Ý kiến chuyên gia: Nhật phải học cách không dựa dẫm Mỹ

08:22, 20/06/2013
|

(VnMedia) - Nhật Bản phải học cách dựa dẫm ít hơn vào đồng minh Mỹ và tự chịu trách nhiệm về các cuộc tranh chấp lãnh thổ của nước này. Đây là lời khuyên vừa được một học giả Nhật Bản đưa ra hồi tuần trước.
 

 Ảnh minh họa

 Nhật Bản sở hữu một trong những hạm đội mạnh nhất thế giới


Bàn về mối quan hệ phức tạp giữa Bắc Kinh và Tokyo trong một cuộc hội thảo thẳng thắn ở trường Đại học Auckland hồi tuần trước, Giáo sư Noboru Yamaguchi đến từ Học viện Quốc phòng Nhật Bản đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải xây dựng một lực lượng quân đội mạnh đủ để hạn chế được sự bành trướng của Trung Quốc.
 
Khi được hỏi liệu vấn đề tự chịu trách nhiệm mà ông Yamaguchi nhắc đến ở trên có đồng nghĩa với việc Nhật Bản sẽ đầu tư mạnh tay hơn vào việc thiết lập một hạm đội tàu chiến lớn hơn, Giáo sư Yamaguchi cho rằng, quân đội Nhật Bản cần phải có đủ lực để chống lại bất kỳ mối đe dọa nào đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này.
 
Hải quân Nhật Bản vốn đã sở hữu một trong những hạm đội mạnh nhất thế giới bất chấp những giới hạn được đưa ra trong hiến pháp hòa bình của nước này về vấn đề chi tiêu quốc phòng và năng lực quân sự.
 
Trong khi sự nổi lên của Trung Quốc ở Châu Á-Thái Bình Dương giúp tăng cường nền kinh tế cho cả khu vực thì Giáo sư Yamaguchi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì “trò chơi có tổng không bằng không” với Bắc Kinh. Trò chơi này có nghĩa là tất cả những người chơi đều có lợi. Ông Yamaguchi cho rằng, các bên cần tránh để trò chơi của họ rơi vào tình trạng “một mất một còn”.
 
Một số điểm nóng ở Châu Á-Thái Bình Dương đang trở thành trung tâm chú ý của cộng đồng thế giới. Các quần đảo tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông cũng như việc tiếp cận với những vùng biển này đang gây ra những cơn sóng gió lớn và có thể tiến tới khả năng không thể kiềm chế hay kiểm soát được. Trong đó, tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là đặc biệt nóng bỏng, dễ bùng nổ thành xung đột.
 
Rắc rối ở vùng biển “nóng”
 
Tình thế mong manh ở biển Hoa Đông càng trở nên đáng lo ngại bởi một số nhân tố. Và giống như Giáo sư Yamaguchi, nhiều chuyên gia quốc phòng Nhật Bản lo ngại, sức mạnh quân sự của Trung Quốc có thể trở nên không thể kiểm soát. Hải quân của cả hai nước ở biển Hoa Đông đang ngày càng có nhiều động thái hiếu chiến. Những “trò chơi” như thế được chứng minh là rất nguy hiểm, lúc nào cũng có thể đẩy hai nước vào một cuộc chiến thảm khốc.
 
Tokyo cũng nhận ra rằng, Mỹ không mong muốn dính líu vào cuộc tranh chấp lãnh thổ đầy nguy hiểm của Nhật Bản với Trung Quốc. Dù bị ràng buộc chính thức phải bảo vệ Nhật Bản theo hiến pháp Nhật Bản, Mỹ tuyên bố giữ lập trường trung lập trong vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
 
Mặc dù vậy, Washington vẫn có trách nhiệm bảo vệ Nhật Bản với một số điều kiện nhất định. Đầu tiên, để can thiệp vào bất kỳ cuộc tranh chấp đảo nào, Washington phải tin tưởng rằng quần đảo đó hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản. Tuy nhiên, Washington có vẻ không hoàn toàn chắc chắn vào điều này. Thứ hai, Mỹ phải thực hiện sự can thiệp đó chung với quân đội Nhật Bản. Nhiệm vụ này đòi hỏi Mỹ phải điều chỉnh rất nhiều xét về năng lực của Hải quân nước này. Và điều kiện thứ ba là, quần đảo tranh chấp đó phải bị tấn công. Điều kiện cuối cùng này không bao gồm hành động đổ bộ gần đây của dân thường Trung Quốc lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để cắm cờ và hát quốc ca. Mỹ chỉ bị lôi vào cuộc tranh chấp ở đây nếu hành động khiêu khích của phía Trung Quốc mạnh mẽ hơn.
 
Với những lý do trên, vị giáo sư người Nhật cho rằng, nước ông cần phải tự mình xây dựng quân đội mạnh để giảm sự phụ thuộc quá mức vào Mỹ.
 
Vì quần đảo tranh chấp ở xa hệ thống radar cảnh báo sớm được đặt trên mặt đất của cả Nhật và Trung Quốc – cách Nhật Bản khoảng 200km và Trung Quốc là gần 300km, nên Giáo sư Yamaguchi cho rằng, cả hai nước đều cần phải liên tục giám sát tình hình. Điều này dễ dàng hơn cho Nhật Bản xét về mặt khoảng cách địa lý. Tuy nhiên, việc Trung Quốc đẩy mạnh chương trình phát triển tàu sân bay có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh trong khu vực và cho Bắc Kinh nhiều lựa chọn hơn ở những vùng biển xa hơn.
 
Một ví dụ là khi một máy bay của Trung Quốc xâm nhập vào không phận Nhật Bản cách đây vài tháng, tàu của Nhật Bản đã phát tín hiệu báo động nhưng phải mất 15-20 phút thì các chiến đấu cơ của họ mới đến được khu vực. Đến lúc đó thì máy bay của Trung Quốc đã hoàn thành nhiệm vụ một cách dễ dàng.
 
Giáo sư Yamaguchi cho rằng, nếu máy bay do thám trên của Trung Quốc hoạt động từ một tàu sân bay gần đó thì kết quả còn đáng ngại hơn nhiều.
 
Ông Yamaguchi cũng miêu tả vụ tàu Nhật Bản chĩa radar tên lửa vào tàu Trung Quốc là một giai đoạn mới trong trò chơi nguy hiểm trên những vùng biển nóng.
 
Khi Tokyo chính thức đối đầu với Bắc Kinh về vụ việc, các quan chức Trung Quốc đã thẳng thừng phủ nhận cáo buộc. Giáo sư Yamaguchi cho rằng, sự phủ nhận đó là một tín hiệu tích cực bởi nó cho thấy Trung Quốc không có ác ý với Nhật Bản. Ông Yamaguchi giải thích, nếu Bắc Kinh chọn cách tiến hành các hành động thù địch công khai với Tokyo thì mối quan hệ giữa hai nước sẽ rất nguy hiểm.
 
Giáo sư Yamaguchi miêu tả mình là một người lạc quan và xem chuyến công du nước ngoài chính thức đầu tiên của ông Obama đến Nhật Bản hồi năm 2008 là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang ngày càng trở nên quan trọng.
 
Chìa khóa cho một thế kỷ hòa bình là tìm kiếm những lĩnh vực mà các cường quốc lớn có thể hợp tác được với nhau thay vì căng thẳng. Ông Yamaguchi tin rằng, mục tiêu trên có thể đạt được nếu các bên duy trì và phát triển sự tin tưởng lẫn nhau cũng như sự minh bạch, công khai.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc