Việt Nam hồi phục đáng kể về tăng trưởng, nhưng năng suất lao động vẫn thấp

06:46, 14/12/2017
|
(VnMedia) - Trong 5 năm qua, đặc biệt là sau thời kỳ suy thoái toàn cầu, Việt Nam đã có sự hồi phục đáng khích lệ về tăng trưởng. Tuy nhiên, việc năng suất lao động vẫn tiếp tục tăng với tốc độ thấp là một vấn đề cần quan tâm. 
 
Thông tin trên được đưa ra tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2017 diễn ra ngày 13/12 tại Hà Nội.
 
Năng suất lao động thấp là vấn đề cần quan tâm
 
Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, trong 5 năm qua, đặc biệt là sau thời kỳ suy thoái toàn cầu, Việt Nam đã có sự hồi phục đáng khích lệ về tăng trưởng.  Tuy nhiên, việc năng suất lao động tiếp tục tăng với tốc độ thấp là một vấn đề cần quan tâm.
 
Bằng chứng, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân của Việt Nam chỉ vào khoảng 4%, so với 7% của Trung Quốc và 5% của Hàn Quốc ở vào thời điểm những nước này có cùng trình độ phát triển như Việt Nam hiện nay.  “Với tốc độ tăng năng suất như hiện nay, Việt Nam khó có thể duy trì được đà tăng trưởng nhanh để theo kịp quỹ đạo phát triển của những nước như Hàn Quốc và Singapore”, Giám đốc Ngân hàng Thế giới chia sẻ.
 
Trước những vấn đề trên, một câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Việt Nam khắc phục trở ngại về năng suất lao động này? Làm thế nào để nền kinh tế Việt Nam tăng được năng lực sản xuất với cùng một mức đầu vào?
 
Để giải quyết vấn đề này, ông Ousmane Dione cho rằng, hiện trong từng lĩnh vực trong nền kinh tế vẫn còn nhiều dư địa để nâng cao hiệu quả, như nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong sản xuất công nghiệp, tăng cường chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực giao thông, vận tải, kho vận hậu cần, khả năng kết nối. Nhưng ngoài việc nâng cao hiệu quả, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị cũng là một yếu tố tối quan trọng để cải thiện năng suất.
 
Việc năng suất lao động tiếp tục tăng với tốc độ thấp là một vấn đề cần quan tâm. Ảnh minh họa
Việc năng suất lao động tiếp tục tăng với tốc độ thấp là một vấn đề cần quan tâm. Ảnh minh họa
 
“Một lần nữa, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là một ví dụ rõ ràng – chuyển đổi từ mô hình truyền thống là “lúa gạo – trồng cây ăn trái – nuôi tôm” sang một cơ cấu sản xuất có giá trị cao hơn là “nuôi tôm – trồng cây ăn trái – lúa gạo”. Liên kết hiệu quả giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI cũng là một yếu tố quan trọng, để Việt Nam dịch chuyển lên trong chuỗi giá trị toàn cầu để từ đó nâng cao năng suất”, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phân tích.
 
Một vấn đề nữa cũng được Giám đốc Ngân hàng Thế giới đưa ra là, cần đẩy mạnh đáng kể cải cách để xây dựng, củng cố thể chế thị trường hiệu quả nhằm nâng cao tốc độ tăng năng suất. Trong quá trình này cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, tập trung vào đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm gánh nặng chi phí, nhưng đồng thời cũng có nghĩa là nâng cao hiệu quả thị trường để tăng cường phân bổ nguồn lực, trong đó cần có sự định hướng thị trường nhiều hơn nữa để phân bổ nguồn lực sản xuất trên cả thị trường vốn và thị trường đất đai. Có như vậy mới bảo đảm để nguồn lực được luân chuyển thông suốt, sử dụng hiệu quả, có ích hơn.
 
Cần tăng cường chính sách về cạnh tranh để bảo đảm sân chơi minh bạch, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế.
 
Bên cạnh đó, cần hết sức chú trọng đến mục tiêu phát triển giáo dục, kỹ năng và đổi mới, sáng tạo trong các giải pháp nâng cao năng suất. “Về giáo dục cơ sở, Việt Nam đã đạt được kết quả tốt. Nhưng Việt Nam sẽ cần phải có những kiến thức, kỹ năng mới để góp phần nâng cao năng suất, và đặc biệt là đổi mới nền kinh tế”, ông Ousmane Dione phân tích.
 
Cần tiếp tục phát triển kinh tế tư nhân
 
Theo ông Ousmane Dione, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, các ngành sản xuất công nghiệp, chế tạo, chế biến, cũng như nông nghiệp và dịch vụ sẽ ngày càng phát triển lên trình độ phức tạp hơn. Để tiếp tục phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước sẽ cần phải đổi mới.
 
Những kỹ năng yêu cầu của người sử dụng lao động trong nước và nước ngoài sẽ có sự thay đổi, đòi hỏi thị trường lao động và các tổ chức giáo dục đại học phải thích nghi, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu lao động có kỹ năng, trình độ đào tạo cao. Tạo khuôn khổ thể chế, chính sách ưu đãi hiệu quả để thúc đẩy đổi mới là một yêu cầu quan trọng để duy trì tăng năng suất lao động bền vững.
 
Cuối cùng, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Việt Nam huy động, sử dụng các nguồn lực công khan hiếm một cách hiệu quả để đầu tư cho các mục tiêu phát triển lớn của mình trong vòng 5 năm tới.
 
Ông Ousmane Dione cho rằng, trong bối cảnh nguồn hỗ trợ phát triển ưu đãi đang giảm dần do Việt Nam mới đây đã được công nhận là nước thu nhập trung binh, Việt Nam sẽ ngày càng phải sử dụng nhiều nguồn nội lực hơn. Tăng cường nguồn thu trong nước, cùng các giải pháp nâng cao hiệu quả chi tiêu, năng lực quản lý nợ, đặc biệt là thị trường nợ trong nước, sẽ là các yếu tố quan trọng để bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển mà không làm nợ tăng lên đến mức thiếu bền vững.
 
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh các giải pháp tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư có chất lượng vào hạ tầng cơ sở để đóng góp đáng kể vào việc đáp ứng nhu cầu cấp bách về tăng năng suất lao động. Tôi hy vọng Luật đối tác công tư (PPP) mới, toàn diện hơn sẽ xử lý được nhiều vướng mắc hiện nay về PPP tại Việt Nam.
 
Một vấn đề cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là nguồn lực ODA sẽ cần được sử dụng một cách hiệu quả, chiến lược để bổ sung cho nguồn lực công trong nước, cũng như hướng tới thúc đẩy đầu tư tư nhân.    
 
Minh Ngọc

Ý kiến bạn đọc