Luật Căn cước công dân “ngốn” bao nhiêu tiền?

19:29, 09/06/2014
|

(VnMedia) - Thảo luận về luật Căn cước công dân và luật Hộ tịch, các đại biểu cho biết đây là 2 luật hết sức cần thiết nhưng còn nhiều điều cần làm rõ, trong đó có tính khả thi về thời hạn và số tiền sẽ phải chi ra để làm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...

Sáng nay (9/6), các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Căn cước công dân và Dự án Luật Hộ tịch.

Phát biểu góp ý,  hầu hết các đại biểu đều phân tích những tồn tại, bất cập trong quản lý hộ tịch hiện nay và cho rằng, việc phải có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là đặc biệt quan trọng và phải tiến hành làm càng sớm càng tốt để tạo thuận lợi không chỉ cho việc quản lý mà còn rất thuận tiện cho người dân. Tuy nhiên, các đại biểu cũng băn khoăn về thời hạn hoàn thành cơ sở này trong vòng 6 năm tới (2020).

Theo Dự thảo Luật Hộ tịch, từ nay đến năm 2020 sẽ hoàn thành toàn bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng đại biểu Trần Đình Thu (Gia Lai) đặt câu hỏi: “Làm sao có đủ cán bộ công chức có đủ năng lực trình độ để số định danh cá nhân chuẩn xác 100%, ai đảm bảo vấn đề này? Hệ thống bộ máy có đáp ứng được không? trong 6 năm có thể làm được không?, 6 năm là dài nhưng bộ máy của chúng ta ì ạch lắm.”

Chứng minh cho điều này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, hiện nay cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vẫn chưa có,  mặc dù được thể chế hóa trong Nghị định 90 của Chính phủ từ cách đây 2 năm. Còn cơ sở dữ liệu về lý lịch tư pháp thì mới triển khai năm thứ 3 và lộ trinh chắc phải 15-20 năm nữa thì mới tự thân vận động được và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đại biểu Dương ngọc Ngưu (Điện Biên) đánh giá, 2 luật  này có rất nhiều điều liên quan với nhau nhưng lại do 2 bộ (Công an và Tư pháp) quản lý.

“Vậy đặt vấn đề có nhập hai luật  này lại với nhau được không, nếu không nhập thì trách nhiệm của mỗi bộ như thế nào?” – đại biểu Dương Ngọc Ngưu đặt câu hỏi.  Tuy nhiên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, hai luật này không thể nhập với nhau được vì có 2 mục tiêu khác nhau, phạm vi điều chỉnh khác nhau.

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: quy định thu hồi, tạm giữ thẻ căn cước là vô lý, không khả thi - ảnh: Tuệ Khanh


Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng chia sẻ, qua thảo luận, ông có có suy nghĩ: “phải chăng luật Căn cước Công dân nên mở rộng ra, đối với công dân khi ra nước ngoài thì thẻ căn cước có thể dùng làm hộ chiếu.  Ví dụ, khi có thỏa thuận với Asean thì thẻ căn cước có thể đi một số nước trong Asean… nhưng tất nhiên không phải tất cả các nước, do vậy phải nghiên cứu luật hóa.

Về quy định thu hồi thẻ Căn cước công dân, theo Dự thảo luật, thẻ Căn cước công dân bị thu hồi trong trường hợp bị tước, thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; Ra nước ngoài định cư.  Thẻ Căn cước công dân cũng có thể bị tạm giữ trong các trường hợp chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc  hoặc bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù. 
 
 Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, căn cước công dân chỉ cấp cho người có quốc tịch Việt Nam, là tài sản của người dân nên không thể thu hồi. “Ngay cả khi người ta ra nước ngoài,  thì thẻ này lúc đó vô giá trị, họ chỉ giữ lại làm kỷ niệm thôi, không cần thu  hồi.“ – Bộ trưởng nói và cho rằng, việc thu hồi là vô lý và không khả thi. “Ngay cả bây giờ, có người vẫn có 3 giấy chứng minh nhân dân nhưng có thu  hồi được đâu” – Bộ trưởng dẫn chứng.

Còn đối với việc tạm giữ thẻ căn cước, ông Hà Hùng Cường cho rằng, khi vi phạm pháp luật, con người đã bị tạm giữ, hạn chế tự do rồi thì không cần phải tạm giữ thẻ căn cước công dân.

Một vấn đề được khá nhiều đại biểu quan tâm đề nghị thêm vào thẻ căn cước, đó là nhóm máu. Theo các đại biểu, đây là vấn đề nhân đạo để khi gặp vấn đề về sức khỏe, tai nạn… có thể được cứu chữa kịp thời.

Đặc biệt, các đại biểu đề nghị phải “liên thông” được hai luật Căn cước công dân và Hộ tịch với nhau. “Cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ vừa liên kết được với nhau vừa tích hợp được, cần sự đồng bộ cả về nội dung và hạ tầng kỹ thuật, chứ không mỗi cái lại một dự án riêng, chương trình riêng, đọc không ra, không tích hợp được. Điều này rất quan trọng và Chính phủ phải thuyết trình được về yêu cầu này” - đại biểu Lê Đông Phong đề nghị. Về vấn đề này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, giữa hai Luật sẽ có sự kết nối chặt chẽ với nhau.

Trong khi đó, đại biểu Trần Đình Thu thẳng thắn đặt vấn đề: “Đề nghị các bộ cho biết thay đổi luật này thì “thiệt hại” ngân sách là bao nhiêu? Chúng ta cứ làm luẩn quẩn mà tác động của nó là rất lớn, rất tốn kém.

Đồng quan điểm với đại biểu Trần Đình Thu, đại biểu Lò Văn Muôn cũng cho rằng, việc dự trù kinh phí để thực hiện chính sách bao giờ cũng là lỗi rất nặng của cả hệ thống. “Chúng ta chưa làm được việc đó, còn nếu mà làm được thì chỉ là những dự kiến rất sơ sài, đến sau này phát sinh mới duyệt kinh phí chứ để xác định khối lượng công việc, các hoạt động để thực hiện chính sách để đạt mục tiêu sẽ hết bao nhiêu tiền, và tiền đó ở đâu ra, tác động đến đối tượng nào… thì chúng ta chưa làm tốt được. Vì vậy, bây giờ chúng ta phải xác định nếu thực  hiện các chính sách này như cấp lại thẻ căn cước, những giấy tờ liên quan… sẽ phải chi phí bao nhiêu và nguồn ở đâu, ảnh hưởng đến khu vực nào… nên được nghiên cứu sâu hơn.” - đại biểu Lò Văn Muôn nêu ý kiến.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc