Không có căn cứ khởi tố hình sự vụ nổ ở Hà Đông

16:06, 20/03/2016
|

(VnMedia) - Liên quan đến vụ nổ kinh hoàng khiến 4 người chết tại đô thị Văn Phú - Hà Đông, Hà Nội, luật sư cho rằng người trực tiếp gây ra vụ việc đã chết nên không có căn cứ khởi tố vụ án hình sự...

Như tin đã đưa, chiều ngày 19/3 đã xảy ra một vụ nổ kinh hoàng trước cửa số nhà 15 - TT19, Khu đô thị Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông.

Theo tài liệu điều tra của công an Hà Nội, anh Phạm Văn Cường (41 tuổi, quê ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), thuê nhà số 15 - TT 19, Khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông từ năm 2013 để hành nghề thu mua phế liệu. Sau khi thu gom phế liệu các loại, anh Cường mang về nơi ở trọ cất giữ. Hàng ngày, chủ cơ sở mang các loại phế liệu ra vỉa hè trước cửa nhà thuê trọ để phân loại, dùng đèn khò cắt, phá bán sắt vụn.

Hiện trường vụ nổ kinh hoàng khiến 4 người tử vong
Hiện trường vụ nổ kinh hoàng khiến 4 người tử vong

Sáng 19/3, anh Cường nhờ một thanh niên hàng xóm lăn giúp từ trong nhà thuê trọ ra vỉa hè trước cửa một khối kim loại hình trụ bằng sắt đã hoen gỉ, đường kính khoảng 40 - 45 cm, dài khoảng 80 cm, khối lượng ước khoảng trên 100 kg.

Quá trình người này cắt phá khối kim loại bằng đèn khò, nhiệt lượng đã kích nổ gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 4 người chết, 10 bị thương, 36 căn hộ bị hư hỏng nặng, 95 căn hộ phía sau hiện trường vụ nổ bị vỡ hết kính, nứt tường, bung cửa; nhiều xe máy để ngoài đường và đi ngang qua bị hư hỏng.

Qua công tác khám nghiệm hiện trường, các lực lượng chức năng của Công an Hà Nội và Bộ Tư lệnh Thủ đô đã thu được nhiều mảnh kim loại bằng gang, thép, được xác định là vật liệu dùng để chế tạo bom. Kết quả giám định sơ bộ của Cục Kỹ thuật hình sự Bộ Công an, thuốc nổ gây ra vụ nổ cũng là loại thường sử dụng để chế tạo bom, mìn.

Trao đổi với VnMedia về vụ việc nói trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh - đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: hành vi của Phạm Văn Cường đã có dấu hiệu phạm tội Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 232 BLHS.

"Phạm Văn Cường là chủ cửa hàng thu mua phế liệu đã mua một vật liệu nổ là quả bom cũ từ thời chiến tranh. Là người kinh doanh các phế liệu sắt thép, Cường phải biết phân biệt những loại phế liệu, vật liệu khác nhau phân loại xử lý chúng trước khi bán.

Vật liệu nổ này đã có những kích thước hình dạng bên ngoài để nhận biết được là loại vật liệu rất nguy hiểm. Nhưng do chủ quan hoặc do cố ý mà Cường đã không nghĩ đến hậu quả xảy ra nên đã dùng máy khò để cưa vật liệu nổ này ra lấy sắt hoặc lấy thuốc nổ (nếu có) ở bên trong nhằm các mục đích khác nhau.

Mặt khách quan của tội phạm này chỉ cần có hành vi tàng trữ vật liệu nổ. Hậu quả xảy ra không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành loại tội phạm này và chỉ là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự khi xử lý", luật sư Thơm nhận định.

Tuy nhiên, luật sư Thơm cho biết, trong vụ việc này, do Nguyễn Văn Cường là người trực tiếp gây ra vụ việc đã chết nên không có căn cứ khởi tố vụ án hình sự để xử lý đối tượng về Tội tàng vật liệu nổ theo Điều 232 BLHS.

"Nếu người vợ của Nguyễn Văn Cường biết chồng đã thu mua được vật liệu nổ đó mà không tố giác với các cơ quan pháp luật thì sẽ bị xử lý về Tội không tố giác tội phạm. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 314 Bộ luật hình sự", luật sư Thơm khẳng định.

Về trách nhiệm dân sự, luật sư Thơm cho hay: Vật liệu nổ trong vụ việc này được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ được qui định tại Điều 623 Bộ luật dân sự: “Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định”.

Theo kết quả điều tra ban đầu, xác định hậu quả thiệt hại về người và tài sản là do Nguyễn Văn Cường đã cưa cắt vật liệu nổ gây ra. Về nguyên tắc, Nguyễn Văn Cường phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ các thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra theo qui định tại Điều 623 Bộ luật dân sự và theo Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Nhưng do trong vụ việc này, Nguyễn Văn Cường là người gây ra thiệt hại cũng đã tử vong nên không có căn cứ để bồi thường thiệt hại.

Điều 232. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ

1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;

c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

d) Gây hậu qủa nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội  thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5.  Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ  một năm đến năm năm.

Điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự. Những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự

Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:

“Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.”

 


Ý kiến bạn đọc