Italia: Kết cục cay đắng cho vị cựu Thủ tướng

12:40, 28/11/2013
|

(VnMedia) - Thượng viện Italia hôm qua (27/11) đã quyết định trục xuất vị chính khách từng 3 lần làm Thủ tướng nước này – ông Silvio Berlusconi, ra khỏi Quốc hội vì “tội trốn thuế”. Quyết định này hiện tại sẽ chấm dứt hai thập kỷ liên tiếp ông Berlusconi có chân trong Quốc hội nhưng không có nghĩa là dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị lắm vinh quang và cũng đầy sóng gió của ông này.
 

 Ảnh minh họa

 Cựu Thủ tướng Berlusconi


Thượng viện Italia hôm qua đã bỏ phiếu đồng ý tước ghế của cựu Thủ tướng Berlusconi trong Quốc hội sau khi toà án cao nhất của nước này chính thức kết tội ông Berlusconi trốn thuế.
 
Đảng Dân chủ theo đường lối trung tả của Thủ tướng Enrico Letta cùng với Đảng Tự do, Sinh thái và Cánh Tả và Phong trào Năm Sao đã ủng hộ quyết định trên của Thượng viện.
 
Trong khi đó, Đảng Forza Italia (FI) theo đường lối trung hữu vừa mới hồi phục của ông Berlusconi cùng với phong trào chính trị mới của Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Nội vụ Angelino Alfano vừa tách khỏi FI cũng như Liên đoàn Phía Bắc cánh hữu bỏ phiếu chống lại việc trục xuất cựu Thủ tướng ra khỏi Quốc hội.
 
Cuộc bỏ phiếu trên được tiến hành theo luật chống tham nhũng vừa được Italia phê chuẩn hồi năm ngoái, trước khi toà án tối cao đưa ra phán quyết với mức án 4 năm tù giam, giảm xuống còn một năm theo lệnh ân xá, cho vị cựu Thủ tướng 77 tuổi vì tội trốn thuế khi mua bản quyền các bộ phim cho đài truyền hình của ông.
 
Phán quyết trên là bản án dứt khoát đầu tiên được đưa ra nhằm vào ông Berlusconi sau hai thập kỷ diễn ra các cuộc đấu pháp lý căng thẳng giữa ông này với những thành phần đối lập. Cựu Thủ tướng Berlusconi đã quá già để đi tù theo luật Italia và ông yêu cầu được làm công tác xã hội thay vì bị quản thúc tại gia.
 
Ông Berlusconi vẫn còn đang tham gia kháng cáo đối với án phạt ông 7 năm tù giam vì tội quan hệ tình dục với một gái nhảy tuổi vị thành niên và lạm dụng quyền lực để che đậy vụ việc. Chưa hết, cựu Thủ tướng còn bị đối mặt với án tù một năm vì tội công bố những đoạn băng nghe trộm một cách bất hợp pháp. Ông này cũng bị cáo buộc đút lót một Thượng nghị sĩ.
 
Sự thách thức của ông Berlusconi
 
Phản ứng trước động thái mới nhất của Thượng viện, vị chính khách từng 3 lần giữ chức Thủ tướng của Italia thề rằng, ông sẽ tiếp tục ở lại chính trường để đấu tranh.
 
Ông Berlusconi cho rằng, sự việc vừa xảy ra với ông thực chất là “một cuộc đảo chính” và cáo buộc Đảng Dân chủ (PD) của Thủ tướng đương nhiệm Enrico Letta “đầu độc nền chính trị".
 
Phát biểu trước đám đông người ủng hộ gần dinh thự của ông ở Rome, cựu Thủ tướng Berlusconi tái khẳng định quan điểm rằng, ông luôn luôn là nạn nhân của bộ máy pháp luật theo đường lối cánh tả. Trước đó, đảng FI của ông đã tuyên bố tách ra khỏi liên minh cầm quyền và trở thành thành phần đối lập với chính phủ.
 
Trong một động thái thể hiện sự thách thức mạnh mẽ, ông Berlusconi tuyên bố trước hàng ngàn người biểu tình đang vẫy cờ, hò reo ở bên ngoài dinh thự của ông này rằng, ngày hôm qua là “ngày để tang cho nền dân chủ” của Italia.
 
Mặc dù cựu Thủ tướng Berlusconi không còn ghế trong Quốc hội Italia nhưng ông này được cho là vẫn có ảnh hưởng lớn đến chính trường trong nước. Ông Berlusconi đã xây dựng lại đảng FI của mình và vẫn đang nắm trong tay hàng triệu người ủng hộ trung thành.
 
Trong khi các luật sư của cựu Thủ tướng Berlusconi đang thảo luận, bàn bạc về những thách thức pháp lý cũng như việc các đồng minh của ông này đang chuyển sang phe đối lập của Italia thì những người ủng hộ vị cựu lãnh đạo cũng tụ tập về trước cửa dinh thự của ông cho một cuộc mít tinh mà giới phân tích tin rằng sẽ là một sự khởi đầu cho chiến dịch bầu cử tiếp theo của Italia.
 
Cựu Thủ tướng Italia thề sẽ tiếp tục theo đuổi vai trò của mình như một vị lãnh đạo chính trị. Ông đã chỉ ra nhiều ví dụ về các vị chính khách không có mặt trong Quốc hội nhưng vẫn có thể là ứng cử viên tương lai của chức Thủ tướng Italia như ông Beppe Grillo – nhà sáng lập ra Phong trào Năm Sao hay ông Matteo Renzi của Đảng Dân chủ.
 
"Từ bên ngoài Quốc hội, chúng ta vẫn có thể tiếp tục cuộc đấu tranh cho tự do”, ông Berlusconi tuyên bố thêm.
 
Những người ủng hộ cựu Thủ tướng Berlusconi đã được xem một cuốn phim dựng lại về những dấu mốc chính trị đáng nhớ nhất của ông, bắt đầu từ  năm 1994 khi ông này lần đầu tiên lên cầm quyền. Cựu Thủ tướng Italia khẳng định, dù không còn là một Thượng nghị sĩ, ông vẫn tiếp tục là một lực lượng mà các đối thủ khác phải dè chừng.
 
"Đối với chúng tôi, ông ấy vẫn luôn ở đó. Luật pháp không công bằng với tất cả mọi người. Đó là thứ luật pháp không ra gì. Ông ấy là lãnh đạo duy nhất của chúng tôi. Ông ấy cũng là người duy nhất có thể đưa Italia tiến lên phía trước”, bà Marilda Antonello – một người ủng hộ ông Berlusconi, đã nói như vậy.
 
Giới phân tích nhận định, cựu Thủ tướng Berlusconi có thể không lật đổ được chính phủ hiện tại của Đảng Dân chủ nhưng ông đủ sức mạnh và ảnh hưởng để gây khó dễ rất lớn cho đảng cầm quyền.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc