Sai lầm lớn nhất trong quan hệ vợ chồng

09:59, 29/09/2015
|

(VnMedia) - Tiến sỹ Menis Yousry - chuyên gia trị liệu tâm lý nổi tiếng thế giới đã chỉ ra một sai lầm lớn mà các cặp vợ chồng thường mắc phải, đồng thời nêu lên 2 từ đặc biệt quan trọng để “giữ lửa” hôn nhân.

- Thưa Tiến sĩ, nhiều người hay nói: hôn nhân là nấm mồ chôn tình yêu, hoặc là dấu chấm hết cho tình yêu, bởi theo nhiều nghiên cứu khoa học thì tình yêu giống như một phản ứng sinh hóa rất phức tạp của bộ não, chỉ thăng hoa lên được trong một thời gian?

Chúng ta phải nhớ là luôn có một ngọn lửa trong tình yêu lúc ban đầu, nhưng ngọn lửa đó không phải là một mối quan hệ mà nó chỉ là một sự tưởng tượng thôi. Bạn cần phải phân biệt rõ điều này.

Chúng ta thường tin rằng, một mối quan hệ bao gồm rất nhiều tình yêu, sự lãng mạn, ví dụ như việc hai người gặp nhau trên biển, trúng tiếng sét ái tình và yêu nhau đến cuối đời... Nhưng những ai vẫn giữ ý nghĩ đó trong đầu hẳn sẽ rất thất vọng khi họ bước vào một mối quan hệ, nhất là quan  hệ vợ chồng.

Một mối quan hệ thực sự là sự kết nối với cá nhân khác. Sự kết nối đó đồng nghĩa với sự an toàn. Nếu mọi người nghĩ như vậy, tôi cho đó mới là ngọn lửa đích thực của tình yêu, chứ không phải là sự hào nhoáng ta thấy trong tiểu thuyết hay phim ảnh.

Ảnh minh họa

Chúng ta thường tin rằng, một mối quan hệ bao gồm rất nhiều tình yêu, sự lãng mạn, nhưng đó không phải là tình yêu đích thực


Tôi muốn đưa ra một ý tưởng để các cặp vợ chồng giữ vững mối quan hệ. Tôi muốn nói đến 2 từ, từ đầu tiên là sẵn sàng và từ thứ hai là tổn thương.

Sẽ có những lúc trong quan  hệ vợ chồng, một người cảm thấy bị tổn thương, và nếu một người bị tổn thương thì người kia phải sẵn sàng giúp đỡ và ngược lại. Để sẵn sàng khi người bạn đời của mình thấy bị tổn thương thì cần rất nhiều kỹ năng, cần phải lĩnh hội chứ không phải bị kích động bởi sự tổn thương đó, để rồi chính mình bị tổn thương.

Nói thì không khó, nhưng để làm được thì các cặp vợ chồng cần phải thực hiện nhiều thứ cho đến khi cả hai đều kiểm soát được, làm sao để cả hai đều cảm thấy an toàn. Bạn sẽ nghĩ rằng cho đi mới khó, nhận lại thì dễ. Thực tế không phải như vậy, điều thứ hai mới thực sự khó, vì tất cả mọi người đều muốn cho đi, nhưng không muốn mình trở nên yếu đi khi nhận được sự hỗ trợ từ người khác

Nhiều người khi lập gia đình thường hay có sự kỳ vọng vào người kia. Vậy theo   Tiến sĩ, trong mối quan hệ vợ chồng, sự kỳ vọng chiếm vai  trò như thế nào ?

Tôi nghĩ từ kỳ vọng mang rất nhiều sự ẩn chứa trong đó. Câu hỏi mọi người thường tự hỏi mình là: mình trông chờ gì vào vợ/chồng mình? Thử tưởng tượng bạn sống với người theo dõi từng cử chỉ, bước đi của bạn, mong bạn làm những thứ mà họ trông chờ từ bạn, họ sẽ khiến cho bạn cảm thấy ức chế.

Bạn phải giao tiếp với người ấy của mình, phải nói với nửa kia của mình điều quan trọng nhất đối với người ấy là gì.

Tôi muốn nói đến một điều có liên quan với sự kỳ vọng, đó là mỗi người trên trái đất đều có sự ưu tiên và giá trị. Không bao giờ có 2 người trên thế giới có chung một giá trị với nhau. Có những thứ tôi thấy quan trọng nhưng người ấy của tôi lại thấy không quan trọng. Chúng ta phải tăng cường giao tiếp với nhau để hài hòa những giá trị và hỗ trợ cho nhau.

Ví dụ, giáo dục là quan trọng đối với tôi nhưng mua sắm lại quan trọng với vợ tôi. Nếu vợ tôi biết giáo dục là quan trọng đối với tôi, cô ấy sẽ hỗ trợ tôi. Tôi biết điều gì quan trọng với cô ấy, tôi sẽ hỗ trợ cô ấy.   Chúng ta có thể sống hạnh phúc với nhau mà không cần chỉ cho nhau phải sống thế nào, bởi đó là sai lầm lớn nhất.

Chúng ta phải có sự can đảm để nói với người ấy về nhu cầu của chúng ta, nhưng chúng ta không được buộc mình lo lắng về việc mình có thỏa mãn họ hay không. Bạn sẽ nói với người ấy điều mà bạn mong muốn nhưng không có bất cứ sự kỳ vọng nào .  Như vậy, người ấy sẽ không cảm thấy là bạn trông chờ họ, họ sẽ cảm thấy đủ bình tĩnh, thoải mái và không bị áp lực. Đó cũng là sự kỳ vọng nhưng được nhìn nhận theo hướng khác.

Ảnh minh họa

Sự biết ơn còn quan trọng hơn cả tình yêu


Có thể hiểu là chúng ta phải chấp nhận người bạn đời như là họ vốn có. Nhưng cũng có những câu chuyện như thế này: Tôi là người rất gọn gàng, nhưng chồng tôi rất bừa bãi và anh ấy vứt mọi thứ lung tung. Vậy làm thế nào để tôi có thể chia sẻ với anh ấy điều đó mà không làm anh ấy giận và không nghĩ là mình đang bị kiểm soát?

Rất đơn giản thôi, bạn hãy nói với chồng mình rằng, để cho gia đình êm ấm và hạnh phúc, bạn muốn mọi thứ cần trật tự gọn gàng. Nó rất quan trọng với bạn và với cả gia đình bạn. Nếu anh ấy nghe được điều đó, thì anh ấy sẽ hiểu rằng, điều đó là quan trọng với bạn.

Nếu bạn bảo anh ấy rằng, anh mà không trật tự, gọn gàng thì em sẽ rời bỏ anh, em sẽ giận anh hoặc anh sẽ phải làm điều gì đó... thì chồng bạn sẽ không bao giờ làm theo. Anh ấy cần tự biết phải làm gì cho bạn và anh ấy sẽ tôn trọng bạn vì điều đó. Còn nếu bạn nói chuyện với chồng theo cách tỏ ra muốn kiểm soát anh ấy, tức giận với anh ấy thì điều đó chỉ có tác dụng ngược lại mà thôi.

Đúng là nói thì dễ mà làm thì khó. Đa phần những người phụ nữ Việt Nam trước đây hay lựa chọn cách là “mưa dầm thấm lâu”. Tiến sĩ có nghĩ rằng đó là một lựa chọn tốt hay không?

Điều đó không có hiệu quả đâu. Muốn có hiệu quả thì phải phát triển khả năng để nói được những điều mà chúng ta muốn với đầy tình yêu và lòng trắc ẩn. Mọi mối quan hệ phải được bình đẳng, những người cho nhiều hay làm nhiều thì khó mà kiểm soát được mối quan hệ vợ chồng, bởi vì người cho nhiều thì không đón nhận, và đến một ngày, họ sẽ mệt mỏi và sẽ không thể tiếp tục được nữa. Đến lúc đó thì quá trễ để nhận ra sự bất bình đẳng trong quan hệ.

- Tiến sĩ có thể đưa ra một lời khuyên rằng làm thế nào và đâu là bí quyết để giữ ngọn lửa trong hôn nhân?

Rất đơn giản, có hai điều tôi muốn nói với các bạn: hạnh phúc là chìa khóa của mọi thứ. Hạnh phúc mang lại sự an toàn, tình yêu cho mối quan hệ. Nếu bạn đang ở cơ quan, thì khi về nhà, bạn hãy mỉm cười. Đó là điều duy nhất bạn cần làm. Và ngày hôm sau, bạn thử về nhà trong đau khổ, ngay lập tức sẽ thấy sự khác biệt.

Hạnh phúc không cần có kỳ vọng, và một điều nữa, đó là sự biết ơn. Sự biết ơn còn quan trọng hơn cả tình yêu . Khi bạn về nhà tối nay, bạn hãy nhìn vào mắt người bạn đời và nói rằng, em rất biết ơn vì anh có mặt trong cuộc đời em. Đừng nói anh yêu em hay em yêu anh, nó chả có ý nghĩa gì cả.

Nếu bạn ở với một ai đó, người đó cảm thấy bạn biết ơn khi được sống với người đó, người đó sẽ cảm thấy họ quan trọng. Nếu vợ tôi không cảm thấy biết ơn tôi, tôi sẽ cảm thấy mình vô dụng, tôi sẽ tìm đến người nào khác mà cảm thấy biết ơn tôi. Và tôi muốn nói một điều cuối, năng lượng của sự biết ơn lớn hơn năng lượng tình yêu rất nhiều.

- Xin cảm ơn Tiến sĩ về cuộc trao đổi thú vị này.


Xuân Hưng - (ghi)

Ý kiến bạn đọc