Nhìn không gây lây đau mắt

21:14, 13/09/2014
|

(VnMedia) - Rất nhiều người thường nghĩ, nếu nhìn vào mắt của những người bị đau thì sẽ bị lây bệnh. Điều này có đúng không?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Theo Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương, nhìn không gây lây đau mắt mà chỉ có 3 hình thức lây bệnh là: hơi thở và nước bọt, lây trực tiếp tay - mắt, quan hệ vợ chồng. 

Đau mắt đỏ do virus thuộc nhóm Adenos gây bệnh. Virus còn được chia thành mấy chục loại dựa theo type huyết thanh. Phổ biến ở Nhật Bản  là chủng huyết thanh HAdV 8 và 54. Các nước châu Á khác tuy đều có bệnh đau mắt đỏ nhưng không có nghiên cứu và công bố nào. Một số bệnh nhân có kèm theo xuất huyết kết mạc thì nguyên nhân lại do Coxakie virus( CV24).

Cũng theo Bác sĩ Hoàng Cương, vấn đề là không ai nhìn thấy virus trừ khi soi lên kính hiển vi điện tử. Virus có thể sống trên các mặt phẳng, ngoài môi trường tới 2 ngày, có thể kháng cồn, kháng Éther mạnh. Do vậy khả năng lây bệnh khá dễ dàng, nhiều khi không kết nối được quan hệ nhân - quả kiểu trực tiếp.

Ngoài ra, hiện này đang xuất hiện dịch đau mắt đỏ nên nhiều người bệnh thường dùng lá thuốc để xong mắt, tuy nhiên việc làm này có thực sự khỏi được bệnh hay không? 

Bác sĩ Hoàng Cương  cho biết,  hiện tượng đỏ mắt, ra gỉ, mờ mắt đó là 3 dấu hiệu chủ yếu của đau mắt đỏ. Bệnh thường xảy ra ở một mắt và nhanh chóng lan ra mắt còn lại, bệnh lành tính và khỏi bệnh sau 7 đến 10 ngày.

Việc dùng lá thuốc có tinh dầu như trầu không chỉ làm tăng nặng triệu chứng, nặng hơn có thể gây bỏng mắt. Một số người có kinh nghiệm xông lá dâu, hoa cúc, lá tre ở khoảng cách an toàn, khi bệnh đã ở giai đoạn lui giảm có thể làm mắt dễ chịu, đỡ vướng cộm.

Theo Bác sĩ Hoàng Cương, khi bị đau mắt đỏ nên dùng nước muối sinh lý hoặc nước mắt nhân tạo có độ nhớt thấp để điều trị và phòng chống đau mắt đỏ. Kháng sinh và kháng sinh có trộn corticosteroid làm giảm ra gỉ, đem lại cảm giác dễ chịu cho bệnh nhân, rút ngắn thời gian điều trị. Một nghiên cứu trên tạp chí nhãn khoa của Anh( BJO) chứng minh dùng Dexamethasone nhỏ mắt trong 5-7 ngày làm giảm đáng kể thời gian điều trị.

Các loại thuốc nhỏ mắt cần dùng cho tới khi mắt trở lại bình thường, thường phải dùng thuốc khoảng 7 - 10 ngày. Việc dùng thuốc kéo dài làm tăng nguy cơ nhờn thuốc của vi khuẩn, lãng phí tiền bạc, gây nhiễm độc thuốc trên mắt hoặc khô mắt.

Trong trường hợp có biến chứng, cần đến bác sĩ chuyên khoa mắt để được khám, kê các thuốc đặc hiệu như: chống viêm, dinh dưỡng giác mạc, thuốc kháng virus…

Trẻ khi phát hiện đau mắt đỏ cần được nghỉ học 5-7 ngày. Để phòng bệnh trong mùa dịch, trẻ phải được rửa tay thường xuyên bằng nước rửa tay chuyên dụng, tra nước muối rửa mắt, sát trùng vật dụng chung hay sử dụng: các tay nắm cửa, nút bấm thang máy...

Trong gia đình có người bệnh thì cần cách ly tối đa người bệnh với người xung quanh như: đeo khẩu trang cho họ hoặc tránh nói chuyện với bệnh nhân ở cự ly <1 m, không dùng chung đồ vật với bệnh nhân, tránh bắt tay ôm hôn. Việc lây nhiễm mẹ - trẻ đang bú là gần như không thể tránh khỏi mặc dù virus không qua sữa mẹ.


Thuỳ Minh

Ý kiến bạn đọc