"Không gian trống quanh Hồ Gươm quá ít ỏi"

15:45, 11/12/2014
|

(VnMedia) - Hồ Gươm, báu vật không chỉ của người Hà Nội mà còn là trái tim của cả nước. Chính vì thế, bất cứ một động thái gì liên quan đến khu vực Hồ Gươm đều khiến dư luận đặc biệt quan tâm, trăn trở.

>>
Trung tâm Văn hóa Hồ Gươm: Không xứng tầm
>> Nên dùng trụ sở quận Hoàn Kiếm làm trung tâm văn hóa
>> Báo động: Hồ Gươm đang bị tầm thường hóa!
>> Không xây cao tầng quanh Hồ Gươm, Hoàng Thành và phố cổ
>>   Hà Nội sắp xây toà nhà cao "ngất ngưởng" gần Hồ Gươm
>> Tàu điện ngầm ảnh hưởng “long mạch” Hồ Gươm?


  Ảnh minh họa

Không gian quanh Hồ Gươm đã quá ít ỏi nên cần được gìn giữ

 

Những ngày gần đây, việc UBND quận Hoàn Kiếm quyết định sẽ xây dựng ở số 2 Lê Thái Tổ một căn nhà để dùng làm Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm đã bị hầu hết ý kiến của các chuyên gia và người dân phản đối, bởi cùng một quan điểm: không gian công cộng quanh hồ gươm, chỉ THÊM chứ không BỚT, cho dù là 1 mét vuông.

 

Tuy nhiên, không chỉ bây giờ, khi một công trình có thể sẽ được xây dựng ở địa điểm nhạy cảm này mới khiến cho dư luận phản ứng theo kiểu: Thấy làm gì cũng phản đối mà lâu nay, không gian quanh Hồ Gươm đã được các KTS, các nhà chuyên môn về quy hoạch đặc biệt quan tâm. Cách đây vài tháng, đã có cả một hội thảo lớn để bàn về biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc - văn hóa lịch sử Hồ Hoàn Kiếm.

 

Tại hội thảo, khi được hỏi rằng có nên xây dựng thêm một công trình nào đó quanh khu vực Hồ Gươm hay không thì KTS Lê Văn Lân đã nói: “Không gian trống đã quá ít ỏi rồi, nếu có thể bỏ đi được cái gì (công trình - PV) thì sẽ dễ chấp nhận hơn là xây thêm”.

 

Nói một câu nhẹ nhàng như thế, nhưng trong thâm tâm, ông luôn đau đáu một nỗi niềm về Hồ Gươm, về Hà Nội. Chả thế, ông KTS già nhỏ bé, người đã dành trọn vẹn tài năng và tâm huyết để thiết kế nên Cung thiếu nhi Hà Nội, một thời từng là “thiên đường” thiếu nhi Thủ đô và là niềm khát khao của thiếu nhi cả nước, đã viết: “Bên Hồ Gươm với 12 điều ước”.

 

Dòng mở đầu của 12 điều ước ấy, ông khẳng định: “Với không gian quanh Hồ Gươm, ai cũng nặng lòng”.

 

Phải, không nặng lòng sao được khi Hồ Gươm chính là biểu tượng của ký ức ngàn năm đô thị. Nó đã chứng kiến và lưu dấu ấn của cả thời tiền Thăng Long, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, Pháp thuộc, cách mạng tháng 8… và toàn bộ lịch sử hiện đại của một thành phố Thủ đô. Trong suốt chiều dài lịch sử, nó đã luôn là một không gian trọng yếu. Quan trọng hơn, Hồ Gươm đã tồn tại phi vật thể trong tâm tưởng của người Hà Nội, của người Việt Nam .

 

“Hồ Gươm như đang bé lại dần so với cảm nhận 10 năm trước. Mạn phía Tây, từ Công an phường Hàng Trống trở lên, vốn có cái đẹp đặc trưng. Dãy phố từng có một tỷ lệ ấn tượng, với kiến trúc dễ chịu, như đang thầm thì với Hồ, bây giờ đang tàn phai.” - KTS Lê Văn Lân nói mà như đang tâm sự với chính bản thân mình. Ông cũng tự nhắc nhủ: “Về việc này, hẳn chúng ta đã có lỗi về giải quyết chiều cao?”

 

Theo KTS, quanh Hồ Gươm, chẳng phải các công trình đều đẹp, nhưng hấp dẫn nhất ở đây là cảnh quan, là sự tương xứng giữa không gian và công trình.


“Trên tất cả là không gian truyền thuyết, không gian đậm sắc văn hóa tâm linh, như luôn gợi cho chúng bao hoài niệm. Mỗi công trìnhnhư những chứng tích, chúng nằm cạnh nhau, chẳng theo quy tắc gì, như chỉ để góp phần vừa đủ soi bóng mặt hồ, ôm gọn Ngọc Sơn, Thê Húc, Đền Bà Kiệu… và Tháp Rùa, cùng với hàng ngàn cây cổ thụ thay nhau bốn mùa khoe sắc. Người Hà Nội như không quan tâm nhiều đến kiến trúc của từng ngôi nhà, mà trước hết là cảnh quan chung. Chắc cũng vì vậy mà họ chịu đựng được với một vật thể kiến trúc ngô nghê, tưởng như khó thể xấu hơn, là chiếc Bảng đếm giờ bên Đền Bà Kiệu…” - KTS Lê Văn Lân “nói mát” và đặt câu hỏi: “Có thể làm gì để mở rộng không gian công cộng quanh Hồ?”.

 

Dù được viết ra cách đây vài tháng, nhưng đọc những dòng chữ ấy, chắc cũng không cần hỏi thêm ông về việc Hà Nội có nên xây công trình Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm ở số 2 Lê Lai hay không.

Trong 12 điều ước ấy, e ngại có thể bị bớt đi phần nào không gian công cộng quanh khu vực Hồ Gươm, nên ngay cả đối với một công trình quan trọng là ga tàu điện ngầm, KTS Lê Văn Lân cũng tha thiết nói: “phải cố gắng ở mức có thể, tổ chức dòng người lên xuống ở ga tàu điện ngầm càng xa hồ càng tốt, kiến trúc lối xuống càng nhỏ gọn càng tốt nếu không thể lồng ghép vào một ngôi nhà công cộng nào đó.”

 

Bày tỏ quan điểm về việc xây dựng các công trình, KTS Lê Văn Lân nói: “Đừng xây công trình gì lớn quanh hồ, nhất là phía Bắc. Quy mô nhà UBND Thành phố thế đã là tối đa, không để nó phình ra thêm.” Còn về phía Tây, ông viết: “nên tính đến khả năng công cộng hóa không gian phía Tây của Hồ, hướng về phía Nhà thờ Lớn khi có điều kiện.”

 

Nhấn mạnh “cần tính toán thận trọng và trách nhiệm”, KTS Lê Văn Lân kế luận: “Không gian kiến trúc Hồ Gươm không phải là một đầu bài để mỗi chúng ta thỏa mãn với những đề xuất cải tạo đột phá. Đơn giản, đây là một không gian cần được bảo vệ, giữ gìn cho ngày một đẹp hơn”.

 

Với những lập luận trên của KTS Lê Văn Lân, chúng ta có thể đặt câu hỏi: Công trình Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm có làm đẹp thêm cho không gian Hồ?


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc