Đòn tấn công toàn cầu của Mỹ khiến đối thủ không thể đáp trả?

10:59, 13/10/2017
|

(VnMedia) - Bộ Quốc phòng Nga cho rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ được thiết kế để cung cấp cho Washington năng lực có thể phát động “một cuộc tấn công chớp nhoáng toàn cầu” mà không sợ bất kỳ sự đáp trả nào. Điều này phải chăng đồng nghĩa với việc, một khi Mỹ ra đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu, mọi đối thủ của Mỹ đều sẽ không kịp trở tay?

Hệ thống THAAD
Hệ thống THAAD

Việc Mỹ sở hữu năng lực đáng sợ như trên là lý do thúc đẩy các nước khác lao vào tăng cường và nâng cấp kho vũ khí của mình, gây ra một cuộc chạy đua vũ trang, Bộ Quốc phòng Nga nhận định.

“Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ là một tác nhân kích động cuộc đua phát triển năng lực tên lửa trên khắp thế giới, vì thế trên thực tế đã châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga – Đại tá Aleksandr Emelyanov đã phát biểu như vậy tại cuộc họp báo quân sự chung giữa Nga và Trung Quốc được tổ chức bên lề cuộc họp của ủy ban chuyên giám sát các vấn đề an ninh quốc tế và giải trừ vũ khí của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Hệ thống phòng thủ tên lửa là một phần có tầm quan trọng không thể thiếu trong năng lực “tấn công chớp nhoáng toàn cầu” mà Mỹ đang xây dựng. Năng lực này sẽ giúp Mỹ có thể nhằm mục tiêu vào bất kỳ đối thủ nào trên thế giới, trong đó có Nga và Trung Quốc, Đại tá của Nga giải thích.

Vì vậy, “việc triển khai không giới hạn” các bộ phận trong hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ trên khắp thế giới gây ra “một mối đe dọa đối với nhân loại” và là “một thách thức lớn” đối với an ninh toàn cầu.

“Một mối liên hệ giữa hoạt động triển khai các bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa và sự phát triển hệ thống tấn công choáng nhoáng toàn cầu là rõ ràng”, ông Emelyanov cho hay đồng thời nói thêm rằng một hệ thống như vậy liên quan đến khả năng phát động “một cuộc tấn công giải giáp” nhằm vào các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga và Trung Quốc đồng thời có thể được sử dụng để bảo vệ Mỹ khỏi bất kỳ động thái đáp trả nào.

Hệ thống tấn công chớp nhoáng toàn cầu của Mỹ “là bằng chứng thêm nữa cho thấy Washington đang tìm cách phá vỡ thế cân bằng sức mạnh hiện nay để hướng tới việc tìm kiếm sự thống trị chiến lược toàn cầu”, Đại tá Emelyanov cáo buộc. Ông này cũng cảnh báo việc mở rộng thêm nữa hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc tế cũng như hạ thấp đáng kể ngưỡng cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân của Mỹ và các nước đồng minh.

Mỹ trên thực tế đang tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa trong một nỗ lực nhằm củng cố khả năng có thể sử dụng vũ khí hạt nhân mà gây ra “tổn thất tối thiểu”, ông Emelyanov phân tích.

“Hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân bởi nó tạo ra một sự ảo tưởng về sự miễn nhiễm, không bị ảnh hưởng gì trong trường hợp Mỹ bất ngờ tấn công, sử dụng vũ khí hạt nhân chiến lược dưới ‘cái ô phòng thủ tên lửa’”, vị quan chức quân sự Nga cho biết, ám chỉ đến việc nhiều nước tin rằng họ sẽ không bị hề hấn gì khi Mỹ phát động một cuộc tấn công hạt nhân. Điều này làm tăng nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân trong các cuộc xung đột.

Theo lời ông Emelyanov, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trên thực tế chẳng giúp gì nhiều cho việc bảo vệ các nước mà ở đó hệ thống của Mỹ được triển khai. Ngược lại, hệ thống đó gây nguy cơ nhiều hơn cho các nước nói trên bởi nó khiến các nước này trở thành mục tiêu cho những cuộc tấn công tiềm năng trong khi nó vẫn chủ yếu làm nhiệm vụ bảo vệ cho lãnh thổ của Mỹ cũng như các lợi ích của Mỹ.

“Chính Washington mới có tiếng nói quyết định trong việc hệ thống phòng thủ tên lửa đó sẽ bảo vệ cho ai, nước nào”, ông Emelyanov cho hay đồng thời thêm rằng những nước đang cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên thực tế đã trở thành “con tin” của các chính sách của Mỹ.

Kiệt Linh (theo RT)


Ý kiến bạn đọc