Xót xa với Hà Nội đang mất dần màu xanh...

07:44, 25/09/2014
|

(VnMedia) - Theo tiêu chuẩn đô thị xanh, mỗi người phải có 10m2 cây xanh để hấp thụ lượng khí do họ thải ra. Tuy nhiên, tại Hà Nội, chỉ tiêu này chỉ đạt được 1/5. Trong khi đó, nhiều cây cổ thụ của Thành phố lại đang bị chặt đi…


Ảnh minh họa

Cây xanh là một trong những đặc trưng khiến Hà Nội đẹp đẽ, đáng yêu hơn

 

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, cây xanh có khả năng hấp thụ 50% bụi phóng xạ; hấp thụ hơi, bụi độc được thải ra từ hoạt động sản xuất công nghiệ và dân sinh. Chính vì vậy, cây xanh mang rất nhiều ý nghĩa trong việc điều hòa không khí đô thị.

 

Ở nước ta, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh, mở rộng cả về không gian và quy mô dân số, tuy nhiên, diện tích cây xanh phát triển không tỷ lệ thuận với tốc độ đô thị hóa. Theo tiêu chuẩn đô thị xanh, một người phải có 10m2 cây xanh để hấp thu lượng khí do họ thải ra, tuy nhiên, hiện nay diện tích đất trồng cây xanh ở Hà Nội đạt rất thấp, chỉ khoảng 2m2/người (theo thông tin từ Báo cáo Môi trường Quốc gia 2013 vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố).

 

Tại Hội thảo Quy hoạch đô thị 60 năm phát triển, KTS Lê Văn Lân, người thiết kế công trình văn hóa nổi tiếng là Cung thiếu nhi Hà Nội, cho rằng, Đồ án quy hoạch chung Thủ đô đã định rõ những vành đai xanh, những nêm xanh, với đặc tính là những khu vực có mật độ xây dựng thấp, không xây nhà cao tầng, đô thị tổ chức theo hướng sinh thái, hoặc là làng xã nông nghiệp đang có.... Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa quá nhanh thì ở ngay cả những nơi mà nhiều năm trước được coi là lá phổi của đô thị thì giờ đây bờ tre đã hết, ao đầm chẳng còn, nhà cao dần lên, đất trống khan hiếm và Hà Nội ngày càng ít “xanh” hơn.


Ảnh minh họa

Nhưng tốc độ đô thị hóa nhanh đang làm Hà Nội mất dần màu xanh vốn có

 

Chủ trương của Hà Nội là tăng mật độ che phủ cây xanh, là ưu tiên những khu đất khi di dời các nhà máy xí nghiệp ra khỏi Thành phố để làm vườn hoa, công viên…, Nhưng trong khi những chủ trương đó chưa được thực hiện thì nhiều cây xanh vốn có từ hàng chục năm nay đang bị mất dần.

 

Hai năm qua, khi Hà Nội rầm rộ làm những cây cầu vượt để giảm ùn tắc giao thông, thì cũng là lúc rất nhiều cây xanh bắt đầu bị chặt hạ, như hàng loạt cây ở đường Láng Hạ hay những cây xanh ven hồ Ngọc Khánh ở đường Nguyễn Chí Thanh… Rồi hơn 2 chục cây xà cừ cổ thụ trên đường Láng mới đây đã bị chặt đi để giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc thi công đường sắt trên cao.


Ảnh minh họa

Hàng cây xanh mướt bên hồ Ngọc Khánh đã bị chặt để làm cầu vượt

 

Sau đường Láng, gần đây, người Hà Nội, nếu có dịp đi qua phố Sơn Tây cũng lại cảm thấy xót xa cho những gốc cây cổ thụ vừa bị đốn hạ. Ở nửa đầu của con phố này, những cây cổ thụ vẫn tỏa bóng mát rợp che chở cho người đi đường tránh khỏi cái nắng “rám vỏ bưởi” của tháng 8, nhưng đến đoạn cuối phố, nơi người ta đang chuẩn bị cho việc mở con đường nối từ Trần Phú ra Kim Mã, chỉ còn trơ lại những gốc cây đã bị chặt sát đất. Nắng chói chang mà không một bóng cây khiến cho người đi đường cảm thấy bất an.


Ảnh minh họa

Hà Nội có nhiều con đường rợp bóng cây xanh

 

Tất nhiên, quá trình đô thị hóa đôi khi cần có sự hy sinh. Nhưng hy sinh cây xanh, tức là hy sinh môi trường sống, thì đó là một sự hy sinh có cái giá quá đắt. Đối với những người dân Thủ đô khi hàng ngày đi về qua đường Láng, nơi những hàng cây cổ thụ vừa bị chặt hạ; hay với những người đã đi xa Hà Nội nhiều năm, khi trở về, đi trên con đường này mà chẳng còn cảm nhận được những bóng cây thân quen của một thời, chắc sẽ thấm thía hơn ai hết cái giá mà Hà Nội đang phải trả cho việc mất đi những cây xanh cổ thụ đó.

 

Những ngày này, người Hà Nội cũng lại đang lo lắng, bồn chồn trước thông tin sẽ có hàng chục cây xà cừ cổ thụ trên đường Kim Mã (đoạn cạnh công viên Thủ Lệ) sẽ rơi vào số phận như những cây cổ thụ trên đường Láng, đó là để phục vụ cho tuyến đường sắt trên cao. Như thế, có nghĩa là lại thêm một sự hy sinh đau đớn cho phát triển, điều mà nếu nghiên cứu kỹ từ trước, biết đâu Hà Nội đã tránh được?


Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa

Nhưng cũng có những con đường trơ trọi dưới cái nắng, với những gốc cây bị cưa sát đất phục vụ cho mở đường... (trong ảnh: phố Sơn Tây với những gốc cây bị chặt sát đất phục vụ cho mở đường)

 

Theo tiến sĩ Tristan Laurent Morel, nhà quy hoạch người Pháp, đồng thời là chuyên gia tư vấn và là đại diện của Viện Quy hoạch và Phát triển đô thị Vùng Ile-de-France (IAU-IdF) tham gia dự án Điều chỉnh quy hoạch Vùng thủ đô Hà Nội, vẫn còn đủ thời gian để xem xét lại tầm nhìn của các chuyên gia tư vấn thiết kế hướng tuyến của tuyến đường sắt đô thị số 1, đặc biệt là cần tập trung vào những ảnh hưởng của dự án này tới cảnh quan đô thị hiện tại cũng như tới môi trường kinh tế - xã hội.

 

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, có một mối liên hệ chặt chẽ giữa dự án giao thông và các vấn đề về bảo tồn di sản cũng như mối liên hệ giữa cải tạo đô thị và giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội. Và để giải quyết được thỏa đáng những mối liên hệ này, cần có một nghiên cứu mang tính cập nhật đầy đủ hơn.


Tuệ Khanh - (ảnh: Vũ Ngọc - Tuệ Khanh)

Ý kiến bạn đọc