Xin yêu thương để sống trọn kiếp người

07:13, 04/08/2012
|

(VnMedia) - Bé được sinh ra đúng ngày cha mất vì AIDS. Bà nội gọi bé là Ớt, bà bảo “cuộc đời nó cay đắng như ớt là thế!”… Mới lọt lòng, khi bé đang phải sống giữa lằn ranh sự sống – cái chết thì người mẹ nhẫn tâm bỏ mặc bé, trốn biệt tích… Những đứa trẻ ấy, ngày lại ngày khát khao yêu thương để được sống trọn kiếp làm người.

Côi cút những phận người

Ảnh minh họa

"Ớt ơi! Sao mà cay sè thế này?"

 
Chiều mùa hè, trời nắng nóng như đổ lửa. Đã gần xế chiều, nắng vẫn gay gắt, xiên thẳng vào dãy phòng ở của lũ trẻ con ở
Trường Giáo dục lao động Thanh Xuân (số 60 Nguyễn Văn Hới – Thành Tô – Hải An – Hải Phòng) . Tiết trời ấy, dù mấy cái quạt điện được bật hết công xuất cũng chẳng thể xua nổi hơi nóng hầm hập tỏa ra từ những bức tường xây của các căn phòng ngủ.

Trốn cái nóng bức, ngột ngạt, lũ trẻ con tập trung cả ra góc sân có chút bóng râm hiếm hoi trong khuôn viên của Trung tâm. Thấy có khách lạ, bọn trẻ tạm dừng những trò chơi, thi nhau chào hỏi rất lễ phép. Nếu không được giới thiệu trước, tôi không thể hình dung, những gương mặt hồn nhiên, ngây thơ ấy lại đang mang trong mình loại virus HIV/AIDS và càng không thể nghĩ rằng, mỗi hoàn cảnh, mỗi câu chuyện về cuộc đời các bé lại thấm đẫm nước mắt đến thế.
 
Thấy khách lạ đi cùng với mẹ Thủy (chị Phạm Bích Thủy - Giám đốc Trường Giáo dục lao động Thanh Xuân – PV), lũ trẻ con không còn e sợ nữa và vô tư đòi xem những bức ảnh tôi vừa chụp chúng nô đùa. Chỉ cô bé tỏ ra bạo dạn nhất trong số ấy, mẹ Thủy bảo: “con bé đó có cuộc đời cay đắng như ớt…”. Bé là Phạm Thị Thu Thùy (5 tuổi, ở Tràng Minh – Kiến An – Hải Phòng).

Ngày sinh nhật của bé Thùy cũng là ngày giỗ của người cha vì Thùy được sinh ra đúng ngày cha chết bởi AIDS. Mẹ của Thùy cũng chẳng thế tránh khỏi căn bệnh thế kỷ ấy và đau đớn hơn, virus chết người ấy được truyền sang cả con gái. Khi Thùy vừa tròn một tháng tuổi, người mẹ cũng nhẫn tâm bỏ Thùy lại cho bà nội đã già yếu và đi biệt tích. Cám cảnh cho số kiếp hẩm hiu của đứa cháu gái, bà nội gọi Thùy là Ớt, bà bảo cuộc đời bé cay như Ớt là thế. Và dù rất đỗi thương cháu nhưng bà nội Thùy già và nghèo quá, chẳng thể cưu mang nên buộc lòng phải gửi Thùy vào mái nhà Thanh Xuân này.

Ảnh minh họa

Nụ cười hồn nhiên trên gương mặt con trẻ


Không có ngày sinh nhật đặc biệt như bé Thùy nhưng hoàn cảnh của bé Nguyễn Mai Khánh Linh (6 tuổi, ở Phú Cương – Trân Châu – Cát Hải – Hải Phòng) cũng cay đắng chẳng khác bé Thùy là mấy. Khánh Linh nổi bật hơn hẳn so với những anh chị em khác ở mái ấm Thanh Xuân, bởi Linh có gương mặt xinh xắn, mái tóc tém dễ thương.

Cũng chẳng lạ bởi bé Khánh Linh được sinh ra bởi một người phụ nữ bán dâm đẹp nổi tiếng ở vùng Cát Bà – Hải Phòng. Bố mẹ Khánh Linh đều đã chết bởi căn bệnh thế kỷ, để lại cô bé cho bà ngoại mới ngoài 60 nhưng nhìn già nua, khắc khổ như bà lão 80. Bé Linh không tránh khỏi “bản án tử” thừa hưởng từ bố mẹ nên sức đề kháng rất kém. Với đồng tiền công 20 nghìn/ngày có từ việc làm thuê của bà nội Linh, chừng ấy chẳng đủ để bà cháu cô bé rau cháo qua ngày chứ chưa nói đến việc chăm sóc sức khỏe cho một bệnh nhi AIDS.

Hồi còn ở với bà nội, toàn thân bé Linh bị lở loét, viêm nhiễm nặng. Sự sống đối với cả hai bà cháu khi ấy như ngọn đèn dầu leo lét trước gió. Các mẹ ở Trung tâm Thanh Xuân biết chuyện đã ra tận đảo Cát Bà để vận động, đón bé Linh về với mái ấm mới. Những ngày đầu, các mẹ ở Trung tâm này đã phải thuốc men, chạy chữa mãi mới khỏi được lở loét, ngứa ngáy của Linh. Giờ thì cô bé xinh lắm, da dẻ hồng hào, mịn màng chơi đùa cùng chúng bạn, dù ẩn sâu trong đôi mắt đen láy vẫn phảng phất nỗi buồn khó tả.
 
Một bé gái được giới thiệu đã lên 6 nhưng nhỏ bé hơn nhiều so với bạn bè đồng trang lứa và đặc biệt dễ nổi cáu, gào khóc. Cô bé là Chu Thị Thu Phương, ở Thiên Lôi – Vĩnh Niệm – Hải Phòng. Lý giải cho những hành động khác lạ của cô bé, mẹ Thủy kể, bé Phương bị tử kỷ khá nặng. Bố mẹ mất vì AIDS đã là một tổn thương không thể bù đắp trong tâm hồn con trẻ, lại thêm phải sống ẩn dật trong ngôi nhà của người họ hàng, không được tiếp xúc với bên ngoài vì bị kỳ thị “con si đa” đã khiến cho bệnh tình của cô bé ngày một trầm trọng.

4 tuổi bé Phương vẫn chẳng nói, chẳng rằng, cứ ôm búp bê ngồi trong góc khuất cả ngày. Ai đó làm cô bé phật ý, bé chỉ la hét, gào khóc. Bé Phương được đón vào Trung tâm khoảng  một năm nay. Bằng tình thương yêu, các mẹ ở Trung tâm đã dần dần khiến bé ổn định tâm lý, hòa nhập với những đứa trẻ khác. Giờ thì bé Phương đã biết nói và hoạt bát như đứa trẻ bình thường. Thấy mẹ Thủy và các anh chị cổ vũ, bé Phương mạnh dạn múa cho tôi xem. Bé cũng chẳng còn sợ hãi khi được chụp ảnh nữa.
 
Tại sao sinh ra con trong cuộc đời…?

Ảnh minh họa

 Thu Hoài yêu chị Thảo Vy


Còn nhỏ nên bé Thảo Vy (2 tuổi) quấn mẹ nuôi lắm. Mặc cho các anh chị lớn mải mê nhảy múa, ca hát, bé Vy vẫn nhất quyết không rời tay mẹ. Ánh mắt bé đượm buồn, gương mặt mệt mỏi, bé gục vào vai mẹ đưa ánh nhìn thơ ơ quan sát xung quanh. Mẹ nuôi của bé bảo, bé mệt vì mới bắt đầu dùng thuốc kháng virus ARV từ hơn một tháng nay nên sức khỏe giảm sút. Thứ thuốc ấy giúp các bé kéo dài được sự sống nhưng lại khiến cho thân thể các bé mệt mỏi rã rời. Còn bé và còi cọc hơn những anh chị khác sống ở đây nên bé Vy có phần được các mẹ chiều chuộng hơn.

Mẹ nuôi của bé kể, bé đáng thương lắm, bố mẹ đã mất vì bệnh thế kỷ, để lại bé cho bà nội. Nhà bà nội nghèo quá, chẳng có gì cho bé ăn, bữa ăn ngày bé còn sống với bà nội chỉ là rau xào củ chuối. Gọi là xào cho sang chứ thực ra là cách chế biến không dầu mỡ. Vì nỗi ấy nên bé Vy thường xuyên bị ốm, thường xuyên bà nội bé phải đưa vào viện Nhi điều trị. Các mẹ ở Trung tâm có dịp qua viện đã tận mắt chứng kiến hoàn cảnh khốn cùng của bà cháu bé Vy. Mỗi khi nằm viện, bà nội đã hơn 80 tuổi của bé vay mượn khắp nơi cũng chỉ đủ tiền mua cho bé 2000 cháo để ăn cả ngày.

Vy bé hơn nhiều so với những đứa trẻ cùng tuổi. Lại thêm việc bé Vy bị bỏ mặc lê la bẩn thỉu, thậm chí quần áo đái dầm của bé cũng chỉ được phơi khô mặc lại nên toàn thân bé bị lở loét, ngứa ngáy. Thấy hoàn cảnh bé bi đát, các mẹ ở Trung tâm đã vận động bà nội để bé về với các mẹ. Mới vào ngôi nhà mới được khoảng nửa năm nay, những vết lở loét đã bắt đầu liền da và cân nặng bắt đầu có chuyển biến. Giờ bé đã được 9,5kg và hòa nhập hơn với các anh chị em ở ngôi nhà mới.
 
Được chăm chút và có phần chiều chuộng hơn cả là bé Hà Thị Thu Hoài. Phần vì Hoài còn nhỏ quá, mới được hơn một tuổi, phần vì bé thiệt thòi hơn tất thảy những đứa trẻ ở đây. Trong khi các anh chị cùng nhà dù bất hạnh nhưng còn có được chút an ủi là có quê quán, họ hàng và có một cái tên được cha mẹ khai sinh thì Thu Hoài là đứa trẻ vô thừa nhận. Mới lọt lòng mẹ, cô bé đã bị chính những người sinh thành ra em chối bỏ.

Tên Thu Hoài cũng là do người mẹ nuôi trực tiếp chăm bẵm bé ở Trung tâm Thanh Xuân đặt cho. Mẹ  nuôi để bé mang họ của mẹ và chăm sóc bé như con đẻ nhưng chừng ấy dường như vẫn chẳng thể khỏa lấp khoảng trống trong tâm hồn con trẻ. Được mẹ Thủy bế trên tay, bé Hoài nũng nịu gục đầu vào vai mẹ, như tìm sự an ủi, vỗ về. Đôi mắt bé mở to, đen láy mà thăm thẳm buồn. Các mẹ gọi bé Hoài là “cục vàng” bởi để giành giật sự sống cho bé từ thủa lọt lòng đến giờ, không biết bao nhiêu tiền của đã “đổ” vào bé.

Ảnh minh họa

Bé Hoài trong vòng tay của mẹ Thủy


Mẹ Thủy kể cho tôi nghe câu chuyện buồn về ngày bé Hoài chào đời: Khoảng 8h sáng ngày 28/2/2011, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng tiếp nhận một sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ. Khi làm bệnh án, kết quả test nhanh cho thấy, sản phụ này dương tính với HIV. Thông tin duy nhất về người mẹ này để lại Bệnh viện là quê ở tỉnh Thái Bình, một mình nhập viện “vượt cạn”, không có họ hàng, bạn bè thân thích, không có đồ dùng cá nhân cũng như tã lót của em bé. Khoảng nửa tiếng sau, sản phụ này sinh 1 bé gái, cân nặng 1,2kg.

Chưa kịp nhìn thấy mẹ, bé đã phải chuyển đi cấp cứu do thể trọng quá nhỏ. Giữa lúc khoảng cách của sự sống và cái chết quá mong manh, thì nỗi đau lại đổ ập lên đầu đứa trẻ tội nghiệp. Đến 14h chiều cùng ngày, các bác sĩ phòng hậu sản tìm mãi không thấy mẹ cháu bé này đâu. Lúc này, mọi người mới nhận ra chuyện đau lòng rằng cháu bé đã bị chính mẹ đẻ bỏ rơi… Chưa kịp lập biên bản sự việc thì đến giữa chiều cùng ngày, cháu bé có dấu hiệu suy hô hấp nặng. Các bác sỹ đã giành được bé từ tay tử thần, hết lần này đến lần khác. Cho đến hiện tại, dù sức khỏe bé Hoài đã ổn định và được về với các mẹ ở Trung tâm Thanh Xuân nhưng gần như đều đặn, mỗi tháng vài lần bé Hoài phải nhập viện vì bị các bệnh dịch tấn công. Chẳng thế mà bé nhỏ lắm, chẳng đủ cân nặng, chiều cao so với trẻ bình thường khác.
 
Mỗi khi bắt gặp hình ảnh một đứa trẻ được cha mẹ, người thân chăm bẵm, nâng niu, bất giác tôi lại nhớ đến những thiên thần nhỏ, bất hạnh ở mái ấm Thanh Xuân. Chừng ấy cũng đủ cảm nhận, những cô bé, cậu bé như Thùy, Phương, Linh, Hoài…ấy bất hạnh, đáng thương đến chừng nào. Các bé vẫn cần lắm tình yêu thương từ cộng đồng, để những ngày còn lại trên thế gian, các bé không cô độc, tủi thân và để các bé được sống trong yêu thương cho chọn kiếp người.

Mái ấm Thanh Xuân trong Trường giáo dục lao động Thanh Xuân (Trung tâm 05) là cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em mồ côi nhiễm HIV đi vào hoạt động từ năm 2009. Tại đây hiện có 21 trẻ nhiễm HIV có độ tuổi từ 2 đến 12 tuổi. 100% số trẻ có H được điều trị ARV, trong đó có 12 trẻ đang học tiểu học, số còn lại đang trong độ tuổi mẫu giáo.


 


Bảo Nhi - (Bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc