Bị bọ xít hút máu có nguy hiểm?

14:14, 17/09/2012
|

(VnMedia) - Gần đây, tại Hà Nội và nhiều địa phương lại xuất hiện trở lại loài bọ xít hút máu người, khiến người dân lo lắng, hoang mang. Vậy đây có phải là loài bọ xít truyền bệnh, gây tử vong?

Theo PGS. TS. Nguyễn Văn Châu (Khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) khẳng định, bọ xít hút máu người không có khả năng truyền bệnh và dẫn tới tử vong như dư luận hoang mang.

Tuy nhiên, để bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình, người dân cũng nên dọn dẹp vệ sinh giường, tủ, vệ sinh nơi ở, khu vực quanh nhà để loại trừ trứng nở thành ổ bọ xít hút máu người phát tán.

Nếu vô tình bị bọ xít hút máu người đốt, người dân nên rửa ngay vết đốt bằng xà phòng, không gãi tại chỗ vết đốt để tránh gây xước, viêm nhiễm và đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị chống dị ứng, chống viêm nhiễm tại chỗ.   

PGS. TS. Nguyễn Văn Châu cũng cho biết, trong quá trình nghiên cứu cho thấy, bọ xít hút máu người thường xuất hiện nhiều vào các tháng 6, 7, 8, 9. Chúng hoạt động kiếm mồi, hút máu chủ yếu vào ban đêm và thường làm tổ trong các đống củi gỗ để lâu, thường xuyên có chuột hay gia súc, gia cầm lui tới. Bọ xít đốt người ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, nhưng nhiều nhất ở tay, chân; vết đốt gây sưng, ngứa đôi khi có sốt.

Qua theo dõi 154 người bị bọ xít đốt thấy rằng: Vết đốt hầu như rải rác từ đầu đến chân, nhưng ở chân, tay và lưng là những nơi bị đốt nhiều nhất (25,32 - 35,06%). Bọ xít có thể chui vào trong quần áo đốt như đã thấy các vết đốt ở mông và bụng. Hiện tượng sưng, ngứa tại vết đốt là phổ biến (99,35%) và kéo dài từ 2-5 ngày. Hiện tượng sưng ngứa và có sốt là 7 trường hợp (4,54%), nhưng chỉ kéo dài trong một vài ngày. Chỉ một trường hợp sưng ngứa và gãi xước da nên nhiễm trùng tại chỗ (0,65%).


Thuỳ Minh

Ý kiến bạn đọc