50% người bị tiểu đường mà không biết

10:25, 08/11/2012
|

(VnMedia) - Số người mắc tiểu đường tại Việt Nam hiện có thể lên đến gần 5 triệu, thế nhưng, 50% số người này không hề biết mình có bệnh và chỉ đến viện khi đã có biến chứng nguy hiểm.

Bệnh đái tháo đường hiện không còn là bệnh phổ biến trong giới "nhà giàu" mà đang trở thành mối lo chung. Số người mắc bệnh này có xu hướng tăng cao, trong những năm gần đây. 

Theo báo cáo Liên đoàn đái tháo đường thế giới (International Diabetes Federation, gọi tắt IDF), năm 2011, Việt Nam có 1,7 triệu người bị đái tháo đường, với khoảng 3,2% bệnh nhân là người trưởng thành trong độ tuổi từ 20 đến 79. Dự đoán đến năm 2030, số người bệnh sẽ tăng lên 3,1 triệu người (tương đương 3,5% tổng số người trưởng thành).

Trong số này có nhiều trường hợp bệnh đang diễn tiến âm thầm, chỉ biểu hiện khi đã có biến chứng. Thực tế, cứ 10 bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh thì có 6 người đã có biến chứng. Ngay cả các bệnh nhân đã được chẩn đoán cũng chưa được điều trị đúng mức.

Để thông tin đến được sâu trong lòng dân, hướng đến ngày Đái tháo đường thế giới (14/11), Bộ Y tế đã phối hợp cùng các hiệp hội và bệnh viện lớn trong thành phố, với sự hỗ trợ của Novo Nordisk tổ chức "Làng thay đổi bệnh đái tháo đường". Chương trình tại Hà Nội diễn ra ở công viên Thống Nhất, từ ngày 6-14/11 và tại TP.HCM là sân vận động Nguyễn Du, từ ngày 11-14/11.

Trong Làng có các khu vực để giáo dục về đái tháo đường, kiểm tra nguy cơ mắc bệnh, đo nồng độ đường huyết trong máu, tư vấn y tế cho bệnh nhân, hướng dẫn chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp.

Cùng thời điểm này, chương trình cũng cho ra mắt xe lưu động "Thay đổi bệnh đái tháo đường" từ thành phố đi đến các khu ngoại thành và quận huyện vùng sâu vùng xa. Điều này nhằm đem kiến thức, tăng điều kiện kiểm tra đường huyết miễn phí đến khắp mọi miền đất nước.

Các bác sĩ khuyến cáo hậu quả của bệnh tiểu đường rất nặng nề, là thủ phạm của nhiều bệnh hiểm nghèo như tim mạch, tai biến mạch máu não, suy thận, hoại tử chi... Vì thế, nếu đang ở giai đoạn cửa sổ hay tiền đái tháo đường thì người bệnh cần có kế hoạch kiểm soát tốt để không tiến triển thành bệnh.

Tiền đái tháo đường là tình trạng đường huyết cao hơn mức bình thường nhưng chưa đủ để chẩn đoán bệnh (đường huyết lúc đói 5,6-7mmol/l). Nếu không can thiệp 33% bệnh nhân tiền đái tháo đường có thể tiến triển thành bệnh.

Người có các biểu hiện như: thường xuyên khát, uống nước liên tục, đi tiểu thường xuyên, nhanh đói dù ăn nhiều, sụt cân, người mệt mỏi, thị lực giảm, đau bụng… thì cần nghĩ đến bệnh tiểu đường, nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Đái tháo đường khó có thể chữa khỏi, song người bệnh nên được chuẩn đoán sớm và điều trị đúng để giúp mình sống khỏe, sống vui.


Thuỳ Minh

Ý kiến bạn đọc