Lát đá phố cổ: Nếu chi 1.000 tỷ mà thu 2.000 tỷ thì “làm tất”

07:08, 13/08/2015
|

(VnMedia) - Làm hay không làm là một bài toán kinh tế cần làm rõ bỏ ra cái gì, được cái gì. Nếu chi ra 1.000 tỷ mà thu lại 2.000 tỷ thì quá tuyệt, thậm chí nên làm tất cả các phố - KTS Trần Huy Ánh nói với VnMedia về chuyện lát đá phố cổ Hà Nội.
 
Lát đường phố bằng đá là việc rất xa hoa

 - Thưa KTS, ông nghĩ gì khi biết Hà Nội muốn lát đá tự nhiên cho 11 tuyến phố trong khu phố cổ?

Khi biết tin Hà Nội có thể sẽ tiến hành lát đá tự  nhiên cho 11 tuyến phố cổ, câu đầu tiên tôi đặt ra là lát để làm gì và giải pháp đó có phải là tối ưu không; nó sẽ có hình thức như thế nào, làm như thế có đẹp hơn không, có tốt hơn không, có đi lại dễ dàng không…, có rất nhiều câu hỏi đằng sau một mẩu tin khiến mình băn khoăn, tìm hiểu. Có rất nhiều câu hỏi, có quá nhiều ẩn số trong một câu chuyện như thế này như: làm để làm gì, có thuận tiện  hay không, đường này để đi bộ hay vẫn đi xe…, phải chăng là một chiến dịch làm giả cổ phố phường?...
 
Thực ra việc lát đá này nhiều năm trước chúng tôi (nhóm nghiên cứu thuộc Viện Quy hoạch và hội Kiến trúc sư Hà Nội - 1990) đã làm, nghiên cứu ở phố ẩm thực Tống Duy Tân. Thành phố lúc đó giao cho Sở Thương nghiệp làm phố ẩm thực và lúc ấy chúng tôi cũng đã nghĩ đến chuyện nếu phố Hàng Ngang, Hàng Đào làm phố đi bộ thì sẽ phải làm thế nào, mặt đường, khung cảnh… ra sao. Nhiều thứ mà khi động vào đó, Kiến trúc sư phải suy nghĩ, đặt ra câu hỏi.
 
Lúc đó, tìm hiểu kỹ về cả mặt lịch sử đường phố, qua khảo cổ, tư liệu địa chính, về tiến trình xây dựng đô thị Hà Nội… thì rõ ràng Hà Nội chưa bao giờ đủ tiền để lát đá. Đá là thứ không dễ để kiếm và dễ làm. Lát đường bằng đá là một việc rất xa hoa mà Hà Nội chưa hề có. Ngay cả cung điện vua chúa, kể cả trong Huế cũng chỉ lát một đoạn đi vào cung vì việc lát đá rất đắt đỏ, không phải thứ dễ để lát ở đường phố.
 
Và nhiều ẩn số cần lời giải đáp

Lát đá thực ra cũng chỉ là một giải pháp về chỉnh trang đô thị. Trước hết, đường làm ra là để đi, và phải đi an toàn. Riêng chuyện đi cũng cần phải xem xét là đi bộ hay đi xe cơ giới. Hiện nay chúng ta đang sử dụng hỗn hợp, chia giờ, chỉ đi bộ vào buổi tối, ban ngày vẫn có xe ô tô đi vào bình thường. Chuyện đi ô tô phải làm rõ, bởi tải trọng của con đường sẽ được thiết kế như thế nào thì tương ứng với kết cấu nền đường như thế. Tải trọng phụ thuộc vào chất lượng đá, kết cấu mặt đường sẽ chịu tải trọng của xe cơ giới như thế nào?
 
Ngay cả làm cho người đi bộ thôi cũng không thể làm đá vôi được. Đá vôi đang làm tràn lan ở Hà Nội là một loại vật liệu không thích hợp, bị ăn mòn axit và muối khoáng trong hơi nước rất lớn; nó cũng trơn, gây rêu và quá mỏng. Hiện tại đường lát đá không ổn, vỉa ba toa nghiêng, đi giầy cũng dễ ngã đau. Đó là những cái phải nghiên cứu. Vật liệu không chỉ phục vụ hình thức, nó là để làm đường nên phải an toàn.
 
Nhưng đây chỉ là ý kiến cần phải xem xét, chứ người ta đã nói là sẽ lát đá gì đâu? Mình chỉ đưa ra những yêu cầu, người ta thỏa mãn được những điều đó thì sẽ có cả một hệ thống giám định nhà nước, từ Bộ Xây dựng, đến các viện…, rất nhiều chuyên gia các cấp thẩm định. 
 
- Như vậy là ông không ủng hộ việc lát đá?
 
Lúc này chưa thể nói được là nên hay không. Như tôi đã nói ở trên, nếu định làm thì phải phân tích, trả lời đầy đủ các câu hỏi. Còn nếu nói không nên làm thì cũng phải phân tích tại sao lại không?
 
Thực tế nhiều phố đi bộ ở Tây đã lát đá rồi, tại sao mình lại không? Có phải mình không biết làm thì không nên làm? Nếu vậy thì mình không biết làm rất nhiều thứ, chả lẽ mình không làm gì? Nhưng vấn đề mình làm thế nào thì phải theo một cái chuẩn kỹ thuật. Rất nhiều phố đi bộ tôi từng đi qua được người ta lát đá, như ở Copenhaghen, Singapore, Pháp…, thậm chí ở Na Uy người ta nhập khẩu đá từ Ba Lan về để lát đường, những loại đá rắn, vuông, trông rất đẹp và sang trọng.
 
Nếu nói lát đá tốn kém, lãng phí thì cũng phải xem lại. Quận Hoàn Kiếm giờ đây đang trở thành một nơi giao thương mạnh mẽ. Sinh hoạt đường phố thu hút một lượng du khách không chỉ nước ngoài mà là người dân thành phố, là những bạn trẻ ở xung quanh… 

Xét về mặt kinh tế cho thấy ở đây đang phát triển. Không phải dễ gì một cái chợ thu hút được đông người. Có những thành phố "ma" tráng lệ mà không có người, nhưng thành phố còn sập sệ mà lại đông người đến thì phải thấy rằng đây là một lợi thế cạnh tranh. Trong khi nền kinh tế chuyển đổi còn nhiều khó khăn như thế này thì sức mua tăng là điều đáng mừng, phải tìm mọi cách để kích hoạt nó lên, chỉ có điều phải cân đối lại lợi ích của nó. Đặc biệt là về vấn đề đầu tư.
 
Việc lý giải một đoạn phố Tạ Hiện khi lát đá thì tốc độ giao thương buôn bán tăng lên, đây có thể là một tiền lệ, một ví dụ hay một bằng chứng để thuyết phục việc đầu tư nhiều tuyến phố hơn, với hy vọng việc cải tạo bề mặt tuyến phố kết hợp với bề mặt đường phố cộng thêm thiết kế về đô thị từ chiếu sáng, trang trí cho đến những bồn hoa, chỗ ngồi nghỉ, tạo nên một không gian hấp dẫn, một không gian doanh thương thu hút và có tính cạnh tranh cao, tạo nên một hình ảnh đặc trưng của tuyến phố là điều đáng quý.
 
Chỉ có điều, tất cả đó đều là tiền ngân sách, từ nguồn thu nên trước khi làm bất cứ điều gì nên có một nghiên cứu thật nghiêm túc, thật thuyết phục.

Ảnh minh họa

Phố Tạ Hiện - con phố đã được lát đá thử nghiệm


- Vậy theo KTS thì cần phải làm như thế nào?
 
Phải làm rõ, khi đầu tư cho một đường phố thì nó đem lại lợi ích như thế nào, đem lại việc tăng giao thương, tăng đóng góp cho ngân sách ra sao. Nếu con số đó thuyết phục thì chẳng có lý do gì mà không làm. Đây là giải pháp tăng cường không gian, thay vì phải đập bỏ, thu hồi cái này cái khác, phá bỏ chợ này chợ kia đi để trở thành trung tâm thương mại vắng vẻ thì biến một cái đường phố trở thành cái chợ đầy mầu sắc văn hóa, tận dụng được tối đa khung cảnh thì đây là một giải pháp kiến trúc tác động được đến phát triển xã hội, và là giải pháp tốt.
 
Đó là vấn đề kỹ thuật và kinh tế. Nhưng đối với một đô thị, mỗi một lần đầu tư như thế này thì chuyện quan trọng hơn rất nhiều, đó là đừng nhìn cái gì bề mặt mà phải thấy rằng, hạ tầng của nó phải được nâng cấp đồng thời. Những công trình phục chế tốn kém nhiều tiền của, nhưng không chỉ làm cho đường phố đẹp hơn, làm cho giá trị tài sản của nhà nước tại đó tăng lên, đồng thời lại đảm bảo các công trình kỹ thuật an toàn như cấp nước, phòng cháy chữa cháy, những khoảng giãn cách tối thiểu an toàn hơn… thì cũng phải nhìn nhận đó là những lợi ích khi đầu tư.
 
Đây là dự án sử dụng ngân sách, điều mắc mớ là người thu ngân sách và người tiêu ngân sách là hai người khác nhau. Người thu thì cố gắng thu, người tiêu thì cứ tiêu. Bây giờ, phải làm thế nào để cùng chung một mục tiêu là để chất lượng sống ở đô thị cao hơn, và Nhà nước là người điều hành nguồn vốn ấy một cách hiệu quả, không thể là đi vay nước ngoài, bởi đi vay mà làm chuyện này thì thật là phi lý, giống như chuyện đi vay để làm vỉa hè, trồng cây… ở một số chương trình nâng cấp đô thị.
 
Người ta chỉ nên đi vay khi số tiền ấy có thể kích hoạt được nền kinh tế, tái đầu tư, mang lại lợi ích trong tương lai. Để trả lời một cách thỏa đáng thì việc lát đá hay không lát đá có quá nhiều ẩn số cần được giải đáp.
 
- Khi nền kinh tế còn đang trong giai đoạn rất khó khăn, nợ công tăng cao như hiện nay thì chuyện chi tiêu kinh tế là rất nhạy cảm. Ông có nghĩ như vậy không?
 
Bản thân tôi cũng như bất kỳ người dân nào cũng lo lắng cho đất nước, bởi những chuyện không vui thì mình cũng sẽ là người gánh chịu. Những thông tin như hụt thu ngân sách do giá dầu giảm là một nỗi lo chung. Hơn ai hết, người cầm cân nảy mực quản lý, trước mỗi dự án thì nên thận trọng, nhưng thận trọng không có nghĩa là không nên làm gì. Nếu chứng minh được dự án đem lại lợi ích kinh tế thì đều nên làm. Anh có thể nhập khẩu đá từ Ý, Tây Ban Nha cũng được, nhưng phải nói được là đầu tư như thế này thì nó sẽ đem lại lợi ích như thế nào.
 
Ví dụ như đoạn phố Tạ Hiện đã thử nghiệm, bây giờ cần phải xem quận Hoàn Kiếm đầu tư cho đoạn phố đó mấy tỷ rồi thì ngân sách thu được ở chỗ đó có tăng lên không? Đo lường được sẽ thuyết phục được. Chứ nếu chỉ hỏi người dân, họ bảo thích lắm rồi làm thì nói thật, nếu nhà tôi được đem đá đến lát tôi cũng thích. Cái chính là tôi có đóng góp thêm cho xã hội hay không khi được hưởng lợi từ ngân sách nhà nước như vậy. Như chuyện vỉa hè, một số tuyến phố nhà nước bỏ ra rất nhiều tiền, nhưng người được lợi chỉ là những nhà có mặt tiền.
 
Còn bài toán về lát đá phố cổ, nếu Nhà nước bỏ ra 1.000 tỷ mà thu lại được 2.000 tỷ thì xứng đáng lắm, mà nếu nó lại đáp ứng được cả các vấn đề khác như bể phòng cháy, rồi có khi lại giành ra được một chỗ trống để trồng cái cây, có chỗ ngồi cho người đi bộ, vài đài phun nước… thì quá tuyệt. Mà nếu được như thế thì lát tất cả các phố cũng được.
 
Cho nên, hỏi có làm không hay bảo đừng làm thì đều phải cần trả lời những câu hỏi đó.
 
- Lát đá mặt đường hay xây dựng một công trình nào đó đều là những việc chung, có mục đích làm đẹp Thành phố. Vậy nhưng khi chủ trương vừa được đưa ra đã có nhiều ý kiến trái chiều, trong đó nhiều ý kiến không đồng tình. Theo KTS, tại sao lại như vậy?
 
Lát đá 11 phố cổ mới chỉ ở dạng đề án, xin chủ trương và chưa có câu hỏi nào được trả lời. Việc truyền thông vào cuộc sớm như thế này cũng tạo nên một không gian trao đổi thẳng thắn, bởi việc này không phải của Ban quản lý phố cổ, cũng không phải là của một ông quan chức hay cơ quan nào đó. Đây là vấn đề xã hội, có rất nhiều người có thể tham gia, trong đó có cả những người dân sống ở đó và cả những người không sống ở đó, có các chuyên gia nhìn nhận…
 
Việc thiếu công khai minh bạch mang lại thiệt hại cho tất cả các bên,  như một số vụ lùm xùm vừa qua. Tất cả những gì làm cho Thành phố đều phải là chuyện vui, đừng để mỗi chuyện làm cho Thành phố lại gây ra sự lo âu, băn khoăn, thiếu sự đồng thuận. Những việc làm vì cái chung, vì cái đẹp, tại sao lại phải làm trong tâm thế đối phó với dư luận?

Ví dụ như vấn đề chi phí. Về khái toán dự án này là bao nhiêu thì tôi nghĩ chắc là người ta phải có, chỉ có điều mới là chủ trương nên họ chưa tiện nói ra. Nhưng theo tôi, càng minh bạch thì càng dễ tìm được sự đồng thuận, câu chuyện sẽ trôi đi rất nhanh và người duyệt cũng sẽ tin tưởng hơn.
 
- Xin cảm ơn KTS về cuộc trao đổi.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc