Hải quân Trung Quốc tăng cường sức mạnh

17:45, 28/05/2012
|

(VnMedia) - Trung Quốc đang tích cực tăng cường sức mạnh cho lực lượng Hải quân giữa lúc căng thẳng về chủ quyền lãnh hải giữa Philippines và Trung Quốc đang chưa có dấu hiệu lắng dịu.

Thông tin trên vừa được tờ Manila của Philippines dẫn nguồn một tuyên bố của lực lượng Giám sát Hải dương Trung Quốc (CMS) đưa ra hôm nay (27/5).

 

Tăng cường sức mạnh hải quân

 

Theo tuyên bố mà lực lượng này đưa ra hồi đầu tháng 5 vừa qua, đến năm 2013 sẽ có 36 tàu hải quân mới gia nhập hạm đội giám sát biển của Trung Quốc. Lực lượng tàu chiến mới được trang bị cho hạm đội CMS được cho là sẽ bao gồm 7 tàu loại 1500 tấn, 15 tàu hạng 1000 tấn và 14 tàu hạng 600 tấn. Theo CMS, việc phát triển và chế tạo loạt tàu hạng 600 tấn đã bắt đầu được khởi công từ ngày 8/5.

 

Được biết, những loại tàu có trọng tải 1000 tấn trước đó của CMS đã chứng minh được giá trị của chúng với khả năng hoạt động liên tục trên biển hơn 1 tháng dòng.

Kế hoạch tăng cường và phân bổ loạt tàu chiến mới tới 14 tỉnh, khu vực tự trị và thành phố dọc đường biển của Trung Quốc cho thấy nước này đang muốn bành trướng sức mạnh cũng như tầm kiểm soát của mình trên các vùng lãnh hải tranh chấp.

 

Bên cạnh lực lượng Hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLAN), Trung Quốc còn đang duy trì hoạt động của các cơ quan hành pháp hàng hải như: CMS, Cục Cảnh sát Hàng hải Kiểm soát Biên giới (BCD), Sở An toàn Hàng hải, Sở Chỉ huy và Hành luật Hàng Hải. Mỗi cơ quan có một chức năng và nhiệm vụ khác nhau, nhưng đều phục vụ cho mục đích bảo vệ lợi ích đường biển của Trung Quốc.

 

Lực lượng hải quân Trung Quốc đã được tăng cường sức mạnh nhanh chóng trong suốt thập kỷ trước. Năm 2005, CMS chỉ mới có 91 tàu tuần tra và 4 chiến đấu cơ do thám. Tuy nhiên, đến tháng 5/2011, CMS đã được trang bị tới 300 tàu tuần dương trong đó có tới 30 tàu có trọng tải hơn 1000 tấn. Đa phần số tàu mới được trang bị đều là tàu mới được chế tạo. Bên cạnh đó, CMS còn được trang bị thêm 6 chiến đấu cơ và 4 trực thăng.

Âm mưu bành trướng chủ quyền trên Biển Đông

 

Động thái tăng viện thêm 36 tàu tuần dương trên cho thấy tham vọng bành trướng sức mạnh của hải quân cũng như chủ quyền trên Biển Đông của nước này. Mặc dù tàu tuần tra của CMS không được trang bị vũ khí (Hiện nay chỉ có tàu của PLAN và BCD được trang bị vũ khí), nhưng động thái này cũng sẽ khiến các nước láng giềng đang có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc “nóng mắt”.

 

Mặc dù, Bắc Kinh luôn cố tìm cách chứng minh việc triển khai tàu quanh các vùng lãnh hải tranh chấp chỉ là những hoạt động tuần tra biển thông thường nhưng động thái tăng cường sức mạnh hải quân đã phần nào chỉ ra được tham vọng “trắng trợn” của nước này.

 

Tuyên bố tăng cường sức mạnh hải quân trên được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang “mắc cạn” trong cuộc tranh chấp chủ quyền với Philippines xung quanh bãi đá cạn Hoàng Nham/Scarborough trên Biển Đông. Các chuyên gia nhận định rằng, một Trung Quốc được trang bị sức mạnh hải quân hùng mạnh hơn sẽ làm tăng nguy cơ một cuộc xung đột quân sự trên vùng biển đầy “sóng gió” như Biển Đông.

Hôm qua (26/5), một tờ báo quân sự của Trung Quốc cũng một lần nữa công khai nhấn mạnh lại chủ quyền của nước này đối với bãi đá ngầm Hoàng Nham, đồng thời cảnh báo nước này sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ chủ quyền của mình, bất kể nước nào (kể cả Mỹ) “chống lưng” cho Philippines.

 

Sóng gió trong quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines bắt đầu nổi lên từ hôm 10/4, khi một máy bay do thám của Hải quân Philippines phát hiện 8 tàu đánh cá của Trung Quốc lượn lờ đánh bắt cá ở khu vực bãi cạn Scarborough, vốn đang nằm trong tranh chấp giữa hai nước. Vụ việc này đã dẫn đến một cuộc va chạm giữa tàu chiến lớn nhất của Philippines thuộc lớp Hamilton và hai tàu hải giám của Trung Quốc. Đây chính là mồi lửa châm ngòi cho cuộc tranh chấp căng thẳng và quyết liệt hiện nay giữa Manila và Bắc Kinh xung quanh bãi đá cạn Scarborough .

 

Mặc dù cả Manila và Bắc Kinh đều công khai cam kết sẽ giải quyết mối xung đột thông qua biện pháp ngoại giao, nhưng cho đến nay đã 7 tuần trôi qua, tình hình căng thẳng vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu, thậm chí ở một khía cạnh nào đó còn đang “sóng cồn dữ dội”. Hai bên đều đổ lỗi cho nhau là tác nhân khiến căng thẳng leo thang.

 

Bãi đá cạn Scarborough nằm cách đảo Luzon của Philippines chỉ khoảng 230km. Trong khi đó, khu vực đất liền gần nhất của Trung Quốc là tỉnh Hải Nam cũng cách bãi cạn Scarborough đến 1.200km. Cả hai quốc gia đều tuyên bố chủ quyền đối với vùng lãnh hải này. 


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc