Phương Tây “nín thở” chờ Nga hành động ở Ukraine

10:24, 14/05/2014
|

(VnMedia) - Sau khi nước cộng hòa nhân dân Donetsk khẩn thiết xin sáp nhập vào Nga, Mỹ và các cường quốc phương Tây dường như đang “nín thở” theo dõi nhất cử nhất động của Moscow và chờ xem hành động của Tổng thống Vladimir Putin.
 

Ảnh minh họa

Các cuộc trưng cầu dân ý ở miền đông Ukraine diễn ra suôn sẻ bất chấp sự đe dọa của Kiev.


Nga vẫn chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào sau khi nước cộng hòa nhân dân Donetsk khẩn thiết đề nghị được sáp nhập vào Nga. Thay vào đó, Moscow đang kêu gọi đối thoại giữa Kiev và các khu vực phía đông.
 
Phát ngôn viên của Tổng thống Nga – ông Dmitry Peskov cho tờ Kommersant hay, Moscow chưa đưa ra câu trả lời cho lời đề nghị từ phía Donetsk.
 
Trước đó, hôm thứ Hai đầu tuần (12/5), cơ quan báo chí điện Kremlin đã ra tuyên bố nói rằng, “Moscow tôn trọng nguyện vọng của người dân ở Donetsk và Lugansk đồng thời hy vọng việc thực hiện trên thực tế kết quả của cuộc trưng cầu dân ý vừa qua sẽ được tiến hành theo một cách thức văn minh”.
 
Nga nhấn mạnh sự cần thiết phải có một “cuộc đối thoại giữa đại diện của Kiev với hai khu vực Donetsk và Lugansk.”
 
Hôm 12/5, nước cộng hòa nhân dân Donetsk đã tự tuyên bố trở thành một quốc gia có chủ quyền và đề nghị Moscow cho phép họ sáp nhập vào Nga, hội đồng nhân dân Donetsk cho biết. Trước đó cùng ngày, kết quả cuộc trưng cầu dân ý được công bố ở Donetsk và Lugansk cho thấy, đa số các cử tri bỏ phiếu ủng hộ chế độ tự trị trong bối cảnh chính quyền lâm thời ở Kiev đang đẩy mạnh chiến dịch đàn áp quân sự ở miền đông Ukraine, gây ra nhiều thương vong.
 
Giới chuyên gia phán đoán về phản ứng của Moscow
 
Giới chuyên gia về Ukraine đang ra sức phán đoán về câu trả lời của Nga đối với đề nghị xin sáp nhập của Donetsk.
 
Chuyên gia luật pháp quốc tế Alexander Mercouris đã nhận định với hãng tin RT rằng, phản ứng của Moscow sẽ thống nhất với chính sách trước đó của họ trong vấn đề Ukraine.
 
“Moscow đang theo đuổi chính sách nhất quán ngay từ đầu, ngay từ thời điểm cuộc đảo chính diễn ra ở Kiev hồi tháng 2. Đó là, Nga tiếp tục gây sức ép để thúc đẩy các cuộc đối thoại, đàm phán giữa Kiev và những đại diện dân chủ thực sự của các khu vực miền đông Ukraine nhằm tìm kiếm sự thay đổi hiến pháp”, ông Mercouris cho biết. “Tôi không nghĩ là lập trường của Moscow đã thay đổi. Nhưng tôi cho rằng, lập trường của Moscow có thể thay đổi trong tương lai”, ông Mercouris nói thêm.
 
Chuyên gia về quan hệ quốc tế và giảng viên cấp cao của trường Đại học Moscow – ông Mark Sleboda cũng cho rằng, ông không tin là phản ứng của Moscow với lời đề nghị của Donetsk đi ngược lại với lập trường trước đây.
 
“Tuyên bố đầu tiên được Moscow đưa ra vào buổi sáng ngày hôm đó là họ trông chờ một cuộc đối thoại giữa Donetsk, Lugansk với Kiev để giải quyết tình hình và thực hiện nguyện vọng của nhân dân. Đó là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy, Nga vẫn đang cố gắng đối thoại với Kiev”, ông Sleboda phân tích.
 
Giáo sư về Chính trị và Lịch sử ở Berlin – ông Ronald Suni nhấn mạnh rằng, phản ứng từ tốn của Nga thực sự là đang tạo cơ hội cho một cuộc đối thoại quốc tế nhằm giúp tháo gỡ tình hình ở Ukraine.
 
Trong khi đó, chuyên gia luật Mercouris cũng giải thích thêm lý do vì sao những cuộc trưng cầu dân ý ở Donetsk và Lugansk vừa rồi có giá trị thực sự. “Đúng là, những cuộc trưng cầu dân ý đó được tổ chức vội vã, trong một cuộc nội chiến, trong điều kiện cách mạng nhưng thậm chí những người có mặt - những người phản đối cuộc trưng cầu dân ý hay từ báo chí phương Tây đến, đều phải thừa nhận rằng, kết quả của các cuộc trưng cầu dân ý đó phản ánh phong trào rộng khắp và mạnh mẽ của tầng lớp nhân dân”, ông Mercouris phân tích.
 
Ông Sleboda cũng thêm vào rằng, xem xét cuộc trưng cầu dân ý ở Donetsk và Lugansk, người ta cần phải chú ý đến 3 điều: “Một là, tỉ lệ người dân đi tham gia bỏ phiếu cực cao, điều này gần như không thể phủ nhận. Thứ hai, kết quả cuộc trưng cầu dân ý là người dân đa phần ủng hộ độc lập. Cuộc trưng cầu dân ý diễn ra công khai, minh bạch với thùng bỏ phiếu bằng kính trong suốt và dưới sự giám sát của báo chí phương Tây”.
 
“Và thứ ba là chúng ta phải nhớ rằng, các cuộc trưng cầu dân ý đã diễn ra dưới họng súng nhưng không phải họng súng của lực lượng phòng vệ địa phương mà là họng súng của chính quyền lâm thời ở Kiev. Chính quyền này đã thực sự giết hại các cử tri khi họ cố gắng đi bỏ phiếu chống lại Kiev”, ông Sleboda cho hay.
 
Trong khi Nga ủng hộ các cuộc trưng cầu dân ý ở Donetsk và Lugansk thì Mỹ và phương Tây ra sức phản đối những cuộc trưng cầu dân ý này. Mỹ và phương Tây tuyên bố không thừa nhận kết quả của hai cuộc trưng cầu dân ý trên. Thậm chí, phương Tây còn tung ra thêm biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì lý do Moscow để cho những cuộc trưng cầu dân ý đó diễn ra.
 
Hôm 12/5, ngoại trưởng các nước Liên minh Châu Âu (EU ) đã nhất trí nới rộng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, theo đó sẽ có thêm 2 công ty Crimea và 13 cá nhân bị đưa vào danh sách trừng phạt của EU vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã nhanh chóng cáo buộc chính sách của EU đối với Nga là “bất cẩn, vô trách nhiệm và không phù hợp với thực tế”.
 
Mỹ và phương Tây thậm chí còn đang đe dọa sẽ tung ra thêm các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn nhằm vào các ngành kinh tế then chốt của Nga nếu cuộc bầu cử sắp tới ở Ukraine bị cản trở. Mỹ và phương Tây luôn tìm cách đổ lỗi cho Moscow về những bất ổn ở Ukraine hiện nay trong khi Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc này.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc