh viện tuyến dưới… Người bệnh phải được tóm tắt hồ sơ bệnh án và được báo lên tuyến trên để chuẩn bị. Theo Dự thảo Hướng dẫn về Chuyển tuyến trong khám, chữa bệnh,  cơ sở y tế nào để xảy ra trường hợp người bệnh cấp cứu hoặc chấn thương ngoại do không được cứu chữa kịp thời gây hậu quả trầm trọng cho bệnh nhân hoặc dẫn đến tử vong, thì lãnh đạo cơ sở y tế đó và các cán bộ y tế trực tiếp KCB phải bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Với mong muốn áp dụng quy chế chuyển tuyến ngặt nghèo là một trong những giải pháp được Bộ Y tế kỳ vọng hạn chế tình trạng quá tải tuyến trên. Tuy nhiên, chính sách này cần được thực hiện sao cho không ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh, nhất là BN nghèo.

Minh Hải

Ý kiến bạn đọc