TP.HCM sẽ áp dụng công nghệ xử lý rác thành điện

15:08, 20/07/2017
|

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân vào sáng ngày 20/7 đã có buổi khảo sát dự án thực nghiệm sản xuất điện từ rác tại Khu chôn lấp rác Gò Cát - quận Bình Tân.

Dự án do Công ty MTV Môi trường đô thị TP.HCM và Công ty TNHH Thuỷ Lực – Máy phối hợp đầu tư.

Ông Nguyễn Gia Long - Giám đốc Công ty TNHH Thủy Lực - Máy cho biết, hiện nay tiến độ triển khai lắp đặt, vận hành dây chuyền máy móc thiết bị của công nghệ điện rác để xử lý rác công nghiệp chuyển hóa thành điện, hòa lưới điện quốc gia tại Khu xử lý chất thải rắn Gò Cát đã hoàn chỉnh.

Hệ thống lò hóa khí tại nhà máy điện rác Gò Cát
Hệ thống lò hóa khí tại nhà máy điện rác Gò Cát

Cụ thể, dây chuyền máy móc thiết bị của công nghệ điện rác gồm hệ thống thiết bị tiền chế như các thiết bị cắt sơ cấp và thứ cấp, các thiết bị ép viên rác công nghiệp, hệ thống 2 lò khí hóa đa nhiên liệu và hệ thống túi chứa khí tổng hợp (syngas), hệ thống 3 máy phát điện chạy khí syngas.

Cũng theo ông Long, sau 50 ngày vận hành thử nghiệm, nhà máy đã xử lý 500 tấn rác thải công nghiệp, đã phát ổn định và hòa vào lưới điện quốc gia 7MW; viên nhiên liệu đạt yêu cầu tỷ số nén cho mục đích khí hóa.

Ngoài ra, hoạt động lò khí, tốc độ khí hóa, thiết bị vận hành, hoạt động ổn định, không có sự cố, hệ thống chiếu sáng từ điện rác toàn khu vực hiệu quả.

Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng, mưa liên tục, kho bãi thiếu, thiếu mặt bằng lắp đặt hệ thống giải nhiệt nước làm nguội khí syngas cũng gây nên tình trạng phát tán mùi; hệ thống cấp khí cho máy phát điện nhỏ (đường ống vào máy nhỏ - thiếu khí gas) do vậy máy phát điện chạy không hết công suất thiết kế (chỉ đạt 45% công suất) khi nâng công suất hòa lưới điện. 

Theo ông Long, đây là công nghệ không ống khói, mở ra một giải pháp xử lý rác quy mô lớn, cả công nghiệp, sinh hoạt và cả rác thải độc hại.

Từ đó, Công ty TNHH Thủy Lực – Máy đề xuất xin xây dựng nhà máy điện rác công suất 20MW, xử lý rác công nghiệp tại Gò Cát.

Cần thiết áp dụng công nghệ điện rác

Tại buổi khảo sát và làm việc, đại diện các sở, ngành TP.HCM cho rằng, việc áp dụng công nghệ điện rác là rất cần thiết.

GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng - Phó Giám đốc Sở KHCN Thành phố nhận định, qua thời gian hoạt động thử nghiệm, nhìn chung thì hệ thống hoạt động tốt. Tuy nhiên, trong thời gian tới, công ty cần lấy các mẫu khí thải đầu ra để thử các yếu tố như bụi, chì, kim loại nặng…; hoàn chỉnh lắp đặt các hệ thống lọc hoặc xử lý khí để hạn chế mùi; phải có cách xử lý cho từng loại rác thải khác nhau vì hiện nay trong quá trình thử nghiệm thì đơn vị chỉ xử lý rác thải công nghiệp không nguy hại; chú ý vấn đề đảm bảo an toàn khu vực bể chứa khí vì bể chứa này hiện nay là bể chứa nước thải do Hà Lan tài trợ và công ty lắp bể cao su chứa tạm khí nên rất dễ cháy nổ.

Phát biểu tại buổi khảo sát và làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết Thành phố ủng hộ đề nghị của Bộ KHCN nhằm tạo điều kiện để Công ty TNHH Thủy Lực - Máy tổ chức sản xuất thí điểm công nghệ mới lần đầu tiên ở trong nước biến rác thành năng lượng mà không có chất thải ra môi trường.

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, TP.HCM mong muốn thử nghiệm mô hình có thể giải quyết nhu cầu bức thiết của Thành phố, tạo điều kiện để các nhà sáng chế phát triển mô hình.

dd
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với đại diện Công ty TNHH Thủy Lực - Máy khi tham quan dây chuyền nhà máy xử lý rác thành điện.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, mặc dù công nghệ này đã được Bộ Khoa và Công nghệ kiểm tra nhiều lần với hơn 10 sáng chế về xác nhận tính khoa học, nhưng để sản xuất hàng loạt cần phải qua thực tiễn tổ chức sản xuất là rất quan trọng.

Vì vậy, công ty cần tính toán hiệu quả kinh tế biến rác thành điện, tính bền vững của dự án; mô hình vận hành dự án; phải đo phát thải khí, cũng như vấn đề mùi của dự án; trên công nghệ nền phải chuẩn hóa cho các loại rác thải công nghiệp đặc thù; đảm bảo an toàn khu vực bể chứa khí thoát.

Mặt khác, để tạo niềm tin cho người dân về vấn đề môi trường xung quanh khu vực đặt nhà máy, công ty nên phối hợp với sở, ngành Thành phố và chính quyền địa phương cho người dân vào tham quan quy trình sản xuất của nhà máy.

Theo thanhuytphcm


Ý kiến bạn đọc