Phẫn nộ Trung Quốc đưa Hoàng Sa và Trường Sa vào quy hoạch

18:25, 23/09/2015
|

(VnMedia) - Trung Quốc vừa có hành động gây phẫn nộ khi ngang nhiên đưa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào quy hoạch biển của họ. Lại một lần nữa Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.
 

Ảnh minh họa

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình


Hôm nay (23/9), trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc vừa qua, Quốc vụ viện Trung Quốc thông qua “Quy hoạch khu chức năng chính về biển trên toàn quốc” trong đó bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của các bên nước ngoài ở khu vực này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và vô giá trị.
 
“Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nói trên của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ ngay hành động sai trái đó, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.”
 
Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Từ nhiều thế kỷ nay, ít nhất là từ thế kỷ 17, Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi hai quần đảo này còn là vô chủ. Các nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này một cách hòa bình, liên tục, phù hợp với luật pháp quốc tế mà không gặp phải sự phản đối của bất cứ quốc gia nào.
 
Trong thời kỳ Pháp thuộc (từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20), Chính phủ Pháp đã nhân danh Việt Nam tiếp tục quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời phản đối yêu sách của các nước khác đối với hai quần đảo này.
 
Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng đã được thừa nhận tại Hội nghị San Francisco tháng 9 năm 1951 – Hội nghị giải quyết vấn đề quy thuộc các vùng lãnh thổ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 với sự tham gia của 51 quốc gia. Tại Hội nghị này, Trưởng Phái đoàn Quốc gia Việt Nam, Thủ tướng chính phủ Bảo Đại Trần Văn Hữu đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp bất cứ sự phản đối nào từ 50 quốc gia tham dự còn lại. Mặt khác, đề xuất của đoàn Liên Xô trao chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc đã bị đa số đại biểu trong Hội nghị phản đối với tỷ lệ số phiếu là 46 phiếu chống.
 
Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về việc khôi phục hòa bình ở Đông Dương khẳng định các bên tham gia tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Theo Hiệp định, Pháp sẽ rút khỏi lãnh thổ của Việt Nam theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam và trong thời hạn thỏa thuận giữa các bên. Phù hợp với Hiệp định Giơ-ne-vơ, sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam năm 1956, Việt Nam Cộng hòa đã tiếp quản việc quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam Cộng hòa đã tuyên bố khẳng định chủ quyền và có các hành vi thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này. Trung Quốc là một trong những nước tham gia Hội nghị quốc tế về Đông Dương tại Giơ-ne-vơ 1954 biết rất rõ điều này và Trung Quốc có trách nhiệm tôn trọng các văn kiện quốc tế của Hội nghị đó.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc