"Choáng" với những con số về an toàn vệ sinh thực phẩm

14:08, 17/10/2012
|

(VnMedia) - Theo thống kê, hàng năm Việt Nam có hàng trăm ca ngộ độc thực phẩm, làm khoảng 5.000 người mắc, hàng chục người chết. Nhưng theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục phó Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), đấy chỉ là 1/10 số vụ ngộ độc mà người dân mắc phải.

Tại buổi Tọa đàm về ATVSTP tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ diễn ra ngày 16/10, khi được hỏi về cảm nghĩ của mình trước những con số thống kê thực tế như trên, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục phó ATVSTP cho biết, nếu chúng ta nhìn vào số thống kê thì số liệu của chúng ta là rất ít.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Phong, một chuyên gia quốc tế đã từng đặt câu hỏi: Hoa Kỳ gần 300 triệu dân, với điều kiện kinh tế cao, mà một năm có 75, 76 triệu ca tiêu chảy liên quan đến thực phẩm, Việt Nam có gần 90 triệu dân, cũng còn nhiều bất cập xuất phát từ điều kiện kinh tế - xã hội, mà con số thống kê về ngộ độc thực phẩm lại rất ít.  

Số liệu ta ghi nhận được không đầy đủ so với thực tế, do không có hệ thống giám sát ngộ độc thực phẩm, nên con số ước lượng của cơ quan chức năng lớn hơn rất nhiều. Ngay cả các nước có hệ thống giám sát đầy đủ thì các trường hợp ghi nhận cũng chỉ bằng 10% so với thực tế.
 
Ông Phong nhấn mạnh thêm rằng: Vấn đề ngộ độc mạn tính, thực tế cũng có nhưng nếu nói mức độ tất cả đều bị ngộ độc mạn tính là không chính xác. Như Viện Dinh dưỡng đã nói, thể trạng người Việt, tuổi thọ người Việt đã được cải thiện rất đáng kể trong thời gian qua, có nhiều yếu tố khác nhau, nhưng rất quan trọng là yếu tố về thực phẩm, nếu thực phẩm đều không an toàn thì tuổi thọ làm sao tăng được?

Tại buổi tọa đàm trên, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản, Bộ NN&PTNT cho biết, theo kết quả giám sát 3 năm liên tục (2009, 2010 và 2011) ở khoảng 500-900 mẫu rau quả, 400-800 mẫu thịt, 500-700 mẫu thủy hải sản cho thấy, tỷ lệ rau quả nhiễm thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép là 6,44% năm 2009, 6,17% năm 2010, 4,43% năm 2011. Tỷ lệ thịt gia súc gia cầm nhiễm vi sinh vượt quá giới hạn cho phép là 29,4% năm 2009, 27,67% năm 2010, 30% năm 2011. Hay như tỷ lệ thủy hải sản tồn dư hóa chất là 1% năm 2009, 3,8% năm 2010 và 0,8% năm 2011, tỷ lệ ô nhiễm sinh học với thủy hải sản là 4,5% năm 2009, 2,8% năm 2010 và 6,7% năm 2011.

Tuy nhiên, không phải thực phẩm nào cũng có nguy cơ gây hại, ví dụ tệ nhất là tỷ lệ thịt gia súc gia cầm nhiễm vi sinh từ 27 đến 30%, nhưng nếu ăn chín uống sôi là xử lý được. Tỷ lệ tồn dư hóa chất có xu hướng giảm, nhưng tỷ lệ ô nhiễm vi sinh lại không giảm. Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang cùng các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp giảm thiểu tỷ lệ nhiễm vi sinh trong thịt gia súc gia cầm và thủy hải sản.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục phó Cục ATVSTP và ông Nguyễn Phú Cường, Vụ phó Vụ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công thương cũng đồng quan điểm. Ông Phong bổ sung thêm bằng việc đưa ra nhận định: so với các nước trong khu vực thì tỷ lệ ô nhiễm đó không phải đáng lo ngại và nó chỉ có nguy cơ với những người không ăn chín uống sôi như tiết canh, ăn gỏi.


Thuỳ Hoa

Ý kiến bạn đọc