Triều Tiên không "nghe" Trung Quốc, chẳng "ngại" cộng đồng quốc tế?

14:20, 16/04/2013
|

(VnMedia) - Nếu các báo cáo tình báo Mỹ mới nhất là đúng sự thật thì CHDCND Triều Tiên đang có kế hoạch thử tên lửa không chỉ một lần mà nhiều lần. Các hành động khiêu khích sắp tới của Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un là không thể đoán trước được.
 
Ông Kim Jong Un đến giờ đã từ chối lắng nghe cộng đồng quốc tế, khiến nhiều người tự hỏi liệu ai có thể thu hút được sự quan tâm của Nhà lãnh đạo này và xoa dịu cuộc khủng hoảng đang bùng lên trên bán dảo Triều Tiên. Mọi con mắt của thế giới chính trị đang mong chờ vào Trung Quốc.

Ảnh minh họa
Lực lượng bán quân sự Trung Quốc dựng hàng rào gần cột mốc biên giới Trung - Triều ở tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc. Hàng chữ trên mốc ghi : "Biên giới Trung - Triều". Ảnh chụp tháng 12/2012, AP.

Thâm tình phai nhạt?
 
Giới phân tích tin rằng, trong số các cường quốc khu vực, Trung Quốc là nước có đòn bẩy tiềm năng lớn nhất đối với đồng minh truyền thống của họ - CHDCND Triều Tiên.

Nhiều chục năm trước, Trung Quốc và Triều Tiên đã xây đắp mối thâm tình dựa trên tương quan lịch sử và mối dây về ý thức hệ. Sự tồn tại của Triều Tiên ngày nay dựa vào sự giúp đỡ của Trung Quốc nhiều chục năm trước. Trong chiến tranh Triều Tiên, đội Chí nguyện quân mà Bắc Kinh điều sang giúp đỡ Bình Nhưỡng lên đến gần triệu người.

Trong những năm đó, Trung Quốc luôn là hậu phương vững chắc cung cấp cho CHDCND Triều Tiên nhiên liệu, thực phẩm và các nguồn lực khác. Trung Quốc có thể ngừng làm điều này bất cứ lúc nào nhưng họ đã không làm như vậy.
 
Ông Sunny Lee - một nhà phân tích, nhận định, Trung Quốc đã thử dùng chiến lược ngừng giúp đỡ đối với CHDCND Triều Tiên năm 2002 và một lần nữa vào năm 2006. "Họ đã thử và nhận ra rằng chiến lược đó chẳng để làm gì", ông Lee cho biết.
 
Hơn nữa, nếu ngừng viện trợ cho Triều Tiên, Trung Quốc cũng lo ngại viễn cảnh hàng triệu người tị nạn chết đói đổ xô vào Trung Quốc qua biên giới dài 1.400 km (880 dặm) giữa hai nước này. Trung Quốc còn sợ cả viễn cảnh một đất nước Triều Tiên dưới sự kiểm soát của Hàn Quốc - một đồng minh thân cận của Mỹ.
 
Trong khi đó, theo học giả Lee, Trung Quốc lại có thể thu lợi từ hiện trạng chính sách “bên miệng hố chiến tranh” của Triều Tiên. "Khi Triều Tiên xảy ra chuyện, đại sứ Mỹ sẽ cùng với đại sứ Trung Quốc gặp nhau ở Liên Hiệp Quốc để đối thoại trực tiếp. Điều này giúp nâng cao vị thế quốc tế của Trung Quốc. Có vẻ như, Trung Quốc đang trở thành một đối tác toàn cầu được tôn trọng hơn”, ông phân tích.
 
Tuy nhiên, ông Lee cho rằng, cả Mỹ cũng sẽ được lợi nếu kịch bản xấu nhất xảy ra trên bán đảo Triều Tiên. "Mỹ có thể gây áp lực với Hàn Quốc để tham gia hệ thống phòng thủ quân sự của mình đồng thời có thể  bán được nhiều vũ khí tiên tiến hơn cho Hàn Quốc, một món lời rất lớn."
 
Trung Quốc, gần đây, trước những động thái "choáng váng" của Triều Tiên, cũng đã tỏ ra không hài lòng. Tại một diễn đàn quốc tế hồi tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tươi cười bắt tay các đối tác đến từ khắp nơi, nhưng những lời phát biểu ông có ý dành cho người hàng xóm thân cận - Triều Tiên - hết sức gay gắt.
 
"Không một quốc gia nào được phép đẩy một khu vực vào hỗn loạn chỉ vì những lợi ích ích kỷ của mình", ông tuyên bố. Ông không nhắc tên cụ thể một cuộc gia nào nhưng giới phân tích nhận định đây như một lời nhắc nhở của Trung Quốc đối với đồng minh “ương ngạnh” của mình.
 
 
Trung Quốc còn đủ tầm ảnh hưởng đối với Triều Tiên?

 
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hồi cuối tuần qua đã tới thăm Trung Quốc để nhờ cậy đến Bắc Kinh đưa ra biện pháp giúp “khuyên bảo” người hàng xóm “ương ngạnh” này.
 
"Tất nhiên Trung Quốc sẽ sử dụng ảnh hưởng của họ. Câu hỏi đặt ra là liệu Bình Nhưỡng có lắng nghe lời khuyên của họ?", ông Jon Huntsman, cựu đại sứ Mỹ ở Trung Quốc, nói với phóng viên Wolf Blitzer của CNN. 
 
Ông Blitzer cho rằng, Trung Quốc ngày nay cũng có ít ảnh hưởng với Triều Tiên.
 
"Kinh tế Triều Tiên bắt đầu được gây dựng bởi chính những người dân và ngày càng ít mối quan hệ cá nhân ở cấp cao lãnh đạo giữa hai nước thời gian gần đây" ông nói.
 
Hiện giờ, không một nhà lãnh đạo cấp cao nào từ phía Trung Quốc còn gặp lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong Un nữa. Cuối tháng 11, Trung Quốc đã phái ông Li Jianguo, một quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản tới Triều Tiên trong một nỗ lực cuối cùng để thuyết phục ông Kim từ bỏ kế hoạch thử nghiệm hạt nhân của mình. Nhưng rồi ông Li đã thất bại. Kể từ đó, không có trao đổi cấp cao nào được tiến hành giữa hai đồng minh.


Trịnh Quân - (Theo CNN)

Ý kiến bạn đọc