"Thanh gươm pháp lý kề cổ", Trung Quốc hết đường cựa quậy?

10:15, 14/07/2016
|

(VnMedia) - Với phán quyết của Toà án Trọng tài Thường trực (PAC) được đưa ra hôm 12/7, Trung Quốc rõ ràng đã bị “thanh gươm pháp lý kề cổ”, khiến họ sẽ khó lòng “tự tung tự tác” ở Biển Đông như trong thời gian vừa qua.

Hầu như không có ai ngạc nhiên trước phán quyết được cộng đồng quốc tế hoan nghênh vừa rồi của Toà án Trọng tài Thường trực liên quan đến vụ tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông. Thậm chí ngay cả Trung Quốc cũng đã lường trước về phán quyết này.

Theo PAC, “mặc dù những người đi biển và ngư dân của Trung Quốc cũng giống như của các nước khác từ lâu đã được ghi nhận có lịch sử sử dụng các hòn đảo, quần đảo ở Biển Đông nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Bắc Kinh trong lịch sử đã thực hiện quyền kiểm soát đặc quyền đối với vùng lãnh hải hay các nguồn tài nguyên trong khu vực”. Vì thế, “tòa án kết luận, không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc đòi quyền lịch sử đối với các tài nguyên bên trong khu vực biển nằm trong ‘đường lưỡi bò’”, phán quyết của PAC khẳng định. Toà án Trọng tài Thường trực còn công khai chỉ trích những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian qua.

Phán quyết trên thực tế đã được dự đoán từ lâu. Giới chuyên gia về luật pháp quốc tế trước đó đều đã nhận định, PAC sẽ bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò hay còn gọi là đường 9 đoạn của Trung Quốc – một yêu sách phi lý mà theo đó Bắc Kinh đòi chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông.

Ngay sau khi phán quyết của PAC được đưa ra, giới chuyên gia và truyền thông đã không ngừng đưa ra những dự đoán về phản ứng của Trung Quốc. Tuy nhiên, hầu hết đều có chung nhận định, Bắc Kinh đã bị dồn vào chân tường và sẽ không thể “hoành hành” như trước được nữa. Trung Quốc sẽ phải thận trọng trong các hành động ở Biển Đông bởi nếu không họ sẽ phải đối mặt với sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế và hình ảnh của họ sẽ trở thành nước đứng ngoài vòng pháp luật.

Phán quyết của PAC đã nhận được sự hoanh nghênh của hàng loạt nước và các nước đều kêu gọi các bên có liên quan tôn trọng phán quyết này.

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay đã ra tuyên bố nhấn mạnh "Philippines khẳng định tôn trọng quyết định mang tính bước ngoặt này", coi đây như một đóng góp quan trọng vào các nỗ lực đang diễn ra nhằm giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.

Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7 đồng thời một lần nữa khẳng định lập trường ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ "hy vọng và mong muốn" các bên sẽ tuân thủ những nghĩa vụ đối với phán quyết có tính ràng buộc pháp lý về Biển Đông nói trên. Cùng quan điểm với Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định, phán quyết của PAC là phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý, theo đó các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết này.

Bộ Ngoại giao Singapore ra tuyên bố kêu gọi tất cả các bên tôn trọng đầy đủ các quy trình pháp lý và ngoại giao, kiềm chế và tránh tiến hành bất kỳ hoạt động có thể gây căng thẳng trong khu vực. Bộ Ngoại giao Indonesia cũng ra tuyên bố kêu gọi tất cả các bên tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982.

Với sự ủng hộ đồng loạt của các nước như trên, Trung Quốc không thể hành động bất chấp tất cả. Hơn nữa, lâu nay Trung Quốc vẫn xây dựng hình ảnh họ là một nước bảo vệ pháp quyền, hành động theo pháp luật. Nếu phớt lờ phán quyết của PAC, Bắc Kinh tự đi ngược lại với những gì mình đã tuyên bố và điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong thời gian trước mắt, Trung Quốc được cho là sẽ có một những hành động tỏ ra cứng rắn để xoa dịu người dân trong nước, xoa dịu chủ nghĩa dân tộc đang bùng lên.

Kiệt Linh


Ý kiến bạn đọc