Trung Đông bị nhấn chìm trong ngọn lửa hận thù

18:00, 04/01/2016
|

(VnMedia) - Một làn sóng cuồng nộ đang tràn ngập Trung Đông sau khi xảy ra sự kiện Ả-rập Xê-út hành quyết một giáo sĩ nổi tiếng người Shiite.

Sự kiện này đang khoét sâu hơn nữa mâu thuẫn giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shiite. Nếu không kiểm soát tốt tình hình, ngọn lửa hận thù sắc tộc có thể nhấn chìm toàn bộ khu vực giàu dầu mỏ nhưng cũng chứa đầy những bất ổn khó lường này.

Làn sóng biểu tình giận dữ đang bùng phát khắp Trung Đông
Làn sóng biểu tình giận dữ đang bùng phát khắp Trung Đông

Làn sóng biểu tình đang nổ ra trên khắp Trung Đông khi người Hồi giáo dòng Shiite đổ ra các con đường để biểu tình phản đối mạnh mẽ việc Ả-rập Xê-út xử tử giáo sĩ Nimr al-Nimr.

Những người biểu tình ở thủ đô Iran đã phẫn nộ tấn công tòa nhà Đại sứ quán của Ả-rập Xê-út sáng sớm ngày hôm qua (3/1). Họ đã đốt lửa và ném giấy từ mái nhà xuống trước khi bị lực lượng cảnh sát can thiệp, giải tán. Hàng loạt các cuộc biểu tình cũng bùng phát ở Bahrain, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan và bắc Ấn Độ.

Chiều ngày hôm qua, đám đông những người biểu tình đã tụ tập bên ngoài đại sứ quán của Ả-rập Xê-út ở Bahrain. Một quan chức Bộ Nội vụ Bahrain cho hay, trong số những người tham gia biểu tình có nhiều trẻ vị thành niên. Cảnh sát đã bắt giữ một loạt người biểu tình cùng với những người khác được cho là “sử dụng sai mạng xã hội”, hãng tin BNA đưa tin.

Cảnh sát Bahrain đã sử dụng hơi cay và đạn chì trong các cuộc đụng độ với người biểu tình ném bom xăng ở nhiều khu vực ngoại ô của thủ đô Manama. Đây là nơi nhiều người Shiite sinh sống. Một số đã bị thương trong những vụ đụng độ này.

Người biểu tình Bahrain đã mang theo chân dung của giáo sĩ bị hành quyết Nimr diễu qua nhiều khu vực ngoại ô của thủ đô Manama như Jidhafs, Sitra, Duraz và Bilad al-Qadeem.

Các nhân chứng cho biết, tình trạng bạo lực diễn ra tồi tệ nhất ở Sidra – nơi có đến 400 người biểu tình đụng độ với cảnh sát. Cảnh sát cũng đã đụng độ với người biểu tình ở Duraz và đã phải dùng đến hơi cay khi lực lượng biểu tình chặn một con đường và ném đá vào cảnh sát.

Sự cuồng nộ của người dân cũng diễn ra ở Pakistan và khu vực Kashimir của Ấn Độ. Những người biểu tình lên án gắt gắt vụ Ả-rập Xê-út hành quyết giáo sĩ hàng đầu Nimr al-Nimr.

May mắn hơn ở Bahrain, các cuộc biểu tình ở Pakistan dù diễn ra rộng khắp đất nước nhưng được tiến hành trong không khí hòa bình. Ở thành phố tây nam Quetta, khoảng 1.000 người Pakistan đổ ra đường kêu gọi chính phủ xem xét lại mối quan hệ với Ả-rập Xê-út đồng thời giơ cao những tấm biển hiệu có dòng chữ chống lại Ả-rập Xê-út.

Ở thành phố phía đông Lahore, khoảng 1.500 người đổ ra các con đường lên án vụ hành quyết giáo sĩ Nimr là hành động vi phạm luật nhân quyền một cách nghiêm trọng trong khi ở thành phố cảng Karachi, khoảng 1.000 người gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em hét vang những khẩu hiệu chống lại gia đình hoàng gia của Ả-rập Xê-út.

Làn sóng những cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra ở một loạt quận của tỉnh phía nam Sindh và thủ đô Islamabad của Pakistan. Người biểu tình kêu gọi Liên Hợp Quốc ngăn Ả-rập Xê-út không có hành động nhằm mục tiêu vào những người Hồi giáo dòng Shiite.

Tình hình trên đã khiến Ngoại trưởng Ả-rập Xê-út Adel bin Ahmed al-Jubeir buộc phải hủy chuyến thăm đến Islamabad.

Ở bên cạnh Pakistan, tại khu vực Kashmir của Ấn Độ, hàng trăm người cũng phẫn nộ đổ ra đường biểu tình phản đối vụ hành quyết giáo sĩ người Shiite của Ả-rập Xê-út. Những người biểu tình mang theo chân dung của ông Nimr và hô khẩu hiệu “lật đổ triều đại của Ả-rập Xê-út”. Một số người biểu tình ném đá về phía cảnh sát và lực lượng an ninh buộc phải dùng khí hơi cay và dùi cui để đáp trả.

Giới lãnh đạo hàng đầu của người Shiite ở Iraq cũng lên án vụ hành quyết, cảnh báo vụ việc này là sự bất công có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Tình hình ở Trung Đông hiện giờ đáng lo ngại đến mức các quan chức cấp cao của phương Tây đều đã lên tiếng. Người phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh Châu Âu đã lên tiếng cảnh báo, vụ hành quyết giáo sĩ Hồi giáo người Shiite có nguy cơ “gây ra những hậu quả nguy hiểm” khi đốt nóng tình hình căng thẳng sắc tộc trong khu vực.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng bày tỏ sự quan ngại về hành động của Ả-rập Xê-út trong khi Mỹ lên tiếng kêu gọi sự kiềm chế trong khu vực.

Vì sao vụ hành quyết giáo sĩ Shiite lại gây ra cơn cuồng nộ khắp Trung Đông?

Giáo sĩ người Shiite 56 tuổi đã bị hành quyết cùng với 46 nhà hoạt động người Shiite và Sunni khác. Những người này bị xử tử vì bị cáo buộc có liên quan đến các vụ giết chóc của tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Một số bị chặt đầu và những người khác bị hành quyết bằng súng.

Cái chết của giáo sĩ Nimr đã mở ra một chương mới của sự thù hận, hiềm khích trong cuộc đấu tranh kéo dài lâu nay giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shiite. Cuộc đấu tranh này tiếp tục lan rộng khắp Trung Đông với Iran và Ả-rập Xê-út là hai đối thủ chính.

Ông Nimr là giáo sĩ người Shiite rất được kính trọng. Ông này đến từ phía đông của Ả-rập Xê-út. Giáo sĩ Nimr bị kết tội nổi loạn và một số tội danh khác hồi tháng 10 năm 2014. Ông này đã bị kết án tử hình.

Giáo sĩ Nimr vốn là một người công khai chỉ trích chính phủ Ả-rập Xê-út và là một nhà lãnh đạo then chốt của các cuộc biểu tình của người Shiite ở Ả-rập Xê-út năm 2011. Giáo sĩ Nimr cũng là người chỉ trích chính phủ Bahrain – nơi chính quyền quân chủ do người Sunni dẫn đầu đã đàn áp các cuộc biểu tình của người Shiite vốn chiếm số đông trên quốc đảo nhỏ bé này. Ả-rập Xê-út đã đem quân đến giúp Bahrain đàn áp cuộc nổi dậy vì lo ngại cuộc nổi dậy này sẽ lan ra và gây bất ổn cho các nước khác trong khu vực.

Ông Nimr cũng phản đối chính phủ Syria vì đã giết hại những người biểu tình. Giáo sĩ người Shiiite trực tiếp chỉ trích gia đình cầm quyền ở Ả-rập Xê-út về những chính sách trong nước và phản đối mạnh mẽ các thành viên trong gia đình hoàng gia. Ông Nimr không bác bỏ các cáo buộc chính trị nhằm vào ông nhưng khẳng định ông chưa bao giờ mang vũ khí hay kêu gọi bạo lực.


Ý kiến bạn đọc