"Cuộc hôn nhân" khó cứu vãn giữa Trung Quốc với láng giềng

08:10, 14/05/2016
|

(VnMedia) - Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã trở thành vị Ngoại trưởng đầu tiên thực hiện chuyến thăm đến nước láng giềng Trung Quốc trong 5 năm trở lại đây. Mục đích của chuyến đi này là nhằm để cứu vãn “cuộc hôn nhân” đang dần đổ vỡ giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại thủ đô Bắc Kinh hôm 30/4
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại thủ đô Bắc Kinh hôm 30/4

Sự xuất hiện của Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida ở thủ đô Bắc Kinh trong những ngày cuối tháng 4 và đầu tháng 5 trở thành sự kiện “nóng” xuất hiện trên trang nhất của hàng loạt tờ báo thế giới. Chuyến công du của ông Kishida được quan tâm đặc biệt không chỉ vì đây là chuyến thăm đầu tiên trong 5 năm qua của một Ngoại trưởng Nhật Bản đến Trung Quốc mà còn vì chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Trung-Nhật đang hết sức căng thẳng.

Ngay từ khi Trung Quốc và Nhật Bản chuẩn bị cho chuyến thăm đặc biệt của Ngoại trưởng Kishida, hai nước đã nhấn mạnh, sự kiện này có mục đích lớn nhất là nhằm hàn gắn “cuộc hôn nhân” khó cứu vãn giữa họ và làm dịu đi các cuộc xung đột trong khu vực.

Những gì diễn ra trong chuyến thăm của ông Kishida đến Bắc Kinh đều cho thấy, hai nước Trung, Nhật đều thực sự muốn hàn gắn mối quan hệ ghẻ lạnh giữa họ.

Bắc Kinh thể hiện mong muốn cải thiện quan hệ với láng giềng Tokyo thông qua việc “trải thảm đỏ” đón chào Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida. Nhà ngoại giao hàng đầu của nước Nhật đã được tiếp đón trọng thị bởi một phái đoàn cấp cao do đích thân Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chủ trì.

Giới truyền thông Trung Quốc và Nhật Bản đều xem sự chào đón trên là dấu hiệu thể hiện mong muốn thực tâm của phía Bắc Kinh trong việc cải thiện mối quan hệ Trung-Nhật vốn đang gặp sóng gió vì những ám ảnh về đế quốc Nhật thời Chiến tranh thế giới thứ II cũng như cuộc tranh chấp nóng bỏng ở biển Hoa Đông.

Những phát biểu của giới quan chức hai bên cũng là một minh chứng nữa cho thấy Tokyo và Bắc Kinh đều đang có nhu cầu khôi phục lại quan hệ giữa họ sau một thời gian dài rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.

Trong khi ở thăm Bắc Kinh, Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida hôm 30/4 đã có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Wang Yi. Cuộc gặp này kéo dài tới tận gần 4,5 giờ đồng hồ. Hai bên đã trao đổi thẳng thắn với nhau về nhiều vấn đề xoay quanh mối quan hệ song phương. Ngoại trưởng hai nước Trung, Nhật đều khẳng định, hai nước là “đối tác để hợp tác với nhau” và cùng nhất trí sẽ nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy mối quan hệ giữa hai bên.

Trung Quốc và Nhật Bản có lý do để nỗ lực khôi phục trở lại mối quan hệ song phương. Với tư cách là hai nền kinh tế lớn nhất Châu Á, Trung Quốc và Nhật Bản sở hữu mối quan hệ thương mại trị giá lên tới 344 tỉ USD. Ngoài ra, Tokyo cũng muốn nhờ vào Bắc Kinh trong việc kiềm chế Triều Tiên – nước đang được xem là mối đe doạ đáng lo ngại đối với khu vực bán đảo Triều Tiên nói chung và Nhật Bản nói riêng. Về phần mình, Bắc Kinh cũng không muốn rơi vào tình trạng đối đầu với hàng loạt các nước láng giềng xung quanh mình.

Phát ngôn viên của chính phủ Trung Quốc – bà Hua Chunying cho biết, mối quan hệ Trung-Nhật “đã có nhiều dấu hiệu cải thiện” và miêu tả chuyến thăm của Ngoại trưởng Nhật Bản là “bước khởi đầu” cho tiến trình cải thiện quan hệ song phương.

Bước khởi đầu cho quá trình hàn gắn quan hệ Trung-Nhật đã diễn ra nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc con đường phía trước sẽ thuận lợi. Rõ ràng, Bắc Kinh và Tokyo đều đã có thiện chí muốn cải thiện quan hệ nhưng giữa họ vẫn còn quá nhiều mâu thuẫn khó hóa giải. Điều này được phản ánh rõ nét qua việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra 4 điều kiện để khôi phục và phát triển quan hệ với Nhật Bản.

Đầu tiên, Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản tôn trọng 4 thoả thuận chính trị đã ký giữa hai nước và thừa nhận chính sách một Trung Quốc. Thứ hai, Trung Quốc muốn Nhật Bản có cái nhìn tích cực hơn về Trung Quốc, ngừng nói về mối đe doạ mang tên Trung Quốc hay sự suy thoái kinh tế của nước này. Bắc Kinh còn đòi Tokyo chấm dứt việc chỉ trích hoạt động gia tăng sức mạnh quân sự của nước này. Điều kiện thứ ba mà Trung Quốc đưa ra liên quan đến vấn đề trao đổi kinh tế. Bắc Kinh muốn Tokyo từ bỏ “quan niệm lạc hậu” về sự hợp tác đôi bên cùng có lợi và thay vào đó là hợp tác công bằng và thực tế trong các lĩnh vực khác nhau dựa trên lợi ích chung. Cuối cùng, Trung Quốc kêu gọi hai nước tôn trọng lợi ích và quan tâm đến mối quan ngại của nhau.

Trong những điều kiện trên, nếu nói cụ thể hơn nữa sẽ bao gồm việc Trung Quốc không muốn giới chức Nhật Bản tiếp tục đến thăm đền thờ chiến tranh Yasukuni và không can thiệp vào tình hình Biển Đông. Tuy nhiên, Tokyo được cho là sẽ khó lòng đáp ứng các mong muốn của Bắc Kinh.

Ngoài ra, cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông chắc chắn sẽ tiếp tục là “cái dằm” gây nhức nhối trong mối quan hệ giữa hai nước bởi cả Tokyo và Bắc Kinh đều thể hiện sự không nhượng bộ trong cuộc tranh chấp này.

Trung Quốc và Nhật Bản còn cạnh tranh nhau trong cuộc đua giành ảnh hưởng trong khu vực. Vì vậy, cuộc đối đầu giữa họ là khó tránh khỏi.

Sự hoài nghi giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng là một cản trở, khiến tiến trình hàn gắn quan hệ song phương trở nên khó khăn hơn. Một cuộc điều tra dư luận hồi tháng Ba đã cho kết quả là một con số kỷ lục lên tới 83,2% người Nhật Bản không cảm thấy gần gũi với Trung Quốc. Con số này năm 1979 chỉ là 20,3%.

Vân Linh


Ý kiến bạn đọc