Tàu chiến Trung Quốc, Philippines đến Biển Đông

16:27, 25/04/2012
|

(VnMedia) - Cuộc đối đấu trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines đến nay đã bước sang tuần thứ 3 liên tiếp mà vẫn chưa tìm được lối thoát mà thậm chí còn đang có tiến triển xấu khi hai nước liên tục đưa ra những lời thách thức và cả những động thái thách thức sức mạnh quân sự. Để "thị uy" lẫn nhau, hai nước đã liên tiếp điều các tàu chiến hiện đại nhất của mình đến vùng biển tranh chấp.

"Cơn sóng thần" ập tới Biển Đông

Sóng gió bắt đầu nổi lên cuồn cuộn ở Biển Đông khi hôm 8/4 vừa rồi, một máy bay do thám của Hải quân Philippine phát hiện 8 tàu đánh cá của Trung Quốc lượn lờ đánh bắt cá ở khu vực bãi cạn Scarborough. Ngay lập tức, tàu chiến lớn nhất của Philippine thuộc lớp Hamilton đã đến khu vực để kiểm tra sự hiện diện của ngư dân Trung Quốc. Lực lượng Hải quân Philippine đã phát hiện nhiều san hô, sinh vật biển, trong đó có cá mập vẫn còn sống, trên một trong những con tàu của Trung Quốc.
 
Tuy nhiên, khi tàu Philippine chưa kịp ra tay hành động thì hai tàu hải giám của Trung Quốc đã nhanh chóng xuất hiện. Hai con tàu này ngang nhiên đi vào chắn giữa tàu của Hải quân Philippine và những con tàu đánh cá của Trung Quốc để ngăn không cho Philippine bắt giữ các ngư dân của họ.
 
Vụ việc lùm xùm trên chưa được giải quyết thì chỉ hơn một tuần sau đó, vào ngày 17/4, tàu hải giám và máy bay tuần tra của Trung Quốc lại bị tố ngăn cản tàu nghiên cứu khảo cổ của Philippine đang làm việc tại bãi cạn Scarborough. 

Tranh chấp trên bãi đá Scarborough là sự kiện mới nhất và căng thẳng nhất trong chuỗi các sự kiện giữa Philippines và Trung Quốc xoay quanh tranh chấp chủ quyền tại một số khu vực trên Biển Đông. Đây là vùng biển được cho là có trữ lượng khí đốt và dầu mỏ lớn.
   
Đây là một bãi đá cạn hình móng ngựa không có người sinh sống và cách đảo lớn Luzon của Philippines khoảng 230 km về phía tây. Cả Philippines và Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền với bãi đá này.

 
Vụ việc trên đã kéo theo một loạt những động thái căng thẳng sau đó của hai nước này. 
  
Cuộc đối đầu của các tàu chiến siêu hạng

Không dừng lại ở lời nói, cả Philippine và Trung Quốc còn có những động thái rất quyết liệt và cứng rắn trong cuộc đối đầu lần này.
 
Để “thị uy” lẫn nhau, Bắc Kinh và Manila đã liên tiếp triển khai tàu chiến, tàu tuần tra hiện đại đến khu vực tranh chấp.  
 
Nổi bật nhất là tàu chiến lớn nhất của Philippines – tàu BRP Gregorio del Pilar
 
Chiếc tàu lớp BRP Rajah Humabon, nay được đổi tên là BRP Gregorio del Pilar đã “đầu quân” cho lực lượng hải quân Philippines từ cuối năm 2011.
 
Chiếc tàu lớp Hamilton dài 115 mét này là tàu tuần tra đã được tu bổ của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ mà Philippines đã được thoả thuận mua lại hồi tháng 3/2011. Philippines đã mua lại tàu chiến này của Mỹ với giá khoảng 10 triệu USD.
 
Theo các quan chức quân sự ở Manila, tàu del Pilar cho đến gần đây vẫn được coi là loại lớn nhất, được thiết kế như một tàu chiến có khả năng chịu đựng thời tiết khắc nghiệt cao.
 
Con tàu này được trang bị hai tuabin 1.800 mã lực có thể đạt tới tốc độ 52 km/giờ. Tàu chạy bằng động cơ diesel kết hợp với tuabin gas và có một bãi đáp trực thăng, và nhiều phương tiện khác .
 
Còn để “đối trọng” với tàu chiến lớn nhất này của Philippine, Trung Quốc cũng điều một tàu chiến tân tiến nhât của mình tới vùng biển tranh chấp để “bảo vệ các hoạt động sản xuất của ngư dân Trung Quốc” trên ngư trường Biển Đông.
 
Đó là tàu Ngư chính 310. Tàu này nặng 2.580 tấn được trang bị với nhiều công nghệ hiện đại nhất. Đây là tàu tiên tiến nhất của Trung Quốc hiện nay, thực hiện nhiệm vụ tuần tra biển.
 
Đây là tàu có tốc độ nhanh nhất trong số các tàu ngư chính của Trung Quốc, với tốc độ tối đa khoảng 40 km/giờ. Tàu có trang bị bãi đáp đủ cho hai máy bay trực thăng. Ngư Chính 310 có hệ thống liên lạc vệ tinh và theo dõi bằng quang điện.

Trên thực tế, vụ việc hôm 8/4 và 17/4 không phải là lần đầu tiên xảy ra giữa tàu thuyền Philippine và Trung Quốc ở khu vực tranh chấp Biển Đông. Đã có rất nhiều những vụ đụng độ căng thẳng như vậy xảy ra trong những năm trở lại đây. Tuy nhiên, trong những lần va chạm trước đây, lần nào sóng gió cũng nổi lên nhưng sau đó, hai bên đều tìm cách dàn xếp ổn thỏa và Biển Đông lại trở về trạng thái “sóng yên biển lặng”.

Bên cạnh đó, các tàu chiến của hải quân Mỹ cũng đang ở khu vực này cùng tập trận với Philippine


Đan Khanh - (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc