Nga dựng vũ khí cực mạnh ở vùng "đất cấm", phương Tây phát hoảng

14:55, 21/08/2017
|

(VnMedia) - Nga có kế hoạch dựng hệ thống radar cảnh báo tên lửa tối tân nhất mang tên Voronezh-SM ở bán đảo Crimea. Nhà thiết kế chính của hệ thống radar nói trên – ông Sergei Boyev đã có cuộc trò chuyện về sức mạnh của hệ thống vũ khí này cũng như lợi ích của việc đặt nó trên bán đảo chiến lược ở Biển Đen.

Hệ thống radar Voronezh-SM
Hệ thống radar Voronezh-SM

Theo lời ông Sergei Boyev, Nga quyết định dựng hệ thống radar cực mạnh Voronezh-SM ở bán đảo Crimea là do tình trạng yếu kém của hệ thống radar Dnepr hiện đang được đặt ở Sevastopol. Đây là hệ thống Nga thừa hưởng lại từ Ukraine.

“Hệ thống radar Dnepr hiện đang được triển khai ở Balkhash, Murmansk và Sevastopol. Hệ thống này ở Sevastopol đang trong điều kiện rất tồi tệ, vì thế Nga quyết định thay thế nó bằng hệ thống tối tân Voronezh-SM. Crimea là nơi lý tưởng để triển khai Voronezh-SM”, ông Boyev đã nói như vậy với hãng tin Sputnik.

Không giống như hệ thống Dnepr được phát triển từ thời những năm 1950s, Voronezh-SM là hệ thống radar thế hệ mới có khả năng phát hiện, định vị và dò theo các mục tiêu với độ chính xác cực kỳ cao.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik hồi cuối tuần vừa rồi, chuyên gia quân sự Mikhail Khodaryonok đã phân tích về lợi thế của việc triển khai hệ thống radar có độ chính xác đến từng cm này.

“Hệ thống radar Voronezh hoạt động chính xác ở tầm m, dm và cm. Tầm cm là lý tưởng để có thể xác định chính xác hơn tọa độ cũng như khoảng cách của một vật thể bay, dựng đồ thị đường bay và thông báo cho bộ máy điều hành vị trí chính xác mà đầu đạn đang bay tới hướng vào. Đây là điều vô cùng quan trọng đối với một hệ thống cảnh báo sớm tên lửa”, ông Khodaryonok giải thích.

Ông Khodaryonok cũng miêu tả vị trí mà hệ thống Voronezh-SM sẽ được triển khai đến là “lý tưởng”. “Mũi đất Chersoneses là một địa điểm lý tưởng bởi bán đảo Crimea nằm sâu trong Biển Đen. Ngoài ra, so với các hệ thống radar cảnh báo sớm khác mà Nga đang có, hệ thống Voronezh-SM sẽ được đặt ở ngay trước hệ thống phòng thủ tên lửa của chúng ta và sẽ giúp theo dõi các khu vực phía tây, phía nam quan trọng, có tầm bao quát một khu vực rộng lớn không phận của chúng ta đồng thời có thể nhanh chóng báo động cho giới lãnh đạo của đất nước về những mối đe dọa tên lửa tiềm năng”, chuyên gia Khodaryonok nhấn mạnh.

Hệ thống radar Voronezh có thể phát hiện các mục tiêu từ khoảng cách xa đến 6.000km và ở độ cao tới 8.000km.

Dự án xây dựng mạng lưới hệ thống radar Voronezh được mong đợi sẽ được hoàn tất vào năm 2018. Vào thời điểm này, 4 trong số 10 hệ thống radar Voronezh nằm trong kế hoạch đã được đưa vào hoạt động. 3 hệ thống khác đang được đưa vào giai đoạn thử nghiệm. Hai hệ thống Voronezh đang được xây dựng và thêm một hệ thống chuẩn bị được xây dựng.

Các hệ thống đã được triển khai đang thực hiện nhiệm vụ giám sát không phận giữa Morocco và Spitzbergen, trải dài từ Nam Âu đến bờ biển Bắc Phi, lục địa Châu Âu (gồm cả nước Anh) và Thái Bình Dương từ Bờ biển phía Tây của Mỹ đến Ấn Độ.

Thông tin về việc Nga chuẩn bị triển khai hệ thống radar cực mạnh Voronezh-SM ở bán đảo Crimea khiến phương Tây và Ukraine đặc biệt lo ngại. Phương Tây vẫn muốn Nga trả lại Crimea cho Ukraine và Kiev luôn nhăm nhe mục tiêu chiếm lại Crimea. Động thái mới nhất của Moscow cho thấy nước này quyết tâm bảo vệ Crimea và biến bán đảo này trở thành vùng đất quan trọng không thể thiếu trong chiến lược quốc phòng của Nga. Hơn nữa, hệ thống Voronezh-SM cho phép Nga giám sát toàn bộ không phận Châu Âu. Thực tế này chắc chắn sẽ khiến Châu Âu phát sốt vì lo ngại.

Bán đảo Crimea đã chính thức trở thành một phần của nước Nga sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh hoàn tất tiến trình sáp nhập hồi tháng 3 năm 2014. Kể từ sau vụ sáp nhập này, giới chức chính quyền Kiev luôn miệng khẳng định sẽ tìm mọi cách để lấy lại bán đảo Crimea. Tổng thống Petro Poroshenko từng tuyên bố sẽ xây dựng quân đội Ukraine thành một lực lượng quân sự mạnh nhất Châu Âu để quay trở lại giành bán đảo Crimea. Tuy nhiên, Nga cũng cứng rắn không kém khi nhiều lần khẳng định sẽ không bao giờ có chuyện trả lại bán đảo Crimea cho Ukraine.

Kiệt Linh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc