“Đừng mang gánh nặng lớn đặt lên cầu Long Biên”

06:41, 12/12/2014
|

(VnMedia) - TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội đã phải thốt lên như vậy khi đại diện Công ty Tư vấn Đầu tư và Phát triển cầu Long Biên đề xuất phương án bảo tồn cầu Long Biên thành một bảo tàng, làng nghề, vườn treo…

>>
Cà phê cầu Long Biên: Lãng mạn, khó khả thi?
>> Mở nhà hàng, quán cà phê trên cầu Long Biên?
>> Xây cầu vượt sông mới cách cầu Long Biên 75m      
>>
Hà Nội báo cáo phương án xây cầu Long Biên mới     
>>
Di dời cầu Long Biên để xây cầu vượt đường sắt mới?    
 
Theo TS Đào Ngọc Nghiêm, việc bảo tồn cầu Long Biên, có mấy vấn đề cần xem xét. Việc đầu tiên cần làm ngay là phải đôn đốc để sớm bảo tồn cầu. Tuy nhiên, theo ông, để được bảo tồn, cầu Long Biên cần phải được công nhận là di tích.
 
Theo đánh giá của ông Nghiêm, trong suốt 10 năm vừa qua, việc bảo tồn cầu Long Biên mới đẩy lên được chút ít nhưng hiện nay đang mắc ở chỗ không biết phải công nhận là di tích lịch sử quốc gia hay là cái gì.
 
Ông Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng, với cầu Long Biên phải xác định rõ là bảo tồn như thế nào thì có nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng nên bảo tồn nguyên trạng nhưng cũng có ý kiến cho rằng nên kế thừa để phát triển.
 
Tuy nhiên, với góc độ cá nhân, ông Nghiêm cho rằng nên bảo tồn nguyên trạng cầu Long Biên nhưng phải gia cố để bảo tồn bền vững.

  Ảnh minh họa

  Cầu Long Biên cây cầu lịch sử hơn 100 năm tuổi, gắn nhiều với những kỷ niệm hào hùng một thời của Hà Nội đang xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Vũ Ngọc

Theo quan điểm của ông Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, bảo tồn không phải chỉ bảo tồn một di vật mà phải bảo tồn cả không gian và cảnh quan xung quanh, bảo tồn hình dáng, phong cách, vật liệu. Bảo tồn nhưng chấp nhận thích ứng với đời sống đương đại, hài hòa với tổng thể không gian xung quanh, phù hợp với quy hoạch đã được pháp lý công nhận.

"Bảo tồn và phát huy giá trị cầu Long Biên nhưng đừng mang gánh nặng lớn đặt lên cầu Long Biên, nào bảo tàng, làng nghề, vườn treo.... Cầu Long Biên chỉ là một phần của di sản ở Hà Nội. Đừng ôm tất cả vào cầu Long Biên. Vì vậy, nên đặt đúng chức năng là cây cầu đảm bảo giao thông không khói, đi bộ”, ông Nghiêm nêu quan điểm.  
 
Đề cập đến việc khai thác bãi giữa sông Hồng, ông Nghiêm cho biết, việc khai thác bãi giữa nhiều nước thèm muốn. Từ nhiều năm trước đây, đã có 2 dự án về khai thác bãi giữa của Trung Quốc và Ấn Độ nhưng vướng vấn đề trị thủy nên không thể triển khai.
 
Cầu Long Biên sẽ được bảo tồn như thế nào?

Tham dự hội thảo, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải Việt Nam (TEDI) – đơn vị đang chủ trì việc xây dựng cầu Long Biên mới và bảo tồn cầu Long Biên cũ cho biết, để "đại tu" cho Long Biên, đồng thời phục dựng lại đủ các nhịp cầu đã mất cần một khoản kinh phí rất lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh còn hạn chế về kinh tế như hiện nay, việc đổ tiền vào chỉ để có một cây cầu đi bộ như Long Biên là lãng phí.

Do vậy, theo ông, dù quyết định bảo tồn cầu Long Biên đã được thông qua, TEDI vẫn đề xuất nên kết hợp việc tôn tạo, trùng tu cầu với mục đích khai thác Long Biên cho xe cơ giới.

Theo ông, các kết cấu xuống cấp cần được xử lý triệt để, phần đường sắt hiện có sau khi dỡ bỏ sẽ được nâng cấp thành làn đường cho ô tô, còn các phần "cánh gà" cho xe đạp hiện nay được mở rộng thêm một chút để dành cho xe máy và đường đi bộ.

Như vậy, cùng với việc khôi phục hình dáng cũ, Long Biên sẽ vừa có chức năng vãn cảnh, vừa phục vụ giao thông trong bối cảnh Hà Nội đang rất cần những cây cầu nối 2 bờ sông Hồng.

Ông Tổng giám đốc Teddy cho rằng, vấn đề cần phải đặt ra khi cải tạo cầu Long Biên là phải lựa chọn hình ảnh cầu trong giai đoạn nào để khôi phục. Nếu chọn trong giai đoạn chiến tranh phá hoại để khôi phục, cầu sẽ có hình ảnh nguyên gốc. Phải tính đến khả năng kết hợp sử dụng cho giao thông qua cầu.

"Cầu sau khi được cải tạo có được sử dụng cho giao thông hay không? Nếu chỉ sử dụng để đi bộ sẽ lãng phí trong khi nhu cầu giao thông của chúng ta lại lớn. Hơn nữa nếu chỉ để đi bộ, ngắm cảnh thì tôi e là nguy hiểm bởi thực tế đã chứng minh, mỗi lần có gió lớn, người đi qua cầu rất nguy hiểm, khả năng bị cuốn bay là cao", ông Sơn nói.


Tùng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc