Nhà công vụ: Không trả sẽ cưỡng chế

16:40, 24/10/2014
|

(VnMedia) - Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, có ý kiến đề nghị quy định rõ thời hạn thuê nhà ở công vụ trong 1 năm, hết thời hạn thì phải trả lại nhà ở công vụ, đồng thời cần nêu rõ trách nhiệm quản lý nhà ở công vụ và có chế tài xử lý đối với trường hợp không trả lại nhà công vụ.

>> Cho người nước ngoài mua nhà nhưng phải chặt chẽ

Sáng 24/10, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) , Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi). Tiếp đó, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi).

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Nhà ở (sửa đổi), UBTV QH đề nghị bên cạnh việc tiếp tục thực hiện chính sách về nhà ở công vụ như luật Nhà ở hiện hành, phải quy định rõ quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức khi thuê nhà ở công vụ.

Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, có ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn về đối tượng, tiêu chí được thuê nhà ở công vụ. Ngoài ra, cần quy định rõ thời hạn thuê nhà ở công vụ trong 1 năm, hết thời hạn thì phải trả lại nhà ở công vụ, đồng thời cần nêu rõ trách nhiệm quản lý nhà ở công vụ và có chế tài xử lý đối với trường hợp không trả lại nhà công vụ.

Dự thảo Luật (sửa đổi) cũng quy định rõ việc thu hồi và cưỡng chế thu hồi nhà ở công vụ, khi người thuê không còn thuộc đối tượng được thuê và không tự nguyện trả lại nhà ở công vụ.

 Ảnh minh họa

 Đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị cần thu hẹp đối tượng được hưởng chính sách nhà công vụ



Việc quy định thời hạn cho thuê nhà ở tương ứng với thời hạn đảm nhận chức vụ, công tác để người thuê yên tâm làm việc, khi hết tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ hoặc chuyển đi nơi khác, người thuê nhà công vụ có trách nhiệm trả lại nhà, nếu không tự nguyện trả lại thì sẽ bị cưỡng chế thu hồi.

Góp ý cho dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi), đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đặt câu hỏi: Có nên đặt vấn đề phát triển nhà công vụ không?. Đại biểu Nam cho rằng, dự thảo Luật nhà ở lần này mở rộng đối tượng nhà công vụ quá lớn. Do vậy, cần tính toán đối tượng được sử dụng nhà công vụ. Bởi, nếu cứ cho phép các đối tượng hưởng nhà ở công vụ như trong dự thảo luật, trong điều kiện ngân sách như hiện nay khó đáp ứng được.

“Cần phát triển nhà ở xã hội, nhưng nên cân nhắc phát triển nhà ở công vụ. Phát triển nhà cho dân thì tốt nhưng phát triển nhà cho quan thì nên tính toán”, đại biểu Lê Nam đề nghị.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị cần thu hẹp đối tượng được hưởng chính sách nhà công vụ. Lý do là dự thảo lần này đã bổ sung nhiều cơ chế chính sách ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội, xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê. Việc thu hẹp đối tượng nhà công vụ để họ tiếp cận thị trường nhà ở xã hội; sẽ giúp tiết kiệm nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho nhà ở công vụ, trong điều kiện kinh tế - xã hội đất nước còn gặp nhiều khó khăn.

Đại biểu Vinh đề xuất, chỉ nên quy định đối tượng hưởng nhà ở công vụ là lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước trong thời gian đảm nhiệm chức vụ. Các đối tượng khác chỉ hưởng chính sách nhà ở công vụ khi được điều động, luân chuyển về công tác tại các xã vùng sâu, xa có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo.

 Theo dự thảo Luật: Nhà ở công vụ là nhà ở được dùng để cho các đối tượng thuộc diện được ở nhà công vụ theo quy định của Luật này thuê trong thời gian đảm nhận chức vụ, công tác.

 1. Đối tượng được thuê nhà ở công vụ bao gồm:

a) Cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thuộc diện ở nhà công vụ trong thời gian đảm nhận chức vụ;
b) Cán bộ, công chức thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội được điều động, luân chuyển theo yêu cầu công tác;
c) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được điều động, luân chuyển theo yêu cầu quốc phòng, an ninh, trừ đối tượng mà pháp luật quy định phải ở trong doanh trại của lực lượng vũ trang;
d) Giáo viên công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo;
đ) Bác sĩ, nhân viên y tế công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo hoặc được cử luân phiên có thời hạn xuống công tác tại các bệnh viện, các trung tâm y tế tuyến dưới theo quy định của pháp luật.


Đinh Bách - (Bài,ảnh)

Ý kiến bạn đọc