Việt Nam: Một phần ba trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi

07:31, 17/10/2012
|

(VnMedia) - Theo Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2010, một phần ba trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi.

Theo đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em nước ta là 17,5% (chỉ tiêu cân nặng/tuổi), trong đó suy dinh dưỡng vừa (độ I) là 15,4%, suy dinh dưỡng nặng (độ II) là 1,8% và suy dinh dưỡng rất nặng (độ III) là 0,3%. 20/63 tỉnh, thành phố có mức suy dinh dưỡng trẻ em trên 20% (xếp ở mức cao theo phân loại của WHO). Ước tính đến năm 2010, nước ta còn gần 1,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng nhẹ cân, khoảng 2,1 triệu trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi và khoảng 520 ngàn trẻ em suy dinh dưỡng gầy còm.

Báo cáo cho thấy, một phần ba trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng theo chỉ tiêu chiều cao/tuổi (suy dinh dưỡng thể thấp còi) năm 2010 toàn quốc là 29,3%, trong đó xét theo phân loại của WHO có đến 31 tỉnh có tỷ lệ trên 30% (mức cao), 2 tỉnh trên 40% (mức rất cao). Mức giảm trung bình tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trong 15 năm qua (1995-2010) là 1,3%/năm. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể gầy còm (cân nặng/chiều cao) là 7,1%. Đến năm 2010 vẫn còn 28 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi cao hơn mức trung bình của cả nước, trong đó 12 tỉnh có tỷ lệ trên 35%.

Việt Nam vẫn nằm trong số 36 quốc gia trên phạm vi toàn cầu có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi cao. Phân bố suy dinh dưỡng không đồng đều ở các vùng sinh thái khác nhau. Mức suy dinh dưỡng thấp còi ở các vùng miền khó khăn có thể cao gấp đôi so với vùng đồng bằng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở Tây Nguyên, vùng núi và vùng cao nguyên phía Bắc, vùng bắc miền Trung và ven biển miền Trung vẫn ở cấp độ cao (trên 30%).

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), Việt Nam là một trong số ít quốc gia đạt mức giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng gần với mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu đạt được về cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của nhân dân, suy dinh dưỡng vẫn còn là thách thức lớn ở Việt Nam, đặc biệt là ở các vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai. Đáng quan tâm là tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi vẫn còn cao, dẫn đến các hậu quả về khả năng nhận thức của trẻ em, cũng như tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hợp, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, giảm suy dinh dưỡng thấp còi khó hơn rất nhiều so với giảm suy dinh dưỡng thể nhẹ cân. Để giảm suy dinh dưỡng thấp còi và nâng cao tầm vóc của trẻ em Việt Nam đòi hỏi đầu tư, can thiệp đặc hiệu hơn.

Những biện pháp can thiệp dinh dưỡng giai đoạn tới khác với giai đoạn trước là: Tập trung vào can thiệp dinh dưỡng giai đoạn sớm, dinh dưỡng cho những em từ độ tuổi học sinh để giúp các em có tình trạng dinh dưỡng tốt, không bị thiếu vi chất dinh dưỡng khi bước vào hôn nhân và làm mẹ. Đây là biện pháp hiệu quả để thai nhi phát triển tốt, chống suy dinh dưỡng. Đặc biệt, việc can thiệp dinh dưỡng sớm tác động nhiều đến suy dinh dưỡng thể thấp còi.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc