Peugeot 408: Khởi đầu tham vọng lớn

07:10, 23/12/2013
|

(VnMedia)- Tại lễ giới thiệu thương hiệu và ra mắt Peugeot 408 giữa tuần qua tại Hà Nội, đại diện tập đoàn Peugeot cho biết, thông qua việc hợp tác chiến lược với Công ty ô tô Trường Hải (Thaco), Peugeot đặt mục tiêu chiếm 5% thị phần tại Việt Nam với doanh số 15.000 chiếc/năm.

 

Có thể nhiều người còn hoài nghi bởi mới chân ướt chân ráo trở lại Việt Nam, Peugeot đã đặt ra mục tiêu gấp đôi doanh số của những thành viên đứng thứ 3 và thứ 2 của VAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam) hiện nay là Ford và chính xe du lịch Kia mà Thaco đang sản xuất, phân phối. Hoài nghi này còn tăng khi thương hiệu Peugeot kén khách, mẫu 408 dù ở phân khúc xe hạng C nhưng được định giá tương đương với xe hạng D như Camry.

 

Tuy nhiên, Peugeot không phải không có lợi thế, khi đã chiếm được cảm tình của các thế hệ tại Việt Nam từ nhiều năm trước với hình ảnh lịch lãm, sang trọng kiểu Pháp. Nhiều sản phẩm mang thương hiệu Peugeot có giá trị sử dụng và giá trị rất cao, trở thành niềm tự hào hay mang lại những cơ hội kinh doanh cho người sở hữu chúng.

 

Peugeot cũng là thương hiệu xe phổ thông châu Âu đầu tiên được đầu tư sản xuất, lắp ráp bài bản trên quy mô lớn, mở ra một lựa chọn mới cho người tiêu dùng khi trước đó, họ có rất ít lựa chọn vì thường giá cao do nhập khẩu nguyên chiếc. Công nghệ châu Âu thường được đánh giá cao hơn công nghệ của Nhật Bản, Hàn Quốc và vì thế, xe Peugeot bao gồm cả giá trị thương hiệu tốt và công nghệ cao hơn, có cơ sở định giá cao hơn đối thủ cùng phân khúc.

 

Ảnh minh họa

Peugeot 408 ra mắt giữa tuần qua tại Hà Nội. ảnh HT


Mặt khác, tại khu vực Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam là nước đầu tiên có nhà máy sản xuất lắp ráp xe Peugeot nên cũng không khó để nhận ra khả năng hãng xe Pháp sẽ lấy Việt Nam làm điểm tựa để thâm nhập khu vực thị trường đầy tiềm năng, đang tăng trưởng mạnh, với quy mô dân số gần 600 triệu người. Trước đó, khi còn kiêm cả chức Tổng giám đốc, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương cũng nhiều lần tuyên bố mục tiêu của Thaco không chỉ giới hạn trong biên giới Việt Nam mà là thị trường khu vực ASEAN với dân số hơn nửa tỷ người sẽ được mở rộng cánh cửa vào năm 2018.

 

Và với mục tiêu chiến lược đó, chắc chắn Peugeot – Thaco sẽ phải thực hiện chiến lược dài hạn, với loạt sản phẩm có sức cạnh tranh trên nhiều phân khúc, trong đó phải có những mẫu xe xuất hiện vì mục tiêu doanh số, có xe vì mục tiêu thương hiệu.

 

Trên hết, cho tới thời điểm này không có doanh nghiệp ô tô nào tại Việt Nam ngoài Thaco được một tập đoàn ô tô châu Âu tin tưởng chuyển giao công nghệ sản xuất lắp ráp xe ô tô. Sự đầu tư quy mô lớn, bài bản với chiến lược dài hạn, đưa thương hiệu KIA lên vị trí thứ 2 và Mazda vừa trở lại đã lên vị trí thứ 6 trong số các thành viên VAMA là một minh chứng rõ ràng nhất thể hiện khả năng và khát vọng của Thaco, qua đó chiếm được niềm tin tuyệt đối của đối tác châu Âu.

 

Về phần mình, để thực hiện mục tiêu tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như đã nói ở trên, Thaco cần phải nâng cao hàm lượng công nghệ trong sản phẩm của mình mà việc hợp tác với Peugeot, quyết tâm thực hiện các tiêu chuẩn sản xuất nghiêm ngặt của châu Âu được đánh giá là một bước quan trọng thực hiện chiến lược đó.

 

Trên thực tế, con số 15.000 chiếc/năm mà đại diện Peugeot đưa ra mới chỉ là tuyên bố một phía nên không loại trừ đây là giấc mơ của người Pháp. Nhìn ở khía cạnh khác, một con số lớn với một thương hiệu lớn cho thấy Peugeot – Thaco kỳ vọng không nhỏ vào sự hợp tác chiến lược này.


Hữu Thọ

Ý kiến bạn đọc