Thủ tướng thị sát tàu Kiểm ngư lớn nhất Việt Nam

19:45, 04/06/2014
|

Sáng 4/6 tại Quảng Ninh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn công tác của Chính phủ đã tới thăm Công ty Đóng tàu Hạ Long. Tại đây, Thủ tướng đã thị sát tàu kiểm ngư cỡ lớn mang số hiệu KN-781 vừa được Công ty hoàn thành và sẽ bàn giao trong tháng 6/2014. Chiều cùng ngày, Thủ tướng cùng Đoàn công tác có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Quảng Ninh.

 

Tại Công ty Đóng tàu Hạ Long (doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thị sát tàu kiểm ngư cỡ lớn mang số hiệu KN-781, một trong những con tàu tuần tra lớn nhất của Việt Nam, có lượng giãn nước hơn 2.000 tấn; tàu có khu vực chứa và sân đỗ cho máy bay trực thăng trong những chuyến tuần tra.

 

Loại tàu này rất phù hợp với lực lượng thực thi pháp luật trên biển vì với công nghệ của hãng Damen, Hà Lan, con tàu có công suất máy hơn 12.000 mã lực,tốc độ lý thuyết đạt hơn 21 hải lý/giờ và có thể hoạt động liên tục trong điều kiện bình thường 5.000 hải lý cho một hành trình.

 

Đặc biệt, tàu còn được gia cố vỏ thép dày và được trang bị cả vũ khí âm thanh tầm xa và vòi rồng phun nước cường độ cực mạnh. Bên cạnh tàu kiểm ngư KN-781, một tàu kiểm ngư tương tự cũng đang được Công ty Đóng tàu Hạ Long đóng và dự kiến sẽ được bàn giao trong tháng 7/2014.



 Ảnh minh họa
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm Công ty TNHH MTV đóng tàu Hạ Long.


Sau khi kiểm tra tàu KN 781, trong buổi làm việc với các Bộ, ngành Trung ương và Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết định sẽ đầu tư để đóng thêm 4 chiếc tàu như tàu KN781, đưa số tàu có lượng giãn nước trên 2000 tấn của lực lượng kiểm ngư loại này lên 6 chiếc.

 

Cùng với 2 tàu kiểm ngư (có cùng công suất như tàu KN-781) đã được bàn giao và đi vào hoạt động và 6 tàu loại KN 781, thì lực lượng Kiểm ngư sẽ có 8 tàu lớn được trang bị hiện đại, có lượng giãn nước trên 2.000 tấn.

 

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đồng ý cho đóng thêm 15 tàu kiểm ngư tầm trung. Như vậy, trong tương lai gần với 30 tàu kiểm ngư đã và sắp được bàn giao, cùng với các tàu nêu trên, lực lượng kiểm ngư sẽ có hơn 50 tàu hiện đại.


 Ảnh minh họa
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thị sát tàu kiểm ngư KN-781. Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Việc được trang bị các tàu tuần tra cỡ lớn, sẽ giúp lực lượng Kiểm ngư Việt Nam thực hiện được những chuyến tuần tra xa bờ, dài ngày. Lực lượng kiểm ngư Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nhiệm vụ chấp pháp trên biển, hỗ trợ và bảo vệ ngư dân và cứu hộ cứu nạn trên biển.

 

Thủ tướng cũng yêu cầu, Công ty đóng tàu Hạ Long phối hợp với lực lượng Kiểm ngư để bổ sung ngay một số trang thiết bị phù hợp cho các tàu kiểm ngư, để các tàu này có thể chịu được các vòi phun nước công suất lớn.

 

Buổi chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn công tác của Chính phủ có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII; phương hướng nhiệm vụ năm 2014. Trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Quảng Ninh phát huy những kết quả đạt được cùng với việc khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục xây dựng và phát triển KTXH, đưa Quảng Ninh trở thành một tỉnh mạnh về công nghiệp, dịch vụ.


Trong hơn 3 năm qua, tình hình KTXH của Quảng Ninh đạt được nhiều kết quả tích cực, đúng hướng, bám sát mục tiêu đẩy mạnh 3 khâu đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn so với bình quân chung cả nước (năm 2011 là 11,7%; năm 2012 là 7,4%; năm 2013 đạt 7,5%); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đúng hướng; các quy hoạch quan trọng được quan tâm triển khai; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện đáng kể; diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới.

 

 Ảnh minh họa
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.


Tỉnh đã huy động được toàn xã hội chung tay xây dựng nông thôn mới; văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân có bước cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hiện chỉ còn trên 2,5%;... Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu, những kết quả khá toàn diện mà Quảng Ninh đạt được trong xây dựng và phát triển KTXH thời gian qua.

 

Thủ tướng cũng yêu cầu Quảng Ninh tiếp tục phát huy truyền thống và những kết quả đạt được; ra sức khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục xây dựng và phát triển KTXH của địa phương, đưa Quảng Ninh trở thành một tỉnh mạnh về công nghiệp, dịch vụ.

 

Trước hết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Quảng Ninh tập trung cao độ, quyết liệt chỉ đạo nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụđã đề ra cho năm 2014, qua đó tạo tiền đề phát triển cho những năm tiếp theo. Trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cần đặc biệt chú trọng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng về nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, dịch vụ,... để phục vụ cho các mục tiêu phát triển, nâng cao đời sống cho nhân dân địa phương.

 

Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển KTXH; nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thu hút đầu tư vào địa phương.

 

Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Quảng Ninh cần quyết liệt hơn nữa trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bởi đây chính là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; là xóa đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống cho người dân nông thôn...

 

Thủ tướng cũng lưu ý Quảng Ninh cần tiếp tục quán triệt và đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh; triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực; chuyển dịch mạnh hơn nữa lao động từ nông nghiệp sang làm công nghiệp và dịch vụ; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn; thúc đẩy sự nghiệp phát triển văn hóa, y tế, giáo dục.

 

Trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, chúng ta kiên quyết bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc bằng mọi biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có đấu tranh bằng biện pháp ngoại giao, đấu tranh trên thực địa và đấu tranh bằng dư luận, công khai với dư luận quốc tế về những hành vi sai trái, ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông.

 

Chủ trương nhất quán của chúng ta là kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền, song vẫn duy trì làm ăn, buôn bán, hợp tác kinh tế và thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc trên các lĩnh vực khác. Vì vậy, Quảng Ninh cần tiếp tục duy trì các hoạt động hợp tác kinh tế cũng như các hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực khác với Trung Quốc vì lợi ích chung của cả hai bên. Bên cạnh đó, Quảng Ninh cần hết sức chú trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc.

 

Trong buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cũng xem xét, cho ý kiến cụ thể đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Quảng Ninh như: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án xây dựng đặc khu kinh tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) và Đặc khu kinh tế Phú Quốc; sớm quyết định về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Quảng Ninh nói chung và Khu kinh tế Vân Đồn nói riêng; ưu tiên dành nguồn lực để đầu tư cho các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn.


(chinhphu.vn)

Ý kiến bạn đọc