"Chồng chéo" kiểm tra chuyên ngành: Vấn đề đau đầu của doanh nghiệp

06:33, 24/09/2017
|
(VnMedia) -  Theo Bộ Công Thương, vấn đề tồn tại đang được các doanh nghiệp hết sức quan tâm hiện nay là sự "chồng chéo" về kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, như sữa vừa phải kiểm dịch, vừa phải kiểm tra nhà nước về chất lượng thực phẩm nhập khẩu...
 
Nhằm nâng cao hiệu lực, thực hiện có hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, giảm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 và Quyết định 2026/QĐ-TTg.
 
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực chủ động triển khai rà soát các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Bộ Công Thương cho biết, vấn đề tồn tại đang được các doanh nghiệp hết sức quan tâm hiện nay, là sự "chồng chéo" về kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ví dụ như sữa vừa phải kiểm dịch, vừa phải kiểm tra nhà nước về chất lượng thực phẩm nhập khẩu).
 
Sự chồng chéo kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực an toàn thực phẩm là vấn đề nhiều doanh nghiệp quan tâm. Ảnh minh họa
Sự chồng chéo kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực an toàn thực phẩm là vấn đề nhiều doanh nghiệp quan tâm. Ảnh minh họa
 
“Nội dung này đã được thảo luận nhiều và hy vọng sẽ được tháo gỡ trong thời gian tới. Vấn đề đặt ra ở đây không phải là lựa chọn để xóa bỏ 1 trong 2 hình thức kiểm tra (kiểm dịch rồi thì không kiểm tra chất lượng hoặc ngược lại) bởi cả 2 đều cần thiết theo quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ sức khỏe con người”, Bộ Công Thương phân tích.
 
Cũng theo Bộ Công Thương, kinh nghiệm quốc tế cho thấy hướng đi đúng đắn là áp dụng triệt để nguyên tắc quản lý rủi ro để giảm tối đa tần suất kiểm tra, giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Trong lĩnh vực quản lý của mình, Bộ Công Thương đã triệt để áp dụng nguyên tắc này. Một hướng đi khác là chỉ thử nghiệm một lần tại một cơ sở kiểm nghiệm được chỉ định để xác định cả 2 nội dung cho doanh nghiệp nhằm tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp.
 
Liên quan đến việc đôn đốc các Bộ, ngành ban hành danh mục hàng hóa quản lý chuyên ngành và rà soát chồng chéo giữa các văn bản, Bộ Công Thương cũng cho hay, với vai trò là Bộ chủ trì triển khai thực hiện Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với các Bộ, ngành rà soát danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành và danh mục hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan của các Bộ, ngành để thực hiện đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian, danh mục hàng hóa phải kiểm tra trước thông quan theo tinh thần các Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ.
 
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để rà soát, xử lý những vướng mắc, tồn tại, đồng thời thống nhất ban hành các Danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết việc thi hành một số điều của Luật Quản lý ngoại thương.
 
Ngoài ra, Bộ Công Thương đang chủ động tham gia cùng Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm với các nội dung bổ sung các đối tượng miễn kiểm tra an toàn thực phẩm, phân loại thực phẩm theo nhóm nguy cơ để áp dụng phương pháp quản lý phù hợp, giải quyết các chồng chéo phát sinh,...
 
Dự thảo Nghị định đã được cộng đồng doanh nghiệp đối thoại góp ý để khắc phục các tồn tại bộc lộ thời gian qua.
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc