Xót xa những đứa trẻ ngây thơ chết vì tình

06:27, 03/04/2012
|

(VnMedia) - Mới chỉ là những rung động đầu đời, là giai đoạn khởi đầu của tình yêu chứ chưa phải là tình yêu đích thực, nhưng khi thất vọng, nhiều trẻ vị thành niên sẵn sàng từ bỏ mạng sống của mình, để lại nỗi đau khổ không gì bù đắp được cho những đấng sinh thành. Vì sao trẻ lại hành động như vậy, và chúng ta, những ngưới lớn, những bậc làm cha làm mẹ có thể làm gì để ngăn chặn kết cục bi thảm này? Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Giàu đã chia sẻ với VnMedia về vấn đề này.

 

Thưa Thạc sĩ, gần đây, liên tục có những vụ thanh thiếu niên tự tử, trong đó có những vụ tự tử vì tình. Thạc sĩ có cho rằng, đây là một hiện tượng bất thường hay không?

 

Nếu như thực sự yêu một ai đó nhưng không đến được vì bất kỳ lý do gì, bạn trẻ sẽ cảm thấy mất mát, hụt hẫng, mất phương hướng,… Kế đến, tự bạn trẻ sẽ chất vấn mình về những lý do chia tay, trong đó có việc tự cho mình có lỗi, mình không biết cách giữ gìn tình yêu,… Nếu lúc đó không có ai ở bên cạnh, không ai đáng tin để chia sẻ hoặc bản thân trẻ trước đó là người thiếu tự tin, ít chia sẻ với người khác thì suy nghĩ mình có lỗi sẽ được bạn trẻ kết luận là “mình bị bỏ rơi như vậy là đáng, mình là người thất bại, mình là người không có giá trị”,… Một khi trẻ có những kết luận này thì việc trẻ có những hành xử tiêu cực như tự làm tổn thương chính mình (rạch tay, tự tử) hoặc trả thù là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.

 

Cho nên, việc những bạn trẻ tự tử vì tình mà truyền thông đưa tin thời gian qua không phải là chuyện bất thường mà là tiến trình tự nhiên của tâm lý con người khi gặp thất bại nhưng không có ai ở bên cạnh để chia sẻ, định hướng và giúp trẻ lấy lại niềm tin.

 

- Là một chuyên gia tâm lý, thạc sĩ có thể giải thích rõ hơn về tâm lý khi yêu của lứa tuổi học trò?

 

Hiện tại chưa có một định nghĩa về tình yêu được đại đa số con người thừa nhận. Tuy nhiên, suy nghĩ về một tình yêu chân chính có một số điểm chung mà nhiều nhà tâm lý thống nhất. Cụ thể:

 

Tình yêu chân chính bao gồm 2 giai đoạn: giai đoạn đầu là giai đoạn của cảm xúc và giai đoạn thứ hai là giai đoạn của lý trí, giai đoạn của sự lựa chọn. Nếu trải qua giai đoạn 2 mà cả hai vẫn cảm thấy khao khát ở bên cạnh nhau thì đó mới gọi là tình yêu.


 Ảnh minh họa

...Nếu lúc đó không có ai ở bên cạnh, không ai đáng tin để chia sẻ hoặc bản thân, trẻ có thể quyên sinh

 

Tình yêu chân chính đòi hỏi người trong cuộc phải có sự nỗ lực để hoàn thiện bản thân để mang lại hạnh phúc cho đối phương, nỗ lực vượt qua những khó khăn từ khách quan mang lại (thời gian, nơi chốn, chuẩn mực,…)

 

Tình yêu chân chính không chấp nhận suy nghĩ chỉ quan tâm đến nhu cầu của riêng một người mà là nhu cầu của cả hai.

 

Với những mô tả này thì điều đầu tiên phải khẳng định là người trong cuộc phải mất nhiều thời gian, công sức, sự nỗ lực thì mới có thể có được tình yêu. Với các bạn tuổi học trò, thực tế các bạn chỉ đang ở giai đoạn đầu của tình yêu: (giai đoạn cảm xúc, cảm mến, không muốn rời xa, không hiểu lý do tại sao thích) chứ chưa bước vào tình yêu thực sự. Cho nên, rất tiếc khi mà các bạn đốt cháy giai đoạn, sẵn sàng dâng hiến cho đối phương khi không có một sự chắc chắn về trách nhiệm.

 

- Thạc sĩ có cho rằng, môi trường xã hội, phim ảnh (ví dụ như những bộ phim tình cảm của Hàn Quốc, mạng Internet) có ảnh hưởng đến việc quyết định tự tử của trẻ khi gặp khúc mắc trong chuyện tình cảm hay không?

 

Ý định tự tử hình thành từ quá trình suy nghĩ bên trong, quá trình tự chất vấn bản thân của bạn trẻ khi chuyện tình cảm không như mong đợi và không nhận được sự chia sẻ, đồng cảm từ người xung quanh. Cho nên, với giai đoạn này, phim ảnh, truyền thông không có nhiều ảnh hưởng. Tuy nhiên, khi có ý định tự tử lâu ngày thì bạn trẻ có khuynh hướng đi tìm sự tương đồng ở người khác. Việc lên mạng là lựa chọn mà hiện tại nhiều bạn trẻ lựa chọn. Và lúc này đây, nếu bắt gặp hình ảnh, tình huống, câu chuyện trên mạng, trên phim mà nhân vật chính chọn tự tử để giải quyết nỗi buồn thì việc biến ý định trở thành hành vi tự tử là chuyện tất yếu.

 

- Đối với gia đình, việc đứa con mình rứt ruột đẻ ra, nuôi dưỡng, chăm bẵm bỗng nhiên tự tử vì một người bạn trai hay bạn gái là một điều hết sức đau đớn. Theo thạc sĩ, bố mẹ cần phải làm gì để giúp con mình vượt qua giai đoạn tâm lý khó khăn này?

 

Một đứa trẻ thiếu sự quan tâm, định hướng của gia đình thường sẽ có khuynh hướng lựa chọn cách hành xử tiêu cực khi gặp khó khăn, thất bại trong cuộc sống. Vì vậy, với những kết cục đau lòng của con trẻ, người lớn cũng có trách nhiệm. Riêng những bạn trẻ từ nhỏ đã nhận được sự yêu thương, quan tâm của gia đình thì với khó khăn này của trẻ sẽ thuận lợi hơn.

 

Một điều quan trọng cần lưu ý là hãy để nỗi đau của trẻ được bộc lộ ra bên ngoài bằng sự chia sẻ, tiếng khóc. Kế đến, hãy bày tỏ cho trẻ thấy trẻ quan trọng đối với gia đình như thế nào để trẻ lấy lại niềm tin và cảm giác là mình có giá trị. Sự kiên nhẫn của phụ huynh cũng là một yếu tố quan trọng vì khó có thể hiểu nỗi đau của trẻ sẽ cần bao nhiêu thời gian để lành lại. Luôn giữ tương tác với trẻ là điều mà phụ huynh nên làm nếu con trẻ rơi vào tình huống này.

 

- Theo Thạc sĩ, trong vấn đề giáo dục tâm, sinh lý cho trẻ em, ngoài sự quan tâm của gia đình thì nhà trường có đóng vai trò gì?

 

Bạn trẻ vị thành niên có khuynh hướng trọng tình bạn, hứng thú với các hoạt động nhóm. Tận dụng đặc trưng lứa tuổi này, nhà trường có thể triển khai các hoạt động tập thể trong đó có sự lồng nghép sự định hướng về cách hành xử trong tình yêu, tình bạn, ứng phó với những tình huống không mong đợi,…Việc triển khai các môn học trong chương trình kỹ năng sống là điều rất quan trọng và mang lại nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, cần có sự đầu tư và dựa trên đặc trưng tâm lý lứa tuổi hơn là làm theo phong trào.

 

Việc thiết lập phòng tư vấn tâm lý tại trường sẽ hữu ích khi giải quyết vấn đề cá nhân. Nhưng thường trẻ sẽ cảm thấy ngại khi bước vào phòng tham vấn. Vì vậy, trong quá trình dạy về kỹ năng sống, nhà trường cũng cần thay đổi nhận thức của trẻ về việc tìm kiếm giải pháp khi gặp khó khăn, thay đổi nhận thức ngại, sợ bộc lộ chuyện riêng tư với chuyên gia.

 

- Ngoài những trường hợp tự tử thì còn những trường hợp trở thành kẻ sát nhân vì thất tình hoặc là nạn nhân của kẻ si tình. Lời khuyên của thạc sĩ đối với những em nhỏ trong ứng xử với người mình yêu hoặc với người mình muốn từ chối tình yêu như thế nào?

 

Nếu đòi hỏi trẻ có được sự khéo léo trong ứng xử để tránh những hành xử tiêu cực từ phía đối phương khi trẻ không chấp nhận tình cảm là một việc khó vì nhận thức của trẻ vẫn còn nhiều hạn chế.Tuy nhiên, trang bị cho trẻ kỹ năng tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp khó khăn thì phụ huynh và nhà trường hoàn toàn có thể làm được thông qua những buổi học ngoại khóa, học kỹ năng sống và giao tiếp trong gia đình.

 

Cho nên, nếu bản thân bạn trẻ không thể có cách ứng phó hiệu quả thi hãy biết lựa chọn người đáng tin cậy để chia sẻ và định hướng cách giải quyết. Tự giải quyết hoặc phớt lờ đều không là giải pháp tốt.

 

Xin cám ơn những chia sẻ của thạc sĩ!

 

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Giàu tốt nghiệp thạc sĩ tâm lý trường đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, là giảng viên chương trình đào tạo 1000 chuyên viên tâm lý trong doanh nghiệp (Peb 1000). Thạc sĩ cũng là người phụ trách bộ phận chuyên môn trung tâm đào tạo và ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc