Siêu tên lửa hủy diệt của Nga lại gặp trục trặc

09:03, 22/09/2012
|

(VnMedia) - Lỗi phần mềm trong hệ thống điều khiển phóng tên lửa tự động trên các tàu ngầm chiến lược lớp Borey là nguyên nhân khiến cho vụ thử siêu tên lửa tối tân Bulava mới nhất buộc phải hoãn lại, Bộ trưởng Quốc phòng Nga – ông Anatoly Serdyukov hôm qua (21/9) cho biết.
 
“Có một số vấn đề liên quan đến phần mềm trong hệ thống điều khiển phóng tự động và chúng tôi đang cố gắng khắc phục những trục trặc đó”, ông Serdyukov cho các phóng viên biết.
 
Bộ trưởng Quốc phòng Nga bày tỏ hy vọng, vụ thử nghiệm tên lửa Bulava sắp tới từ tàu ngầm lớp Borey thứ hai - Alexander Nevsky sẽ có thể được tiến hành trước cuối năm nay. Trước đó, tất cả các vụ thử nghiệm siêu tên lửa Bulava đều được tiến hành từ tàu ngầm lớp Typhoon - Dmitry Donskoy và tàu ngầm lớp Borey đầu tiên - Yuri Dolgoruky.
 
Bulava là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Đây là loại tên lửa 3 giai đoạn dùng nhiên liệu đẩy rắn. Tên lửa này nặng 36,8 tấn, có thể mang từ 6 tới 10 đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn lên tới hơn 8.000km. Một tên lửa Bulava có sức công phá khủng khiếp gấp 100 lần vụ nổ phá hủy thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945.
 
Nga muốn phát triển Bulava thành tên lửa chiến lược chính của Hải quân Nga và cũng là thứ vũ khí trụ cột trong kho hạt nhân của nước này. Dự án phát triển tên lửa Bulava (SS-NX-30) là một trong những dự án vũ khí đắt nhất của Nga và cũng là một trong những dự án vũ khí gây tranh cãi nhất của Nga bởi quá trình phát triển tên lửa Bulava gặp rất nhiều trục trặc.
 
Nhiều chuyên gia quân sự từng hoài nghi về dự án phát triển tên lửa Bulava sau những lần thử nghiệm ban đầu liên tiếp thất bại. Trong số gần 20 vụ thử tên lửa Bulava, có tới hơn một nửa vụ thất bại. Một số nhà phân tích tin rằng, con số vụ thử tên lửa Bulava thất bại trên thực tế còn cao hơn nhiều. Tuy nhiên, rất may là những lần thử tên lửa Bulava liên tiếp gần đây đều thành công nên sự hoài nghi về khả năng “sống sót” của loại siêu tên lửa này đã phần nào được dập tắt.
 
Mặc dù vậy, việc đưa tên lửa Bulava vào biên chế của Lực lượng Hải quân không phải không có khó khăn. Sau khi Bộ Quốc phòng Nga thông báo về việc đưa tên lửa Bulava vào phục vụ trong biên chế quân đội hồi đầu năm nay, đã có một số ý kiến phản đối. Chuyên gia quân sự Viktor Baranets từng phát biểu trên tờ nhật báo Kommersant rằng, việc đưa tên lửa Bulava vào sử dụng trong thời điểm hiện tại là hành động “bất cẩn” và “nguy hiểm” bởi tên lửa này chưa được phát triển hoàn thiện. “Trong tình hình hiện nay, tên lửa Bulava có thể nguy hiểm cho Hải quân Nga hơn là cho hải quân của kẻ thù”, ông Baranets nhận định.
 
Bất chấp hoài nghi trên, Nga vẫn quyết định đưa siêu tên lửa Bulava của mình vào “trực chiến”.


Kiệt Linh - (theo RIA)

Ý kiến bạn đọc