Thủ tướng Thái bắt tay với thủ lĩnh biểu tình?

09:57, 15/02/2014
|

(VnMedia) - Cảnh sát chống bạo động Thái Lan hôm qua (14/2) đã bắt đầu ra tay dẹp người biểu tình ở Bangkok. Việc lực lượng này dễ dàng giành lại được một con đường lớn ở thủ đô mà ít vấp phải phản ứng của người biểu tình khiến nhiều người cho rằng, Thủ tướng Yingluck có thể đã đạt được một thỏa thuận ngầm với thủ lĩnh biểu tình.
 

Ảnh minh họa

Cảnh sát Thái Lan bắt đầu ra tay dẹp người biểu tình


Cảnh sát Thái Lan đã dẹp được người biểu tình ra khỏi một con đường lớn ở thủ đô sau hơn 3 tháng con đường này bị chiếm đóng trong chiến dịch của lực lượng biểu tình nhằm tìm cách lật đổ chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck. Cảnh sát cho biết, họ sẽ tiếp tục tiến lên giành lại các khu vực biểu tình khác trong những ngày tới.
 
Không có báo cáo nào về tình trạng đụng độ, xung đột trong một chiến dịch được miêu tả là rất “thận trọng và cẩn thận” mà cảnh sát Thái Lan đưa ra nhằm thử thách sức mạnh của lực lượng biểu tình chống chính phủ đang ngày càng giảm đi về số lượng trên các đường phố ở thủ đô.
 
Hàng trăm cảnh sát mặc áo giáp, đội mũ sắt và mang theo tấm khiên chống bạo động đã không vấp phải sự chống trả nào khi họ dỡ bỏ một khu trại rộng lớn của người biểu tình ở khu vực phố cổ của thủ đô Bangkok, gần với Tòa nhà Chính phủ (tổ hợp văn phòng của Thủ tướng và các bộ trưởng trong nội các). Tòa nhà này đã bị người biểu tình chiếm đóng suốt từ tháng 12 năm ngoái đến giờ, buộc Thủ tướng Yingluck phải chuyển nơi làm việc đến các căn cứ quân sự và trụ sở của cảnh sát.
 
Cảnh sát đã dỡ bỏ những bao cát, lốp xe và những rào chắn mà người biểu tình dựng lên ở khu phố cổ gần Tòa nhà Chính phủ.
 
Đến giữa trưa, ông Chalerm Yubamrung – người phụ trách các chiến dịch an ninh đặc biệt của chính phủ Thái Lan, đã có thể tổ chức một cuộc họp báo ngay bên trong Tòa nhà Chính phủ. "Chúng tôi kêu gọi những người biểu tình hãy trở về nhà. Nếu họ không nghe, chúng tôi sẽ phải áp dụng thêm các biện pháp. Chúng tôi không thể để tình trạng này tiếp diễn. Đất nước chúng ta không thể hoạt động như thế này được”, ông Chalerm nói.
 
Cũng tại cuộc họp báo, ông Chalerm cho hay, yêu cầu của lực lượng biểu tình đòi tiến hành các cải cách chính trị sẽ được đáp ứng sau khi cuộc bỏ phiếu phụ được tiến hành ở những đơn vị bầu cử bị người biểu tình cản trở, phá rối. Một chính phủ mới sẽ tiến hành những thay đổi trong vòng 18 tháng và sẽ từ chức để mở đường cho một cuộc bỏ phiếu mới, ông Chalerm đề xuất. "Tuy nhiên, chúng tôi phải hoàn tất cuộc bầu cử vừa rồi trước đã và sau đó tất cả mọi người đều có thể tham gia” vào cuộc cải cách.
 
Tuy dễ dàng giành lại khu vực phố cổ ở thủ đô, cảnh sát Thái Lan vẫn rút khỏi một cuộc đối đầu với lực lượng biểu tình ở một địa điểm khác sau khi xảy ra một cuộc đụng độ nhỏ. Cảnh sát cũng không có động thái dấn thêm đến những khu vực biểu tình lớn nhất ở các giao lộ nằm trong các quận trung tâm mua sắm và thương mại.
 
"Chiến lược của chúng tôi là thực hiện chiến dịch một cách chậm rãi, từ những khu vực bên ngoài trung tâm thủ đô rồi tiến dần vào các khu vực biểu tình chính", cảnh sát trưởng quốc gia Thái Lan – ông Adul Saengsingkaew cho biết.
 
"Chúng tôi không giải tán người biểu tình hay sử dụng vũ lực. Chúng tôi sử dụng chiến thuật chính của mình là đàm phán”, ông Adul nói.
 
Liệu có thỏa thuận ngầm giữa Thủ tướng Yingluck và thủ lĩnh biểu tình?
 
Ông Chalerm cho biết, việc chiếm lại được khu vực xung quanh Tòa nhà Chính phủ ngày hôm qua đã cho thấy chính phủ có kế hoạch như thế nào trong việc xử lý những cuộc biểu tình.
 
Chiến dịch của cảnh sát không kéo dài lâu. Lực lượng này đã rút đi, rõ ràng là để tránh đụng độ với những người biểu tình sau khi họ quay trở lại một địa điểm chưa bị tháo dỡ gần Tòa nhà Chính phủ. Và khoảng 1.000 người biểu tình đã kéo đến tụ tập bên ngoài trụ sở của cảnh sát Bangkok sau chiến dịch. Sau khi cảnh sát rút đi, người biểu tình đã dựng lại các lều trại. Cảnh sát cũng rút khỏi một địa điểm biểu tình khi người biểu tình kiên quyết không rời đi.
 
Tuy nhiên, đây là hành động ra tay thật sự đầu tiên của lực lượng cảnh sát Thái Lan và nó đã được thực hiện mà không hề xảy ra tình trạng bạo lực. Điều này giúp đem lại hình ảnh đẹp cho cảnh sát. Trong những cuộc đụng độ trước đây, người biểu tình thường tìm cách đổ lỗi cho cảnh sát đã gây ra tình trạng thương vong với mục đích rõ ràng là để tuyên truyền dù rằng cả hai bên đều dùng đến vũ lực.
 
Giới thủ lĩnh biểu tình Thái Lan đã lên án việc cảnh sát phát động chiến dịch dẹp người biểu tình đúng vào ngày lễ Phật giáo và trùng vào ngày Lễ Tình nhân. "Những người vợ của các bạn không còn yêu các bạn nữa bởi các bạn đã làm điều này trong ngày hôm nay”, ông Buddhipongse Punnakanta – một thủ lĩnh biểu tình, cho biết khi lên tiếng kêu gọi những người biểu tình quay trở lại khu trung tâm thương mại ở Bangkok để tiếp tục chiến dịch của họ.
 
Trong lúc này, một vài người bắt đầu đặt dấu hỏi về phản ứng của lực lượng biểu tình trước chiến dịch ra tay của cảnh sát. Việc người biểu tình không chống cự, không phản ứng khi cảnh sát giải tỏa khu vực phố cổ có thể là dấu hiệu cho thấy đã có các cuộc đàm phán ngấm ngầm, bí mật giữa chính phủ của Thủ tướng Yingluck và thủ lĩnh biểu tình. Hai bên có thể đang tìm kiếm một giải pháp ngắn hạn giúp họ cứu vãn thể diện, ông Yuttaporn Issarachai – một nhà khoa học chính trị ở trường Đại học Mở Sukhothai Thammathirat của Thái Lan, đã nhận định như vậy. Giải tán được một cuộc biểu tình nhỏ cho thấy chính phủ vẫn còn quyền hành trong khi giới thủ lĩnh biểu tình có thêm thời gian để sắp xếp lại chiến lược của họ.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc