(VnMedia) - "Ukraine ủng hộ tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng trong nước thông qua Bộ Tứ Normandy và các thỏa thuận Minsk đồng thời hoan nghênh sự can thiệp sâu hơn và tích cực hơn của Mỹ", Tổng thống Petro Poroshenko hôm qua (25/6) đã tuyên bố như vậy. Nhà lãnh đạo Ukraine còn khẳng định, ông đã nhận được sự bảo đảm từ Washington trong vấn đề này. Trong lúc đó, có tin Mỹ chuẩn bị cấp vũ khí sát thương cho Ukraine. Bước đi này chẳng khác nào sự tuyên chiến của Mỹ đối với Nga. Moscow đã phản ứng rất tức giận trước thông tin trên. Những diễn biến đó khiến nhiều người lo ngại, Nga và Mỹ có thể bị kéo sâu vào chiến trường Ukraine.
Ukraine tự tin sẽ được Mỹ giúp
Tổng thống Poroshenko hôm qua cho biết, Kiev ủng hộ việc tuân theo lộ trình được đặt ra trong các thỏa thuận Minsk, trong đó “xác định cụ thể những việc gì nên được tiến hành và thời điểm thực hiện các công việc đó”. "Chúng tôi ủng hộ việc bảo vệ khuôn khổ Bộ Tứ Normandy và các thỏa thuận Minsk. Chúng tôi sẽ hoan nghênh sự tham gia của Mỹ và đã nhận được lời đảm bảo có liên quan về việc tăng cường vai trò của Mỹ trong tiến trình này”, ông Poroshenko cho kênh truyền hình Ukraine biết.
Ukraine đã phát động một chiến dịch quân sự ở miền đông Ukraine (còn gọi là vùng Donbass) hồi tháng Tư năm 2014, sau khi người dân địa phương từ chối công nhận chính phủ mới ở Kiev. Vào tháng Hai năm 2015, hai bên đối địch trong cuộc xung đột ở Ukraine đã ký thỏa thuận hòa bình Minsk nhằm thực thi một lệnh ngừng bắn ở vùng chiến sự. Đức, Pháp Nga và Ukraine là thành viên của nhóm Bộ Tứ Normandy. Bộ Tứ này đã giúp đàm phán thỏa thuận ngừng bắn ở Donbass. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, thỏa thuận ngừng bắn liên tục bị vi phạm và hai bên thường đổ lỗi cho nhau.
Mỹ không tham gia vào tiến trình giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine nói trên nhưng công khai ủng hộ Kiev.
Trong một diễn biến mới nhất, Tổng thống Ukraine cho hay, Kiev mong đợi Mỹ sẽ quyết định cung cấp vũ khí phòng vệ cho họ vào cuối năm nay.
Tuần trước, báo chí Mỹ đưa tin, Washington có kế hoạch cung cấp sự giúp đỡ về mặt quân sự cho Ukraine vào năm 2018. "Dự luật về ngân sách năm 2018 của Lầu Năm Góc có bao gồm sự giúp đỡ về mặt quân sự cho Ukraine và kêu gọi chính quyền của Tổng thống Donald Trump cung cấp vũ khí gây sát thương cho Ukraine để nước này có thể tự bảo vệ mình trước sự gây hấn từ phương Đông", ông Mac Thornberry – Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, cho tờ The Hill biết.
Trước đó, hồi đầu tháng Năm, Thượng viện Mỹ cũng đã thông qua bản phác thảo ngân sách cho đến ngày 30/9/2017, trong đó có kế hoạch cung cấp viện trợ tài chính lên tới ít nhất 410 triệu USD cho Ukraine, trong đó có sự hỗ trợ về quân sự.
Thông tin trên chắc chắn sẽ khiến Nga nổi giận. Lâu nay, Ukraine vẫn là vấn đề hết sức nhạy cảm giữa Nga và Mỹ.
Phản ứng của Nga
Mỹ không ít lần ám chỉ đến việc cung cấp vũ khí cho Ukraine nhưng dưới thời chính quyền tiền nhiệm, Tổng thống Barack Obama vẫn kiềm chế không cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine để tránh làm tổn thương nghiêm trọng quan hệ Nga-Mỹ.
Việc Washington luôn nhăm nhe ý định cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev không khỏi khiến Moscow lo ngại. Nga liên tục nhấn mạnh, việc cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Điều này sẽ đi ngược lại với cam kết của Washington về việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở miền đông Ukraine. Một số nước Châu Âu trước đây cũng lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về việc tình hình Ukraine sẽ thêm nghiêm trọng nếu phương Tây cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev.
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine chứng kiến cuộc đối đầu Đông-Tây nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Phương Tây do Mỹ dẫn đầu ủng hộ mạnh mẽ cho chính quyền Kiev trong khi Nga được cho là đứng về phía lực lượng ly khai miền đông Ukraine.
Ông Andrei Krasov - Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga hôm qua đã phát biểu, Washington nên thuyết phục Tổng thống Poroshenko tuân theo các thỏa thuận Minsk thay vì cung cấp vũ khí cho Kiev.
"Bằng cách cung cấp các loại vũ khí không chỉ mang tính phòng vệ cho Kiev, họ sẽ chỉ đổ thêm dầu vào lửa cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Thay vì cung cấp vũ khí, Washington nên thuyết phục ông Poroshenko và chính phủ của ông này khởi động tiến trình thực thi các thỏa thuận Minsk. Đây là cách duy nhất để bắt đầu quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng”, ông Krasov nhấn mạnh. Vị quan chức Nga còn nói thêm rằng, hành động cung cấp vũ khí sẽ vi phạm thỏa thuận Minsk.
Một quan chức khác của Nga - ông Franz Klintsevich - Phó Chủ tịch Thứ nhất của Ủy ban Quốc phòng và An ninh Thượng viện Nga, cho rằng, sự phân biệt giữa vũ khí phòng thủ và vũ khí sát thương là rất khó để phát hiện và Nga cực lực phản đối hành động cung cấp vũ khí cho Kiev.
Những diễn biến trên khiến không ít người lo ngại viễn cảnh, Nga và Mỹ có thể sẽ bị lôi kéo sâu vào cuộc chiến ở Ukraine và không loại trừ khả năng hai nước sẽ trở thành những đối thủ trực tiếp trên chiến trường này.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc