Mở nhà hàng, quán cà phê trên cầu Long Biên?

15:09, 10/12/2014
|

(VnMedia) - Trên 9 nhịp cầu nguyên thủy sẽ được bảo tồn nguyên trạng và cải tạo theo phương pháp cũ để triển lãm 2 đầu tàu hơi nước, với những toa xe cũ thành quán café và nhà hàng, được đặt trên một nền kính trong suốt…

>>
Xây cầu vượt sông mới cách cầu Long Biên 75m  
>>
Hà Nội báo cáo phương án xây cầu Long Biên mới     
>>
Di dời cầu Long Biên để xây cầu vượt đường sắt mới?  
 
Sáng 10/12, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam và Công ty Tư vấn Đầu tư và Phát triển cầu Long Biên đã tổ chức hội thảo “Cầu Long Biên giải pháp nào để bảo tồn và phát triển?”. Hội thảo được tổ chức nhằm tìm giải pháp để bảo tồn cầu Long Biên sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định bảo tồn nguyên trạng cây cầu lịch sử gắn liền với lịch sử hơn 100 năm của Hà Nội này.
 
Theo KTS. Nguyễn Nga, Chủ tịch HĐQT Công ty tư vấn đầu tư và phát triển cầu Long Biên, cầu Long Biên như một phần ký ức của lịch sử Hà Nội. Cây cầu này là một hình ảnh kiến trúc đô thị, cũng như gắn liền với cuộc sống với khu phố cổ, khu phố cũ của Hà Nội với nhiều kỷ niệm, nhiều sự kiện lịch sử mà Hà Nội không thể quên. Tuy nhiên, trải qua hơn 100 năm cây cầu lịch sử này đã xuống cấp và cần được bảo tồn, tu bổ.
 
Tuy nhiên, cầu Long Biên hiện nay đã xuống cấp trầm trọng ở mức báo động từ sau năm 2010, việc bảo dưỡng, duy tu chưa được chú trọng, các thanh sắt, ốc vít hoen rỉ, có nguy cơ sập xuống bất cứ lúc nào cho nên việc cải tạo là đương nhiên và cấp bách.
 
Đề cập đến việc bảo tồn cây cầu này, bà Chủ tịch HĐQT Công ty tư vấn đầu tư và phát triển cầu Long Biên cho rằng, cần bảo tồn nguyên dạng giá trị gốc của cầu Long Biên, giữ gìn sự tồn tại của cầu Long Biên theo dạng hình thức vốn có của nó.

Cầu Long Biên. Ảnh: Hoàng Hà

Mặc dù đã xuống cấp nhưng hàng ngày vẫn rất nhiều đoàn tàu qua lại cầu Long Biên. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, theo bà, việc bảo tồn nguyên dạng giá trị gốc có nghĩa là chỉ cố gắng giữ lại những yếu tố gốc khi có thể và có thể thay thế bằng những yếu tố mới khi cần thiết nhưng không đánh mất đi giá trị, sự hài hòa giữa cái cũ và mới và đáp ứng được nhu cầu sống của người dân đương đại.
 
“Mục tiêu của bảo tồn, cải tạo, phát triển đồng bộ cầu Long Biên, khớp nối với khu cân cư hiện có và các dự án đang triển khai trong khu vực đáp ứng nhu cầu phát triển của thủ đô Hà Nội, đảm bảo điều kiện môi trường phát triển bền vững, góp phần phát triển đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội của thành phố”, bà nhấn mạnh.
 
Biến cầu Long Biên thành một bảo tàng?
 
Chủ tịch HĐQT Công ty tư vấn đầu tư và phát triển cầu Long Biên nhận xét, thực tế phát triển du lịch của Hà Nội trong những năm qua cho thấy, thành phố còn thiếu những điểm nhấn về lịch sử, văn hóa mà trong đó địa điểm cầu Long Biên chưa được khai thác và phát triển đúng tiềm năng.

Chính vì vậy, việc lập đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát triển di sản văn hóa du lịch của cầu Long Biên trở thành một điểm du lịch độc nhất tại Thủ đô cũng như trong và ngoài nước là điều tất yếu. Từ phân tích trên, bà đề nghị bảo tồn cầu cạn của cầu Long Biên trở thành vườn treo và gầm cầu thành vườn nghệ thuật, làng nghề truyền thống:
 
Theo KTS Nguyễn Nga, khu vườn treo dạo chơi trên cao sẽ kéo dài đến ga Long Biên và cây cầu thép. Kiểu quy hoạch này cho phép người đi bộ đi lại an toàn ở khu vực trung tâm phố cổ, thoát khỏi tình trạng tắc đường mà vẫn có một góc nhìn đặc biệt về thành phố. Hai làn đường bên cầu dành cho người đi bộ.
 
Cùng với đó sẽ cải tạo hệ thống gầm cầu thành phố vườn nghệ thuật giới thiệu các sản phẩm làng nghề truyền thống, bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật.
 
“Trên 9 nhịp cầu nguyên thủy sẽ được duy trì bảo tồn nguyên trạng và cải tạo theo phương pháp cũ đinh tán rỉ - vê để triển lãm 2 đầu tàu hơi nước, những toa xe cũ thành quán café và nhà hàng, được đặt trên một nền kính trong suốt để thấy được tất cả mố trụ cầu cũ, đường ray xe lửa cũ cũng như sông Hồng chảy bên dưới”, bà Nga nói về ý tưởng xây dựng một bảo tàng và giao thông xanh trên thân cầu Long Biên.

KTS Nguyễn Nga đề xuất, những nhịp cầu bị mất bởi chiến tranh sẽ được tái dựng lại với công nghệ đúc thép hiện đại và được phủ kính trong suốt để làm khu triển lãm, bảo tàng.
 
Theo đó, sẽ đúc mới 10 nhịp cầu bị phá để hoàn chỉnh cây cầu về thiết kế nguyên bản năm 1902. Trên những đoạn cầu mất nhịp được tái hiện lại, với chiều dài là 800 mét x chiều rộng 5 mét thì sẽ có được khoảng không gian 4.000m2.
 
Với khoảng không gian này, tầng một sẽ làm các phòng tranh. Tầng hai làm Bảo tàng Ký ức lịch sử thế kỷ XX trong đó tại hiện hình ảnh Việt Nam đã thay đổi cục diện thế giới qua 3 cuộc kháng chiến thần thành. Bảo tàng này được thực hiện bằng kính dựa trên khung thép của cầu Long Biên nguyên thủy và dùng năng lượng xanh từ mặt trời, từ gió và dòng sóng. 
Riêng khu vực bãi giữa sông Hồng sẽ trở thành quảng trường, triển lãm quốc gia Nông – Lâm – Ngư Việt Nam, công viên nghệ thuật.
 
“Việc thực hiện dự án sẽ đưa cầu Long Biên thành điểm nhấn lịch sử văn hóa du lịch mang lại tính chất sạch, không khói, kiểu mẫu – là cầu kết nối các dự án trong khu vực nhằm tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh đô thị, gắn kết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai với mục tiêu thu hút 2 triệu khách quốc tế và 10 triệu khách nội địa hằng năm. Đáp ứng nhu cầu học học, nghiên cứu các yếu tố lịch sử, văn hóa của du khách và người Thủ đô…”, bà Nga nói.
 
Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm với Long Biên của Hà Nội với kiểu dáng độc đáo do hãng Eiffel thiết kế. Cầu được khởi công xây dựng vào ngày 12/9/1898 và sau hơn 3 năm 9 tháng thì hoàn thành. Cầu dài 2290 mét qua sông và 896 mét cầu dẫn, gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40 mét và đường dẫn xây bằng đá.

Tùng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc