Không thể dùng tiền thay thế nghĩa vụ quân sự

09:13, 21/11/2014
|

(VnMedia) - Trung tướng Bế Xuân Trường cho rằng, cá nhân ông phản đối việc thay thế nghĩa vụ quân sự bằng tiền, bởi ngoài trách nhiệm của công dân còn là nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc…

Ảnh minh họa

Trung tướng Bế Xuân Trường: Không thể dùng tiền thay thế nghĩa vụ quân sự


Hôm nay (21/11), Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). Bên hành lang Quốc hội ngày 20/11, Trung tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 1, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) đã trao đổi về một số vấn đề liên quan đến dự án Luật này.

- Thưa Trung tướng, ông đánh giá như thế nào về quy định gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi đối với công dân học xong đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) lần này?

Bản chất của việc này là để huy động được đội ngũ tri thức vào phục vụ quân đội, vừa được đông người, vừa tuyển được người vào một số lĩnh vực ngành nghề, chuyên ngành mà quân đội chưa đào tạo được, khi mà bên ngoài người ta đã được đào tạo rồi. Tức là  chúng ta tận dụng được đội ngũ nhân lực này. Sau đó, dần dần số lượng này trở thành quân nhân chuyên nghiệp thì quá tốt.

Tôi cho rằng cũng cần phải làm tốt công tác định hướng, tuyên truyền, giáo dục ý thức cho thanh niên để sau 2 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự, họ ở lại phục vụ cho quân đội là tốt nhất.

- Dư luận cho rằng hiện nay có tình trạng chạy chọt để trốn tránh đi nghĩa vụ quân sự. Theo ông điều này có hay không?

Theo tôi là có nhưng số này không nhiều vì đã giao nhiệm vụ, trách nhiệm và quy trách nhiệm cho người đứng đầu Hội đồng tuyển chọn nghĩa vụ quân sự rồi. Khi khám chắc chắn sẽ loại bỏ được yếu tố này. Nếu để lọt người không đủ tiêu chuẩn, hoặc kiểm tra sức khỏe tốt mà nói không tốt, đến khi qua xác minh mà phát hiện gian lận thì sẽ kỷ luật nghiêm chủ tịch Hội đồng tuyển chọn. Làm như vậy sẽ loại bỏ được tiêu cực.

- Có đại biểu khi thảo luận tại tổ đưa ra ý kiến là có thể thay thế việc đi nghĩa vụ quân sự bằng đóng một khoản tiền nhất định. Quan điểm của ông về ý kiến này như thế nào?

Cá nhân tôi phản đối quan điểm này và về phía Ban soạn thảo chắc chắn cũng sẽ không đồng ý. Không thể dùng tiền thay thế, vì việc này ngoài trách nhiệm của công dân còn là nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, trách nhiệm thiêng liêng của mỗi công dân, không thể dùng tiền thay cho nghĩa vụ thiêng liêng cao cả đó được. Thay thế nghĩa vụ quân sự bằng đóng tiền là sai hoàn toàn về bản chất.

Còn đối với các hình thức hoạt động công ích như thanh niên hỏa tiễn, xung phong, đắp đê… thì có thể cân nhắc vận dụng linh hoạt, hợp lý.

- Còn với quan điểm cần giảm đối tượng được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình, ông thấy sao?

Tôi cho rằng việc thu hẹp đối tượng tạm miễn, tạm hoãn là để tạo sự công bằng xã hội. Còn những trường hợp được tạm miễn, tạm hoãn, Ban soạn thảo đã đi khảo sát, lấy ý kiến từ cơ sở và tổng hợp. Kết quả cho thấy về cơ bản là đồng thuận.

- Với trường hợp có đơn xin tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự do hoàn cảnh gia đình thì có được xem xét không, thưa Trung tướng?

Trường hợp nào được làm đơn xin tạm hoãn thì đã được quy định cụ thể trong Luật. Nhưng làm gì thì làm cũng phải thấu tình đạt lý, công bằng xã hội. Nếu không, sẽ tạo ra sự mất công bằng trong xã hội.

- Vậy còn với đối tượng đi học nước ngoài mà không về thực hiện nghĩa vụ quân sự thì phải xử lý thế nào, thưa Trung tướng?

Đối tượng học sinh, sinh viên đi học ở nước ngoài mà không nằm trong chương trình nhà nước, theo kênh tự túc thì còn nhiều bộ luật khác liên quan quản lý. Luật nghĩa vụ quân sự chưa đề cập vấn đề này.

- Xin cảm ơn Trung tướng.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc