Lộ trình Mỹ can dự vào tranh chấp Biển Đông

05:59, 26/04/2012
|

(VnMedia) - Trung Quốc và Philippine đang có cuộc đối đầu căng thẳng vì những tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Biển Đông. Cuộc đối đầu này đang trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết khi có sự can dự của Mỹ - siêu cường số 1 thế giới.
 
Quan hệ liên minh gắn bó giữa Mỹ và Philippine từ lâu đã khiến Trung Quốc luôn cảm thấy khó chịu và bất an. Sự khó chịu này ngày càng tăng lên khi gần đây Bắc Kinh chứng kiến sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ dành cho Philippine trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Thay vì giữ thái độ im lặng như mọi khi, giờ đây Washington đã thể hiện sự ủng hộ với người đồng minh Philippine của mình bằng cả lời nói lẫn hành động.
 
Từ lời nói...
 
Sóng gió bắt đầu nổi lên ở Biển Đông khi hôm 8/4 vừa rồi, một máy bay do thám của Hải quân Philippine phát hiện 8 tàu đánh cá của Trung Quốc lượn lờ đánh bắt cá ở khu vực bãi cạn Scarborough. Vụ việc này đã dẫn đến một cuộc va chạm giữa tàu chiến lớn nhất của Philippine thuộc lớp Hamilton và hai tàu hải giám của Trung Quốc. Tiếp theo vụ va chạm này là một loạt những diễn biến căng thẳng sau đó và kéo dài đến nay vẫn chưa chấm dứt. Trong cuộc đối đầu mới nhất này, người ta chứng kiến một Philippine cứng rắn hơn và quyết liệt hơn rất nhiều. Nhiều nhà phân tích cho rằng, sở dĩ Philippine phản ứng mạnh mẽ với Trung Quốc như vậy là vì nước này tự tin hơn khi có được sự hậu thuẫn vững chắc của cường quốc quân sự hàng đầu thế giới – Mỹ.
 
Trước đây, mỗi lần Philippine có cuộc đối đầu với Trung Quốc vì những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, Washington thường giữ một thái độ im lặng hoặc nhiều lắm là chỉ lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế, tìm kiếm một giải pháp ngoại giao. Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái, Mỹ đã dần thay đổi thái độ của nước này trước các cuộc tranh chấp giữa Philippine và Trung Quốc. Ban đầu chỉ là những lời nói mang tính ám chỉ, dần dần các quan chức Mỹ đã công khai tuyên bố sẽ bảo vệ Philippine trong cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
 
Người ta vẫn còn nhớ, hồi tháng 11 năm ngoái, trong một ngày nóng nực trên Vịnh Manila, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã tuyên bố trên tàu khu trục USS Fitzgerald rằng Mỹ sẽ chiến đấu bên cạnh Philippine. Tuyên bố này vào thời điểm đó được tin là lời ám chỉ của Washington về việc sẽ bảo vệ Manila trong các cuộc đối đầu với Bắc Kinh.
 
Nếu như tuyên bố hồi năm ngoái chỉ mang tính ám chỉ thì mới đây, vào thời điểm căng thẳng giữa Philippine và Trung Quốc đang leo thang nghiêm trọng vì một vụ va chạm tàu thuyền ở vùng tranh chấp, một tướng cấp cao của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương đã thẳng thừng tuyên bố sẽ bảo vệ Philippine trong tranh chấp ở Biển Đông.
 
Trong những phát biểu được cho là mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của một quan chức Mỹ về vấn đề Biển Đông, Chỉ huy Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ đóng tại Thái Bình Dương – Trung tướng Duane Thiessen cho biết, quan hệ Philippine-Mỹ được ràng buộc bởi một thỏa thuận quân sự. "Mỹ và Philippine đã ký một hiệp ước quốc phòng chung. Theo hiệp ước này, chúng tôi sẽ tham gia vào các hoạt động bảo vệ lẫn nhau", ông Thiesen đã tuyên bố như vậy trước các phóng viên ở Puerto Princesa.
 
Phát biểu trên của ông Thiessen được đưa ra sau khi có phóng viên đặt câu hỏi liệu Mỹ có giúp Philippine nếu nước này bị các lực lượng vũ trang Trung Quốc tấn công trong cuộc tranh chấp lãnh thổ xung quanh bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Như vậy, đây là lần đầu tiên Mỹ công khai thể hiện sự ủng hộ của nước này dành cho đồng minh Philippine trong cuộc chiến tranh chấp lãnh thổ căng thẳng ở khu vực Biển Đông.
 
... đến hành động
 
Không chỉ dừng lại ở lời nói, Washington đã bắt đầu có nhiều động thái thể hiện lập trường của họ đối với vấn đề Biển Đông.
 
Xét về sức mạnh quân sự, Philippine hiện đang thua rất xa so với nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc. Hiểu được điều này, Mỹ đang tích cực cấp vũ khí hiện đại cho Philippine để đối phó với Trung Quốc. Hồi tháng 12 năm ngoái, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ đã chuyển giao cho Philippine tàu chiến BRP Gregorio del Pilar. Đây là chiếc tàu chiến lớn nhất mà Philippine đang có trong tay. Manila đã điều con tàu này đến bãi cạn Scarborough hôm 8/4 vừa rồi để ngăn không cho tàu thuyền Trung Quốc đánh bắt cá ở khu vực mà họ cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippine.

Theo thông tin mới nhất, Washington cũng đã đồng ý cấp thêm cho Hải quân Philippine một tàu chiến thứ hai vào tháng tới nhằm giúp lực lượng này tăng cường khả năng phòng vệ.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama sắp tới, Tổng thống Philippine Benigno Aquino được cho là sẽ thúc giục Mỹ cấp thêm cho Philippine nhiều vũ khí tinh vi, hiện đại để củng cố sức mạnh quân sự của nước này.

Một trong những biểu hiện rõ nhất cho thấy Washington đang đứng về phía Philippine trong tranh chấp Biển Đông là nước này đã đưa hàng nghìn quân đến vùng biển tranh chấp để tập trận chung với các lực lượng của Manila.

Được biết, Mỹ đã triển khai 4.500 lính thủy đánh bộ và một loạt tàu chiến từ căn cứ ở đảo Okinawa, Nhật Bản đến hòn đảo Palawan của Philippine để tham gia cuộc tập trận kéo dài từ ngày 16 đến 27/4. Dù cả Mỹ và Philippine đều khẳng định cuộc tập trận chung giữa họ chẳng liên quan gì đến Trung Quốc nhưng việc liên minh quân sự này tiến hành các cuộc diễn tập chiếm lại đảo hoặc giàn khoan ở vùng Biển Đông không thể không khiến Bắc Kinh hoài nghi và tức giận.

Trung Quốc gần đây đã liên tục cảnh báo Philippine về việc lôi kéo Mỹ vào các cuộc tranh chấp Biển Đông đồng thời cảnh báo cuộc tập trận chung Mỹ-Philippine có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc xung đột vũ trang ở vùng biển này.
 
Sự can thiệp của Mỹ vào tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông được cho là sẽ còn sâu hơn nữa một khi nước này đưa quân vào đóng cố định tại Philippine. Theo nhiều nguồn tin tiết lộ, trong cuộc gặp với ông Obama vào cuối tháng này, Tổng thống Aquino được cho là sẽ đề nghị cho Mỹ đưa quân vào một căn cứ của Philippine ở Palawan, phía tây thủ đô Manila.

Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Biển Đông với một loạt nước gồm Philippine, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Biển Đông là khu vực giàu dầu mỏ, khí đốt và là nơi có nhiều tuyến đường hàng hải quan trọng. Bắc Kinh luôn khẳng định muốn giải quyết những cuộc tranh chấp này trong khuôn khổ song phương. Tuy nhiên, có vẻ như mong muốn này khó mà thực hiện được khi giờ đây Mỹ đã không còn ngại đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc