Hàng ngàn binh lính Ukraine xin nhập quốc tịch Nga

12:05, 05/04/2014
|

(VnMedia) - Hầu hết các binh lính Ukraine đang phục vụ ở Crimea đã lên tiếng bày tỏ mong muốn được gia nhập vào Lực lượng Vũ trang Nga và họ đã được trao cho cơ hội này, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu hôm qua (4/4) cho biết.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


“Tính đến ngày hôm nay, đã có hơn 8.000 trong số các binh lính Ukraine phục vụ trên bán đảo Crimea nộp đơn xin nhập quốc tịch Nga. Khoảng 3.000 trong số này đã được giao nhiệm vụ. Chúng tôi hiện đang tạo những điều kiện cần thiết để họ có thể nhanh chóng thích nghi với việc phục vụ cho quân đội Nga”, ông Shoigu hôm qua đã tiết lộ như vậy tại một cuộc họp bộ trưởng ngoài dự kiến.

 

Theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga, các binh lính Ukraine đều có thể dễ dàng rời Crimea để trở về Ukraine nếu muốn.

 

Đa số binh lính Ukraine sẵn sàng tiếp tục phục vụ trong Lực lượng Vũ trang Ukraine đều đã rời bán đảo Crimea . Chỉ còn lại khoảng 400 binh lính chịu trách nhiệm bảo quản vũ khí và thiết bị quân sự vẫn chưa rời đi, ông Vitaliy Yarema – Phó Thủ tướng thứ nhất của chính phủ lâm thời mới ở Kiev cho biết khi ông này có cuộc trò chuyện với báo giới ngày hôm qua. Vị Phó Thủ tướng tạm quyền Ukraine không cung cấp thời hạn cụ thể cho việc rút toàn bộ binh lính, vũ khí và thiết bị quân sự ra khỏi Crimea .

 

“Tôi không thể nói chắc chắn được bởi điều đó còn phụ thuộc vào nhiều nhân tố như tốc độ và sự sẵn sàng của các phương tiện vận chuyển hay thực trạng đường xá. Nhưng cho đến ngày hôm nay, không có bất kỳ cản trở nào đối với tiến trình rút quân và thiết bị của chúng tôi”, ông Yarema khẳng định.

 

Phó Thủ tướng tạm quyền của Ukraine cũng tuyên bố, nước ông tạm ngừng các hoạt động hợp tác quân sự với Nga vì việc Nga triển khai quân gần biên giới với Ukraine .

 

"Thủ tướng đã quyết định dừng hợp tác quân sự với Liên bang Nga, ông Yarema cho biết trong cuộc gặp gỡ báo chí địa phương.

 

Mặc dù Nga và Ukraine – hai nước láng giềng cựu Xô viết, có mối quan hệ chặt chẽ trong lĩnh vực công nghiệp quân sự nhưng Kiev buộc phải ngừng cung cấp các mặt hàng quốc phòng cho Nga bởi chúng có thể được dùng để chống lại Ukraine nếu căng thẳng quân sự leo thang, Phó Thủ tướng tạm quyền Yarema đã nói như vậy.

 

Để bù đắp một phần cho những tổn hại có thể gây ra từ việc mất đi thị trường Nga, Ukraine sẽ tìm cách tái định hướng sản phẩm quân sự xuất khẩu sang thị trường các nước phía đông, ông Yarema nói thêm.

 

Theo các chuyên gia địa phương, xuất khẩu quân sự của Ukraine, trong đó có vũ khí, radar, động cơ cho trực thăng và máy bay, chiếm đến hơn một nửa nhập khẩu quân sự của Nga. Nhà phân tích quân sự Ukraine Sergey Zgurets ước tính, Kiev có thể mất khoảng 600 triệu USD một năm do ngừng hợp tác quân sự với Moscow .

 

Trong khi đó, quyết định của Ukraine có thể khiến Nga mất 2 tỉ USD vì không thể thực hiện được các hợp đồng kỹ thuật-quân sự với các nước thứ ba mà không có nguồn cung cấp thiết bị được làm từ Ukraine.

 

Không rõ có phải là lời đáp trả trước tuyên bố của Kiev về việc tạm ngừng hợp tác quân sự với Nga hay không nhưng Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin hôm qua tuyên bố, nước này nên xem xét khởi động lại hoạt động của tổ hợp công nghiệp quân sự nhằm giảm sự lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài.

 

"Hiện tại, chúng ta đang tìm kiếm các biện pháp thực dụng nhưng tôi cho rằng, sẽ tốt hơn hết nếu chúng ta tự dựa vào chính công nghệ của bản thân và sản xuất những thứ thật sự cần thiết và có lợi cho nền công nghiệp quốc phòng của chúng ta”, ông Rogozin -người trực tiếp phụ trách công nghiệp quốc phòng Nga, cho biết trong cuộc họp ở thành phố Novosibirsk thuộc Siberia.

 

Nước cộng hòa tự trị Crimea hôm 16/3 đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định tương lai của họ là ở với Ukraine hay nước Nga. Kết quả chính thức cho thấy, có tới gần 97% người dân lựa chọn đưa khu vực của họ sáp nhập vào Liên bang Nga. Ngay sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký dự luật liên bang phê chuẩn thỏa thuận đưa Crimea sáp nhập vào Nga hôm 21/3. Mặc dù phương Tây lên án mạnh mẽ cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea nhưng Nga lại hoan nghênh kết quả của cuộc trưng cầu này, tuyên bố nó hoàn toàn hợp pháp theo luật quốc tế.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc