Đảm bảo quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam.

20:15, 17/03/2015
|

(VnMedia) - Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu hoàn thiện các quy định có liên quan trong Bộ luật tố tụng hình sự để đảm bảo tốt hơn quyền con người, đặc biệt là quyền của người bị bắt, bị tạm giữ...

Đó là một trong những nội dung trong Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (gọi tắt là Công ước chống tra tấn) mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt.

Theo kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành liên quan cần triển khai tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tra tấn và nội dung Công ước chống tra tấn; nội luật hóa và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật đáp ứng yêu cầu của Công ước chống tra tấn; hợp tác quốc tế trong phòng, chống tra tấn...

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao và các Bộ: Công an, Tư pháp, Quốc phòng nghiên cứu hoàn thiện các quy định có liên quan trong Bộ luật tố tụng hình sự để đảm bảo tốt hơn quyền con người, đặc biệt là quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam.

Các Bộ ngành liên quan phải nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các quy định có liên quan của Bộ luật dân sự, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo để đảm bảo tốt hơn quyền con người và phù hợp hơn với yêu cầu của Công ước chống tra tấn; xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về đạo đức nghề nghiệp cán bộ, công chức, bảo đảm tôn trọng quyền con người khi thi hành công vụ; nghiên cứu, rà soát pháp luật về bạo lực tại nơi làm việc, bạo lực giới, bạo lực gia đình, bạo lực với trẻ em và các đối tượng yếu thế, để có những điều chỉnh đồng bộ bảo vệ các nhóm đối tượng trên và phù hợp với Điều 16 của Công ước chống tra tấn...

Trước đó, sáng 28/11/2014, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

Theo nghị quyết, Việt Nam xây dựng, hoàn thiện pháp luật để phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

ghị quyết không coi quy định tại khoản 2 Điều 8 Công ước là cơ sở pháp lý trực tiếp để dẫn độ. Theo đó, việc dẫn độ sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam, trên cơ sở các hiệp định về dẫn độ mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia hoặc nguyên tắc có đi có lại.

Khoản 2 điều 8 của công ước quy định nếu một quốc gia thành viên chỉ cho phép dẫn độ khi có điều ước quốc tế về dẫn độ mà nhận được yêu cầu dẫn độ của một quốc gia thành viên khác không có điều ước quốc tế về dẫn độ với mình thì quốc gia đó có thể coi Công ước này là cơ sở pháp lý cho việc dẫn độ đối với những hành vi phạm tội này. Việc dẫn độ sẽ phải tuân thủ những điều kiện khác do pháp luật của quốc gia được yêu cầu dẫn độ quy định.

Nghị quyết bảo lưu quy định tại điều 20 và khoản 1 điều 30. Cụ thể, Điều 20 quy định nếu Ủy ban chống tra tấn (được thành lập theo quy định của Công ước) nhận được thông tin đáng tin cậy chứa đựng những dấu hiệu có cơ sở là việc tra tấn đang được tiến hành một cách có hệ thống trên lãnh thổ của một quốc gia thành viên, Ủy ban sẽ mời quốc gia thành viên đó hợp tác trong việc kiểm tra thông tin và vì mục đích này, đưa ra ý kiến về những thông tin liên quan đó.


Mỹ Hạnh

Ý kiến bạn đọc