Giữ giấy khai sinh: Làm sao để không “hành” dân?

06:42, 28/10/2014
|

(VnMedia) - Có nhiều lý do để tiếp tục giữ quy định cấp Giấy khai sinh được Bộ trưởng Bộ Tư pháp đưa ra. Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét đến yếu tố làm thế nào để Giấy khai sinh không trở thành một thủ tục hành chính “hành” dân...

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Hà Hùng Cường trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 27/10 - ảnh: Tuệ Khanh


Chiều 27/10, nhiều câu hỏi đã được các phóng viên đặt ra với Bộ trưởng Hà Hùng Cường xung quanh việc có nên giữ lại quy định cấp Giấy khai sinh hay không khi mà đã có Thẻ căn cước...

-  Dự thảo Luật Căn cước công dân quy định cấp Thẻ Căn cước công dân cho trẻ em từ khi mới sinh ra, còn dự thảo Luật hộ tịch quy định tiếp tục cấp giấy khai sinh. Vậy quan điểm của Chính phủ về vấn đề này như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Chính phủ đã 2 lần có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một lần trước Kỳ họp thứ 7 và một lần trước kỳ họp thứ 8. Theo quan điểm Chính phủ, vẫn đề nghị trong Luật hộ tịch cấp Giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký  khai sinh.

Luật Căn cước công dân quy định cấp Căn cước công dân cho trẻ em sau khi đăng ký khai sinh. 2 dự luật giống nhau ở chỗ đều quy định bảo đảm quyền đăng ký khai sinh cho trẻ em, nhưng khác ở vật chứa ra bên ngoài. Đối với sự kiện đăng ký khai sinh, Luật hộ tịch nằm ở Giấy khai sinh, cònLuật Căn cước công dân nằm ở Căn cước công dân.

Căn cứ để Chính phủ đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý luật hộ tịch theo hướng cấp Giấy khai sinh cho trẻ em khi sinh ra, đó là: Thứ nhất, cấp Giấy khai sinh để chứng nhận sự kiện ra đời của trẻ em, có thể là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài sinh ra tại Việt Nam, đó là thông lệ quốc tế. Hầu hết các nước duy trì cấp Giấy khai sinh cho trẻ em. Với Việt Nam cũng đã là truyền thống, như sự kiện Hoàng sa, Trường Sa đã cấp giấy khai sinh cho người dân sinh ra ở đó.

Thứ 2, Giấy khai sinh có giá trị toàn cầu, còn Căn cước công dân thì chỉ có giá trị với công dân Việt Nam ở trong nước, là giấy thông hành phục vụ việc đi lại trong nước. Dự thảo mở ra hướng sau này có cộng đồng ASEAN hoặc liên minh đi lại, visa có thể sử dụng trong các nước có cam kết như vậy, nhưng chỉ trong phạm vi Lào, Cam-pu-chia hoặc 10 nước ASEAN chứ không có giá trị toàn cầu.

Ngoài ra, Căn cước công dân không thể hiện nhân dạng trẻ em trước khi đủ 14 tuổi. Nếu cấp thẻ Căn cước công dân cho trẻ khi sinh ra đến đủ 14 tuổi lại đổi lại chắc tốn kém hơn cho người dân, vì sản suất ra một Căn cước công dân tốn kém hơn nhiều so một Giấy khai sinh như hiện nay.

- Thưa Bộ trưởng, nếu giữ lại quy định cấp Giấy khai sinh thì làm thế nào Giấy khai sinh không trở thành thủ tục hành chính gây phiền hà cho dân?

Thực ra Giấy khai sinh cho trẻ em đến trước khi đủ 14 tuổi là giấy thông hành, không ai yêu cầu cái gì khác ngoài Giấy khai sinh đó. Vấn đề ở chỗ sau này đủ 18 tuổi, có Thẻ Căn cước công dân ghi ngày tháng năm sinh, quê quán… tất cả mọi thứ rồi thì pháp luật không nên quy định đã trình Thẻ Căn cước công dân rồi lại phải trình bản sao Giấy khai sinh nữa. Đề án 896 của Chính phủ cũng quy định theo hướng như vậy.

Đó là nói cải cách thủ tục  hành chính trong thời gian tới. Còn hiện nay, ta chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân cũng như cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ tịch thống nhất, vì vậy có rất nhiều sự trùng dẫm trong yêu cầu về thủ tục hành chính, bắt người dân phải kê khai những cái rất sơ đẳng, tối thiểu, mà lẽ ra nếu có cơ sở dữ liệu rồi thì người dân không phải khai nữa.

-  Hai hệ thống của hai Dự luật này liệu có tận dụng công sức của nhau không, thưa Bộ trưởng?

Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư là cơ sở dữ liệu chung, sử dụng cho tất cả các ngành khác như bảo hiểm, thuế, giấy phép lái xe… chỉ là những dữ liệu rất chung về con người. Có những việc, cơ sở dữ liệu về hộ tịch có dữ liệu đó nhưng không cung cấp, ví dụ như trẻ em sinh ra có bố hay không, trong hay ngoài giá thú... Cơ bản Dự án hai luật đã thể hiện mối quan hệ đó rồi, nhưng phải gia công thêm để thấy rằng cơ sở dữ liệu hộ tịch là nguồn đầu vào, là cơ sở dữ liệu “sống” chứ không “chết”. Sống vì hôm nay người ta đề nghị thay đổi tên, ngày mai người ta đề nghị thay đổi ngày tháng năm sinh… tất cả điều đó phải được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia một cách tự động và Thẻ Căn cước công dân cũng phải điều chỉnh theo chứ không phải mỗi lần như vậy lại phải đề nghị riêng, phải nộp lệ phí, tốn kém, sinh thủ tục hành chính phức tạp, cũng hết sức là tốn kém.

-  Nếu đó là 2 tệp thông tin khác nhau thì ai quản lý? Nếu người dân muốn cải chính hộ tịch thì đăng ký với cơ quan nào và thông tin đó có được tự động chuyển sang cơ quan kia không?

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Chính phủ đã giao Bộ Công quản lý. Từ đó, trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng phân nhánh ra, đâu cơ sở dữ liệu về công dân, chẳng hạn về dấu vân tay, nhóm máu… sau này sẽ có. Nó sẽ phát triển ra nhánh ở bên Bộ Tư pháp, là Cơ sở dữ liệu quốc gia về lý lịch tư pháp đối với những người có bản án, đã phạm tội... chẳng hạn. Nhưng Cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ tịch ghi nhận tất cả những biến động về hộ tịch của một người nên nếu muốn cải chính hộ tịch thì phải đến cơ quan hộ tịch làm, làm xong thì trên giấy tờ cơ sở dữ liệu có hai loại: một loại là sổ gốc thì được ghi bằng chữ, thứ hai ghi xong có trách nhiệm đưa lên cơ sở dữ liệu điện tử, tự động cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về sự thay đổi đó.

- Chi phí cho những thay đổi đó rất lớn phải không, thưa Bộ trưởng?

Bao nhiêu tiền thì tôi không nói chắc được vì cơ sở dữ liệu này do Bộ Công an quản lý và đề án khả thi hiện cũng đang xây dựng phần thí điểm tại Hải Phòng, nhân rộng ra cả nước như thế nào thì tôi chưa rõ lắm. Các nước người ta hoàn toàn có thể xã hội hóa được. Không phải người dân đóng góp mà một doanhg nghiệp người ta đóng góp trên cơ sở thu phí truy cập trong tương lai.

- Hải Phòng thí điểm đã tốn 10 triệu USD từ tiền được tài trợ,  vậy nếu cả nước rất lớn?

Tôi cũng không rõ được dự án này một cách chính xác, tôi chỉ biết dự án ODA của Hungary là 10 triệu euro, còn triển khai ở Hải Phòng hết bao nhiêu thì tôi không chắc. Nhưng kể cả chi phí có tốn kém mấy trăm triệu euro đi nữa nhưng là một Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cử để bảo đảm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân thì cũng xứng đáng.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc