Nhiều tuyến đường bị lún do "lỗi" thiết kế

11:14, 01/07/2015
|

(VnMedia) - Theo Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Giao thông Vận tải) qua công tác kiểm tra hiện trường của các dự án, tổng hợp các nguyên nhân làm cho hiện tượng hằn lún vệt bánh xe cho thấy vẫn còn tồn tại do các nguyên nhân về thiết kế; công tác quản lý chất lượng BTN chưa tốt, chưa đúng yêu cầu kỹ thuật…

>>
Nắng nóng gây hằn lún vệt bánh xe trên quốc lộ 1
>> Nguyên nhân nào gây lún hàng loạt tuyến đường vừa thông xe?

Ngày 30/6, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm thiết kế, thi công, quản lý chất lượng, xử lý hiện tượng hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường bê tông nhựa (BTN).

Theo ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ - Tổ phó Tổ đặc nhiệm xử lý chất lượng mặt đường BTN thuộc các dự án mở rộng QL1 và QL14, từ ngày 10/6 - 14/6/2015, Tổ đặc nhiệm đã triển khai 3 đợt công tác kiểm tra tại các dự án mở rộng QL1 qua các đoạn Ninh Bình - Dốc Xây, Hà Tĩnh - Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa - Phú Yên.

Qua thị sát thực tế hiện trường và báo cáo của Cục QLXD & CLCTGT, nhà đầu tư, Ban QLDA trong tháng 5/2015 vừa qua, xuất hiện nắng nóng kéo dài ở khu vực miền Bắc và miền Trung (nhiệt độ không khí đo được có nơi trên 40°c, trên mặt đường BTN có thời điểm đo được trên 70°C), trên một số đoạn tuyến thuộc các dự án mở rộng QL1 ở các tỉnh Thanh Hóa đến Quảng Bình đã xuất hiện trở lại hiện tượng hằn lún vệt bánh xe sâu 2,5cm trên các đoạn có tổng chiều dài từ 0,35 km đến 8,86 km gây ảnh hưởng đến khai thác và ATGT.

Về nguyên nhân hiện tượng hằn lún chưa được khắc phục triệt để, ông Hà đánh giá, qua công tác kiểm tra hiện trường của các dự án, tổng hợp các nguyên nhân làm cho hiện tượng hằn lún vệt bánh xe vẫn còn tồn tại do các nguyên nhân về thiết kế; công tác quản lý chất lượng BTN chưa tốt, chưa đúng yêu cầu kỹ thuật; một số đoạn khó khăn về GPMB phải cưỡng chế và bảo vệ thi công, gần nhà dân; một số đoạn tuyến lưu lượng và tải trọng xe quá lớn, tập trung ở các khu công nghiệp…

  Ảnh minh họa

Do nắng nóng kéo dài nên tại một số đoạn trên tuyến quốc lộ 1 đã xuất hiện hiện tượng hằn lún vệt bánh xe.

Để tăng cường chống hiện tượng hằn lún vệnh bánh xe hiện nay, ông Hà đề xuất các đơn vị tư vấn thiết kế phải nghiên cứu đề xuất các phương án kết cấu áo đường và vật liệu (chủ yếu là loại nhựa đường) đảm bảo phù hợp với từng đoạn tuyến, từng làn đường, từng vị trí đặc thù... đảm bảo phù hợp điều kiện tải trọng và điểu kiện khí hậu, thủy văn.

Ông cũng yêu cầu các nhà đầu tư, chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu, quy định về quản lý chất lượng các hạng mục BTN nói riêng và các hạng mục khác công trình thi công. Đảm bảo sự đồng bộ thông nhất các yêu cầu chất lượng của tất cả các khâu từ vật liệu đâu vào, thiết kế hỗn hợp, sản xuất hỗn hợp và thi công nghiệm thu.

“Phải tập trung vật liệu tối thiểu 70% tại trạm trước khi tiến hành thí nghiệm cấp phối và rải thử. Kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất BTN ở trạm trộn; chuẩn bị đầy đủ thiết bị, đủ số lượng lu và thực hiện đúng sơ đồ lu; tiếp tục tăng cường công tác siết chặt kiểm soát tải trọng phương tiện theo đề án đã được Chính phủ phê duyệt”, ông Hà lưu ý.

Muốn chống hằn lún phải có thiệt bị thảm bê tông nhựa tiên tiến

Tham dự hội nghị, ông Nguyễn Viết Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hải cho biết, nguyên nhân xuất hiện hiện tượng hằn lún vệt bánh xe là do khí hậu khắc nghiệt của miền Trung, thời tiết 40-41 độ C, kết hợp hấp thụ nhiệt mặt đường, lưu lượng xe lớn tạo lún. Theo ông Hải, nhiệt độ cao làm yếu mặt đường, nhựa không đủ chặt kết hợp xe quá tải làm lún đường.

Ông Hải cho biết, đến thời điểm hiện nay, hai dự án của gói thầu QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (QL14) đã đưa vào khai thác, không xuất hiện hiện tượng hằn lún vệt bánh xe. Nếu thi công như hiện nay, Tập đoàn Sơn Hà sẽ bảo hành 5 năm và cắm biển trước lúc thông xe để người dân và công luận cùng giám sát lời hứa.

Theo chia sẻ của ông Hải, để làm được điều đó, Tập đoàn Sơn Hải phải thi công đạt được các tiêu chuẩn thiết kế, kết thúc dây chuyền lu, các tiêu chuẩn, độ dẻo, độ rỗng dư đạt tiêu chuẩn thiết kế.

“Muốn làm được cần phải có thiết bị thảm dây chuyền BTN tiên tiến chất lượng cao. Thiết bị không tốt ảnh hưởng đến năng suất, tiến độ, chất lượng. Sử dụng lu lèn để làm độ chặt mặt nhựa đường cao hơn. Nhiều tuyến đường bị vá do vật liệu không đồng đều. Sơn Hải mua đá về gia công cho nguồn vật liệu đều để có cấp phối đều. Thiết bị vật tư có vai trò lớn nhưng con người mới là quan trọng”, ông Nguyễn Viết Hải khẳng định.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đánh giá: mặc dù Bộ GTVT đã có chỉ đạo và đưa ra nhiều giải pháp về hiện tượng hằn lún vệt bánh xe, nhưng vẫn còn xảy ra cục bộ ở một số công trình, gói thầu dự án, rải rác khắp các vùng, miền và cả các dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư.

“Thời gian qua, người dân hết sức quan tâm đến vấn đề này, ảnh hưởng đến uy tín người làm cầu, đường. Nguyên nhân có cả chủ quan và khách quan, nhưng nhìn nhận rằng, vừa khai thác có xuất hiện hằn lún trong thời gian ngắn thì yếu tố chủ quan nhiều hơn. Dưới tác động của thời tiết xe quá tải đẩy nhanh hằn lún hơn. Ngoài yếu tố nhà thầu còn có quản lý dự án, tư vấn giám sát chưa thật chặt chẽ, ý tưởng giải pháp chưa được xem xét đầy đủ giữa các bên”, ông Đông nói.

Về giải pháp trong thời gian tới, Thứ trưởng yêu cầu tăng cường vai trò của các chủ thể như ban quản ý dự án, nhà đầu tư, tư vấn giám sát công bố kết quả hàng năm. Lãnh đạo Bộ thống nhất về đánh giá bảng xếp hạng đơn vị của năm 2014. Những đơn vị nào làm kém thì sẽ không được xem xét làm các dự án về sau, kéo dài thời gian bảo hành nhà đầu tư phải bỏ tiền ra khắc phục.

“Bộ luôn nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân khách-chủ quan, tiến tới lâu dài hạn chế, khắc phục triệt để. Phải có hệ thống quản lý chất lượng nội bộ của nhà đầu tư, nhà thầu, ban quản lý. Công tác thí nghiệm thiết kế bê tông nhựa phải hết sức kỹ lưỡng. Tìm ra được sơ đồ trộn, rải nhựa, thi công thì giống như đơn thuốc, cứ uống đúng, đủ liều sẽ khỏi bệnh”, Thứ trưởng nhấn mạnh.


Tùng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc