Phát hiện nhiều sai phạm tại Đại học Mở TPHCM

16:14, 09/03/2015
|

(VnMedia) - Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã phát hiện và kết luận Trường Đại học Mở TP.HCM  mắc rất nhiều sai phạm trong đào tạo - tuyển sinh, thu học phí, quản lý, đầu tư, xây dựng... giai đoạn 2010-2012.

Sai phạm trong tổ chức bộ máy, nhân sự

Theo kết luận thanh tra việc thực hiện Nghị định số 43/2006 của Chính phủ tại Trường Đại học Mở TPHCM thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (giai đoạn 2010-2012) vừa được Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng ký, Đại học Mở TPHCM đã mắc nhiều thiếu sót, sai phạm trong tổ chức bộ máy, nhân sự. 

Cụ thể, Trường Đại học Mở TPHCM không ban hành quy chế tuyển dụng, không xây dựng quy định về tiêu chuẩn vị trí chức danh, việc làm cần tuyển làm căn cứ để xem xét tuyển dụng; không xây dựng kế hoạch tuyển dụng hàng năm trước khi tuyển dụng; việc tuyển dụng chỉ căn cứ vào nhu cầu và đề nghị tuyển dụng của các đơn vị; có một số trường hợp không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giảng viên của trường…

Việc quy hoạch lãnh đạo trường có một số trường hợp chưa phù hợp với hướng dẫn của Ban cán sự đảng Bộ GD&ĐT; chưa xây dựng quy định, quy trình điều động, luân chuyển, từ chức, cách chức. Việc bổ nhiệm trưởng khoa chưa đúng với quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo, quản lý của trường theo Quyết định 153/QĐ-ĐHM ngày 8/4/2008.

Ảnh minh họa

Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều sai phạm tại Đại học Mở TPHCM.


Tuyển sinh - đào tạo:  Cũng “có vấn đề”

Theo kết luận của TTCP, việc tuyển sinh đào tạo sau đại học liên kết với nước ngoài của Trường Đại học Mở TPHCM nhiều học viên trúng tuyển thiếu điều kiện yêu cầu về kinh nghiệm công tác, thiếu chứng chỉ ngoại ngữ hoặc có chứng chỉ ngoại ngữ nhưng không đúng yêu cầu; một số trường hợp thiếu cả hai điều kiện về ngoại ngữ và kinh nghiệm.

Học viên trúng tuyển đào tạo thạc sĩ trong nước chưa đảm bảo điều kiện dự thi theo Quyết định của Bộ GD&ĐT và Quy chế của Trường. Số lượng học viên nhiều nhưng lực lượng giảng viên giảng dạy và cán bộ quản lý còn thiếu, tài liệu và sách tham khảo còn ít... đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Trong việc tuyển sinh, đào tạo đại học, cao đẳng chính quy, đại học văn bằng 2 và đào tạo đặc biệt, lực lượng giảng viên cơ hữu của Trường thiếu về số lượng, trình độ một số giảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên còn hạn chế…

Đối với việc tuyển sinh, đào tạo đại học, Trường Đại học Mở TPHCM tuyển sinh vượt chỉ tiêu so với số lượng Bộ GD&ĐT đã phê duyệt: Năm 2010 vượt 1.082 sinh viên (33,3%); năm 2011 vượt 1.026 sinh viên (40,2%).

Nhiều sinh viên trúng tuyển trong 3 năm (2010-2012) chưa đảm bảo điều kiện tham gia dự thi theo quyết định của Bộ GD&ĐT. Việc tổ chức đào tạo, quản lý đào tạo vào ban đêm cáp bằng đại học chính quy là không đúng với các quy định của Bộ GD&ĐT.

Thanh tra Chính phủ còn phát hiện trong đào tạo vừa làm - vừa học, đào tạo từ xa, đào tạo ngắn hạn tại Trường Đại học Mở TPHCM đều “có vấn đề”. Trước khi liên kết đào tạo tại địa phương, trường này không lập hồ sơ liên kết đào tạo đề nghị Bộ GD&ĐT phê duyệt. Năm 2010 trường tự ra đề thi khối C cho 2 kỳ thi tuyển sinh ngành Luật Kinh tế (ngành chưa đủ điều kiện tuyển sinh hệ vừa làm- vừa học), trái với quy định Quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng hình thức vừa làm, vừa học.

Thu học phí rồi gửi vào ngân hàng hưởng lãi suất

Cũng theo kết luận của TTCP, Trường Đại học Mở TPHCM tự ban hành và thực hiện một số mức thu học phí, lệ phí vượt quy định của nhà nước; một số khoản thu có tính chất phí, lệ phí ngoài danh mục quy định của nhà nước. Thu học phí chương trình đào tạo đặc biệt khi chưa có ý kiến cho phép của Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Nhà trường chưa nộp đầy đủ tiền thu học phí, lệ phí vào Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi theo quy định, mà gửi có kỳ hạn từ 3-6 tháng vào ngân hàng thương mại để hưởng lãi suất trong đó số tiền gửi có kỳ hạn gửi ngân hàng thương mại gồm cả nguồn tiền thuộc ngân sách nhà nước và nguồn không thuộc ngân sách.

Về chi, Trường không thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với giảng viên theo quy định của Bộ GD&ĐT. Ngược lại, một số giảng viên cơ hữu và giảng viên được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo tại một số khoa và ban có thù lao giảng dạy cao hơn 3-5 lần so với lương cấp bậc và phụ cấp chức vụ Nhà nước quy định. Một số giảng viên cơ hữu có số giờ dạy (sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ giảng dạy theo quy định) vượt quá 200 giờ tiêu chuẩn/năm.

Trường trích lập quỹ học bổng 3 năm không đảm bảo mức tối thiểu 15% thu học phí chính quy theo quy định của Bộ GD&ĐT. Tổng số trích còn thiếu trong 3 năm 2010-2012 là trên 20,7 tỷ đồng; trong đó năm 2010 Kiểm toán Nhà nước kiến nghị trên 8,87 tỷ đồng nhưng trường chưa thực hiện, năm 2011 thiếu trên 7,6 tỷ đồng, năm 2012 thiếu 4,24 tỷ đồng (không kể chương trình đào tạo đặc biệt).

Đầu tư xây dựng dàn trải

Ngoài ra, kết luận TTCP cũng chỉ rõ các công tác về quản lý, đầu tư, xây dựng của ĐH Mở TP.HCM cũng có nhiều sai phạm dàn trải, không tập trung, mục đích đầu tư chưa thực hiện được; các gói thầu thi công đều chậm. Chủ đầu tư không quản lý chặt chẽ, khiến hầu hết nhà thầu đều bộc lộ những vi phạm nghiêm trọng...

Kết luận TTCP chỉ rõ những sai phạm này trách nhiệm thuộc về hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng phụ trách lĩnh vực phân công thời kỳ 2007-2012, lãnh đạo các khoa, phòng trung tâm thời kì 2010-2012.

Với sai phạm trên TTCP kiến nghị Thủ tướng chính phủ chỉ đạo các Bộ GD&ĐT, Bộ Nội Vụ, Bộ Tài chính nghiên cứu ban hành các quy định, quy chế phù hợp. Yêu cầu Bộ GD&ĐT chấn chỉnh công tác quản lý, chấm dút việc đào tạo không đúng quy định…


Thuỳ Minh

Ý kiến bạn đọc