Phía sau "chiếc mặt nạ" của người đồng tính

06:52, 07/03/2013
|

(VnMedia) - Hiện nay, dịch vụ cho thuê người yêu vì mục đích đóng kịch với gia đình không chỉ dành cho những người bận rộn mà còn là tấm bình phong của người đồng tính. Một nhu cầu lớn cho những người đồng tính gay, les che giấu thân phận và để tránh điều tiếng dị nghị. Và đằng sau đó là những nỗi đau thầm kín.

Thái Hùng, 35 tuổi, giám đốc một công ty TNHH ở quận 3, nhìn bề ngoài là một anh chàng khỏe mạnh, đẹp trai, lịch lãm và thành đạt. Thế nhưng dù cha mẹ hối thúc, nhiều lần mối mai, đám nào anh cũng có lý do để chối từ. Đó là khi anh chưa bước qua tuổi “băm”, anh viện lý do sự nghiệp, còn trẻ ham chơi… Nhưng ở tuổi 35 chưa chịu lấy vợ thì mọi người bắt đầu quan tâm. Không phải Hùng kén chọn gì, chỉ vì Hùng là người đồng tính, anh không có một chút cảm xúc nào với người khác phái. Bố mẹ gắt gao giục giã nhưng anh vẫn làm ngơ. Bạn bè có người nói đùa: “Hay mày là dân đồng tính nên mới thế?”.

Nhìn vẻ ngoài, ai cũng nghĩ Hùng là một chàng trai chính hiệu. Nên cuối cùng Hùng quyết định đi tìm người yêu để chứng tỏ mình vẫn bình thường. Với một chàng trai chững chạc và có điều kiện như Hùng thì lựa chọn cho mình một cô gái trẻ không khó. Với cái giá 300 đô la Mỹ mỗi tháng, Thủy sẽ vào vai người tình của Hùng.

Hợp đồng ghi rõ bên A, bên B như hợp đồng thuê nhà vậy. Hai bên cam kết bên ngoài là người yêu nhưng sẽ không đụng chạm, không xâm hại nhau. Cuộc sống của Hùng sau đó lại là một chuỗi dài những giả tạo khổ sở. Hùng biết bản thân mình nên không dám cưới vợ, sợ làm khổ một người con gái. Nhưng đã có người yêu thì phải tròn vai diễn, nhất là trước mặt bạn bè.

Phần nhiều những người bạn đồng trang lứa của anh cũng đều có vợ con nên đóng kịch mà không khéo bị nghi còn khổ hơn. Dù không muốn nhưng Hùng vẫn phải để Thủy ôm eo mình, thi thoảng hai người vẫn phải hôn nhau như những đôi trai gái khác. Nói tóm lại là những lần xuất hiện trước mặt bạn bè, Hùng đều đưa Thủy theo và đến đâu Hùng cũng giới thiệu là người yêu.

Trường hợp khác, Mai được trả 5 triệu đồng mỗi tháng chỉ để đóng vai người yêu của một anh chàng kiến trúc sư tên Thắng, con một lại là cháu đích tôn. Được ngồi trên xe hơi mát lạnh, bước chân đến những nhà hàng sang trọng, được diện những bộ đồ hàng hiệu mà Mai có nằm mơ cũng không thấy được. Thắng đưa Mai tham dự tất cả các buổi giao lưu, đám cưới, sinh nhật của bạn bè với tư cách là người yêu.

Nhiều cô bạn gái ghen tị với Mai. Đến nhà Thắng, Mai được người nhà hoan nghênh chào đón. Mai là cô gái có học, tế nhị nên được người nhà Thắng rất quý mến và hứa hẹn tương lai tươi sáng. Nhưng Mai là người biết rõ nhất sẽ không bao giờ điều đó diễn ra vì Thắng là người đồng tính.

Mặc dù gia đình Thắng luôn hối thúc chuyện cưới xin của hai người nhưng Mai vẫn luôn tìm cách khéo léo kéo dài thời gian. Mỗi lần như vậy Mai đều được thưởng như một nhân viên mẫn cán. Đóng vai người yêu của Thắng gần hai năm, Mai yên tâm vì dù hai người có những cử chỉ thân mật, âu yếm thì cũng chỉ là đóng kịch. Thắng còn đưa Mai đi gặp nhóm bạn của mình, gặp “anh chàng” người yêu của Thắng. Khi đó Thắng mới thật là yêu, mới là con người thật của anh.

Đề cập đến vấn đề này cũng phải nhắc đến một đám cưới gần đây được tổ chức hoành tráng ở một khách sạn sang trọng nhất thành phố của “cặp đôi” Tùng và Nguyệt. Cha mẹ hai bên vui mừng đón khách, bạn bè cùng nhau chúc tụng đám cưới của Tùng và Nguyệt nhưng họ không thể nào biết được Tùng là gay và Nguyệt là les. Hai người đã làm một đám cưới trả nợ miệng cho bạn bè và đóng kịch cho cha mẹ hai bên vui lòng hãnh diện.

Ảnh minh họa

Đằng sau lớp “mặ nạ” là những nỗi buồn thầm kín khó chia sẻ của người thuộc TGT3.

Hợp đồng nào thì cũng phải đến lúc đáo hạn. Đơn giản thôi, những anh chàng gay sẽ tìm cho mình một “hợp đồng khác”. “Sau một thời gian cặp với anh Thắng, được anh ấy chăm sóc, lo lắng, quan tâm… giá mà anh ấy là một người đàn ông thì tôi là người hạnh phúc nhất trên đời” - Mai cho biết. Sau khi hết hợp đồng với Thắng, nhìn đâu cô cũng thấy nghi ngờ không biết anh chàng đó là trai hay gay. Bởi Mai được Thắng cho kết bạn cùng với nhóm bạn của anh: “Những người đàn ông thành đạt, nam tính, vui vẻ, lịch sự và hiểu biết. Tôi không hiểu vì sao họ lại như thế”.

Những mối tình không đoạn kết khi mà cả hai lấy tình cảm của mình ra thử thách, mưu cầu danh lợi… Nhiều cô gái như Mai sau khi quen với gay họ mất dần niềm tin nơi những người đàn ông thật sự. Những quan tâm, chăm sóc của mối tình kịch đã cho họ thấy đàn ông ít nhiều chưa chu toàn bằng những người đàn ông bị đồng tính. Cái đau ở những người đồng tính là họ không dám công khai, bộc lộ. Giấu giếm, đau khổ, bế tắc… là tâm trạng chung của những người đồng tính dù là nam hay nữ.

Đồng tính luyến ái không phải là bệnh, và đã được các nhà khoa học chứng minh. Tuy được công nhận là một người bình thường nhưng những định kiến của xã hội hiện tại rất khó chấp nhận sự thật này, vì trái với thuần phong mỹ tục của ông bà ngày xưa đến nay. Dù cho ngày nay xã hội phát triển thì những định kiến này vẫn luôn đeo bám họ. Come - out, “sống thật với bản thân” với nhiều người cũng chỉ là… mơ ước.

SAS, một gay - điều hành trang web TX, là con trai lớn trong gia đình được học hành đàng hoàng. Mặc dù ba mẹ đã nhiều lần hỏi thẳng “con có vấn đề về giới tính không” nhưng SAS chỉ im lặng. Cuộc sống của SAS chỉ thật sự hạnh phúc khi ở cùng những người cùng giới. Mặc dù mang thân hình đàn ông nhưng SAS yếu đuối như một cô gái nên cần một người đàn ông bảo vệ. Và bởi vẫn mang dáng dấp của người đàn ông nên SAS luôn phải “chăm chút” bản thân mình như tập thể hình, bơi lội… để thân hình đẹp hơn.

Còn Thủy, sau một thời gian “ký hợp đồng” với Hùng cô quyết định đi đến kết hôn với Hùng, chấp nhận cho Hùng cặp bồ với gay: “Hùng là một người tốt, cuộc sống của tôi bây giờ rất tốt, không phải lo lắng về tiền bạc, công việc, cuộc sống ổn định. Nếu tôi lấy một người đàn ông thật liệu tôi có được như hiện nay. Hùng cũng không cấm tôi ra ngoài, Hùng nói: Nếu có con thì Hùng vẫn chấp nhận nuôi hai mẹ con”. Cho đến nay, nhiều nhà tâm lý học tiến bộ vẫn cho rằng “Gia đình là chìa khóa cho số phận của người đồng tính”.

Nhưng mâu thuẫn ở chỗ, trong gia đình của người Á Đông, sự yêu thương chẳng bao giờ là lời nói. Nếu một đứa trẻ dị tính bước vào tuổi dậy thì, chúng khó khăn trong việc chia sẻ khúc mắc thầm kín với người thân, thì với một đứa trẻ đồng tính, đó lại là một khó khăn gấp bội. Làm sao chúng có thể đi nói với bố mẹ “Con thích thằng A, thay vì thích con B?”. Bí mật của chúng sẽ đẩy bản thân ra khỏi gia đình, tìm đến những nguồn giúp đỡ khác. Truyền thông làm người đồng tính sợ hãi với những thông tin về tội phạm, tệ nạn liên quan đến họ, cho dù không thể phủ nhận được về một khía cạnh nào đó, truyền thông đã làm cho vấn đề đồng tính được “nhìn thấy”, như là một sự thật hiển hiện trong cuộc sống.

Người đồng tính vẫn đang lẩn quẩn trong vòng tròn của riêng mình. Sắm một cuộc đời hai mặt, đeo những “mặt nạ thủy tinh” như trên sân khấu. Họ vẫn đang chờ đợi những tín hiệu khả quan trong tuơng lai. Trên các diễn đàn dành cho cộng đồng của riêng mình, người đồng tính đang cổ súy phong trào “sống tốt cho bản thân trước tiên”. Vì họ tin rằng, một khi những người thân của mình biết chuyện, thì với sự yêu thương không lời, đối với một đứa con sống đúng với bản thân và xã hội, họ sẽ nhận đuợc sự chấp nhận không cần lên tiếng.


Song Nam

Ý kiến bạn đọc