Đề xuất làm trước 1 đường cất cánh sân bay Long Thành

09:08, 25/02/2015
|

(VnMedia) - Với phương án 1 đường cất hạ cánh, theo tính toán có thể đảm bảo 254.000 lần cất hạ cánh/năm. Nếu tính bình quân 150 hành khách một chuyến thì công suất tối đa là 38 triệu lượt hành khách/năm.

>>
Sân bay Long Thành có gì đặc biệt nổi trội?                
>>
Sân bay Long Thành: Một quyết định, trăm mối lo!            
>>
Lộ đơn vị tài trợ 2 tỷ USD xây sân bay Long Thành    
>
> Sẽ chuyển 80% chuyến bay quốc tế về Long Thành            
>>
Xây sân bay Long Thành: Con cháu sẽ trả nợ?            
>>
Tân Sơn Nhất: Không mở rộng vì "nghẽn" bầu trời            
>> "Xây sân bay Long Thành là phí nếu vẫn dùng Tân Sơn Nhất"            
>> Bộ Giao thông: "Sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải"           
>>
Báo cáo Bộ Chính trị dự án sân bay Long Thành                  

Ngày 24/2, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan nghe báo cáo về Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV) đã đề xuất với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải nên đầu tư giai đoạn 1 của Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành với một đường cất hạ cánh, một nhà ga với công suất 25 triệu hành khách/năm. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 6 tỷ 598 triệu USD (trước đây là 7,8 tỷ USD).

Theo ông Đinh Việt Thắng, Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, với phương án 1 đường cất hạ cánh, theo tính toán của Tổng công ty có thể đảm bảo 254 nghìn lần cất hạ cánh/năm. Nếu tính bình quân 150 hành khách một chuyến thì công suất tối đa là 38 triệu lượt hành khách/năm.

“Đối với 1 đường cất hạ cánh của sân bay mới thì có nguy cơ lớn nhất nếu có sự cố trên đường cất hạ cánh phải thực hiện giải tỏa mất thời gian. Tuy nhiên, khi đó sẽ có phương án dự phòng của Tân Sơn Nhất. Bên cạnh đó, hiện nay có trang thiết bị kích máy bay thì có thể giải tỏa máy bay trong 1-2 giờ. Hơn nữa, trên thế giới một số sân bay lớn hiện nay khi thực hiện giai đoạn đầu cũng chỉ có một đường cất hạ cánh, như sân bay Kansai của Nhật Bản. Họ cũng khai thác 1 đường cất hạ cánh trong vòng 5 năm đầu tiên, sau đó họ triển khai giai đoạn 2”, ông Thắng nói về những lo ngại nếu sân bay chỉ có duy nhất một đường cất hạ cánh.

  Ảnh minh họa

Phối cảnh một góc của Sân bay quốc tế Long Thành. Ảnh: Chinhphu  

Đồng ý đề xuất làm trước một đường cất, hạ cánh

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia đã nằm trong quy hoạch và đã được công bố quy hoạch từ năm 2005.

“Bộ Giao thông vận tải đã trình Quốc hội một lần cho ý kiến. Chúng ta phải tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia trong và ngoài nước, giải trình làm rõ để xây dựng được một dự án có căn cứ, có hiệu quả. Chúng ta không làm đối phó. Giải trình cho chính chúng ta làm, giải trình cho dự án tốt hơn, có chất lượng hơn, để khi chúng ta triển khai sẽ đảm bảo theo đúng những gì đã chuẩn bị và có hiệu quả”, Bộ trưởng nói.

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đề nghị các cơ quan liên quan làm lại Tờ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó tập trung nêu rõ: làm một đường cất hạ cánh ở giai đoạn 1, sau này làm kín hay mở thì tùy thuộc vào thực tế, tuy nhiên, không ảnh hưởng đến quy mô tổng thể của quy hoạch.

Bộ trưởng cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát lại tổng mức đầu tư của dự án; rà soát lại tất cả các hạng mục không cần thiết ở giai đoạn 1, cái gì doanh nghiệp làm được thì để doanh nghiệp làm và phải kêu gọi tối đa xã hội hóa đầu tư.

“Đối với việc phần kỳ đầu tư, phải chỉ rõ giai đoạn 1 chỉ đầu tư một nhà ga, 1 đường cất hạ cánh. Theo quy hoạch, theo chiến lược và nhu cầu đầu tư thực tế để quyết định thời điểm đầu tư tiếp”, Bộ trưởng yêu cầu.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng đề nghị Vụ Kế hoạch đầu tư, ACV phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát hoàn chỉnh lại báo cáo dự án để trình Chính phủ.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư hơn 18 tỷ USD, được phân kỳ đầu tư thành 3 giai đoạn. Giai đoạn một khoảng 7,8 tỷ, giai đoạn hai hơn 3,8 tỷ và giai đoạn ba hơn 7 tỷ USD.

Trong giai đoạn 1 (đến 2025): hình thành Cảng hàng không quốc tế trung chuyển, công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, nhằm hỗ trợ việc quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
 
Giai đoạn 2 (đến 2030): nâng công suất khai thác lên 50 triệu hành khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 3 (sau 2030): nâng công suất khai thác lên 100 triệu hành khách/năm, 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
 
Theo Bộ Giao thông vận tải, lý do cần phải xây dựng sân bay quốc tế Long Thành là để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không khi Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện nay đã đạt công suất thiết kế và trở nên quá tải, đồng thời hình thành và phát triển một cảng hàng không quốc tế trung chuyển có quy mô tầm cỡ trong khu vực nhằm phục vụ Chiến lược phát triển vận tải hàng không Việt Nam...


Tùng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc