Biển Đông: Mỹ thúc ép, Trung Quốc lạnh lùng thách thức

11:43, 11/08/2014
|

(VnMedia) - Mỹ ra sức thúc ép các nước chấm dứt những hành động gây khiêu khích ở Biển Đông. Tuy nhiên, hành động được cho là nhằm vào Trung Quốc này của Mỹ đã vấp phải phản ứng lạnh lùng, thách thức của Bắc Kinh. Đây được xem là một bước thụt lùi của Washington trong nỗ lực nhằm tìm cách kiềm chế các hành động hung hăng, quyết liệt của Trung Quốc ở khu vực, cụ thể là Biển Đông.

 

 

Ảnh minh họa


Ngoại trưởng Kerry


Mỹ đã tận dụng cuộc họp khu vực ASEAN diễn ra ở Myanmar hồi cuối tuần vừa rồi để tăng cường nỗ lực làm dịu tình hình căng thẳng vì những cuộc tranh chấp ở Biển Đông bằng lời kêu gọi và đề xuất các nước chấm dứt ngay những hành động gây căng thẳng ở Biển Đông như hành động ngang ngược của Trung Quốc trong việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hạ đặt trái phép trong vùng biển của Việt Nam hồi tháng 5 vừa rồi.

 

Cùng với đồng minh Mỹ, Philippines cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự trong kế hoạch 3 bước mà nước này đưa ra nhằm tìm cách “hạ nhiệt” căng thẳng ở khu vực Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên. Đây là nơi chứng kiến các hoạt động giao thương, thương mại có giá trị lên tới 5.000 tỉ USD hàng năm.

 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 9/8 đã có mặt tại thủ đô Naypyitaw của Myanamar để tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN. Ông Kerry sẽ cùng với Ngoại trưởng và các nhà ngoại giao hàng đầu khác đến từ Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Liên minh Châu Âu (EU) và các nước Đông Nam Á tham dự hội nghị ASEAN và các đối tác.

 

Trong bài phát biểu mở màn, ông Kerry đã nói rằng: "Mỹ và ASEAN chia sẻ trách nhiệm chung trong việc đảm bảo an ninh hàng hải ở khu vực biển then chốt cùng với các vùng lãnh thổ và cầu cảng quan trọng”.

 

"Chúng ta cần phải hợp tác với nhau để quản lý căng thẳng ở Biển Đông và giải quyết những căng thẳng đó bằng biện pháp hòa bình cũng như dựa trên luật pháp quốc tế”, Ngoại trưởng Mỹ nói thêm.

 

Ngoại trưởng Kerry đang thúc đẩy một thỏa thuận nhằm chấm dứt các hành động có nguy cơ thổi bùng lên ngọn lửa căng thẳng trong các mối quan hệ khu vực sau những cuộc đối đầu căng thẳng ở Biển Đông trong năm nay. Ông Kerry đã chính thức đề nghị các nước làm dịu căng thẳng trong khu vực bằng cách không có thêm những hành động “làm phức tạp hay làm leo thang tranh chấp”. Đây được cho là lời đề xuất trực tiếp nhằm vào Bắc Kinh – nước đang có một loạt các hành động khiêu khích, gây căng thẳng, khiến Biển Đông trong suốt thời gian qua luôn ở trong tình trạng “sôi sùng sục”.

 

Phản ứng của Trung Quốc

 

Trung Quốc bác bỏ việc Mỹ can thiệp vào các cuộc tranh chấp ở Biển Đông đồng thời thách thức lời kêu gọi, đề xuất của Mỹ về việc ngừng các hành động gây căng thẳng ở Biển Đông.

 

"Hiện nay, tình hình ở Biển Đông nói chung đang ổn định. Không có bất kỳ vấn đề nào liên quan đến hoạt động đi lại trên Biển Đông”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói như vậy với các phóng viên.

 

"Một người nào đó đang cố tình thổi phồng hoặc lợi dụng cái gọi là tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Chúng tôi không đồng ý với hành động như vậy”, Ông Vương Nghị nói.

 

Khẳng định Trung Quốc “không phải là kẻ xâm lược” ở vùng biển tranh chấp, Ngoại trưởng Vương Nghị còn tuyên bố đầy thách thức rằng, “phía Trung Quốc chắc chắn sẽ có phản ứng quyết liệt và mạnh mẽ” nếu bị khiêu khích.

 

Trên thực tế, những tháng gần đây, tình hình căng thẳng ở Biển Đông đang gia tăng do các hành động hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc. Trung Quốc hồi tháng 5 đã ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở trong vùng biển của Việt Nam .

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines cũng rơi vào căng thẳng vì cuộc tranh chấp ở một khu vực khác thuộc Biển Đông.

 

Mỹ nhiều lần kêu gọi Trung Quốc chấm dứt việc có các hành động gây căng thẳng ở Biển Đông đồng thời kêu gọi ASEAN và Trung Quốc tiến hành những "cuộc thảo luận thực chất" để tiến tới ký kết một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

 

Bắc Kinh luôn tỏ ra tức giận trước những phát biểu hay cảnh báo của Mỹ về tình hình Biển Đông, liên tục kêu gọi cường quốc số 1 thế giới tránh xa Biển Đông. Tuy nhiên, Washington khẳng định, việc bảo đảm tự do hàng hải và an ninh hàng hải ở Biển Đông không chỉ là trách nhiệm mà còn là lợi ích quốc gia của Mỹ.

 

Trung Quốc đang đòi chủ quyền đối với 90% Biển Đông - khu vực biển được tin là chứa một trữ lượng lớn dầu mỏ và khí đốt cũng như nguồn hải sản dồi dào. Biển Đông cũng chứa những tuyến đường biển chiến lược quan trọng.

 

Trong các cuộc họp ASEAN hồi cuối tuần vừa rồi, Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên ASEAN cũng như quan chức hàng đầu của các nước đối tác của ASEAN đều bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước tình hình căng thẳng ở Biển Đông.

 

ASEAN đang thúc đẩy Trung Quốc tham gia đàm phán để tiến tới việc ký kết một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông có tính ràng buộc. Sau khi hội nghị ASEAN kết thúc ngày hôm qua (10/8), Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết, những cuộc thảo luận giữa ASEAN với Trung Quốc đã đạt được kết quả tích cực. “Phía Trung Quốc đã nói đến sự cần thiết phải sớm ký kết được một bộ quy tắc ứng xử. Điều này trái ngược với thời gian trước khi đây khi Trung Quốc thậm chí còn không sẵn sàng nói đến vấn đề này", ông Natalegawa cho biết.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc